Theo CNN, tại một cuộc họp bất thường diễn ra hôm 26/5, Ngân hàng Trung ương Nga (BOR) tuyên bố giảm lãi suất từ 14% xuống còn 11%, đồng thời nhấn mạnh quá trình hạ lãi suất có thể còn tiếp tục.
Việc đồng RUB hồi sinh nhờ nguồn thu dầu khí mạnh mẽ và chính sách kiểm soát vốn nghiêm ngặt đã giảm áp lực cho kinh tế Nga. Trong giai đoạn đầu cuộc chiến ở Ukraine, Nga đã phải tăng lãi suất lên 20% nhằm để tránh cuộc khủng hoảng tài chính do chuỗi lệnh trừng phạt từ phương Tây gây ra.
Đồng RUB tăng mạnh
Trong một tuyên bố, BOR cho biết tác động của tỷ giá hối đoái đồng RUB cũng như kỳ vọng lạm phát của hộ gia đình và doanh nghiệp hạ đáng kể đã giảm bớt áp lực lạm phát. Quốc gia này dự kiến lạm phát sẽ giảm xuống từ 5-7% trong năm nay. Trong tháng 5, lạm phát ở Nga đang giữ ở mức 17,5%.
Giá trị đồng nội tệ Nga từng giảm xuống mức thấp kỷ lục 135 RUB đổi 1 USD sau khi phương Tây đóng băng một nửa kho dự trữ ngoại hối trị giá hơn 600 tỷ USD của Nga. Bên cạnh đó, Nga còn đối mặt với làn sóng rời khỏi thị trường của doanh nghiệp nước ngoài, cũng như bị cấm mua công nghệ và dịch vụ quan trọng của phương Tây.
Tỷ giá hối đoái giữa RUB và USD đang ở mức cao nhất 2 năm qua. Ảnh: Trading Economics. |
Song, RUB nhanh chóng phục hồi và trở thành đồng tiền có hoạt động tốt nhất thế giới trong năm nay. Các biện pháp kiểm soát vốn trong bối cảnh giá năng lượng tăng vọt đã buộc doanh nghiệp và giới đầu tư mua RUB. Tỷ giá hối đoái của RUB so với USD là 62:1.
Các nỗ lực hạn chế hoạt động nhập khẩu năng lượng của phương Tây diễn ra tương đối chậm chạp. Do đó, việc giá năng lượng tăng cao đã thúc đẩy nguồn tài chính của Điện Kremlin.
“Điểm mấu chốt là doanh thu từ dầu và khí đốt đang cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách phao cứu sinh, cho phép họ ngừng các biện pháp kinh tế khẩn cấp. Việc tiếp tục nới lỏng biện pháp kiểm soát vốn và cắt giảm lãi suất bổ sung có thể xảy ra”, William Jackson, Trưởng nhóm kinh tế thị trường mới nổi tại Capital Economics, nhận định.
Nguồn cung năng lượng vẫn là thách thức của châu Âu
Trong nhiều năm qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cố gắng xây dựng một "nền kinh tế pháo đài", tích lũy nguồn dự trữ ngoại hối trong trường hợp khẩn cấp. Hôm 25/5, ông tuyên bố tăng 10% lương hưu và lương tối thiểu để giúp người Nga chống chịu các tác động của lạm phát.
Tuy nhiên, nền kinh tế Nga vẫn phải đối mặt với sự tàn phá từ các lệnh trừng phạt. Song song, những hạn chế ngăn cản khả năng thanh toán cũng có thể đưa nước Nga vào thế vỡ nợ sau hơn một thế kỷ.
Tôi tin rằng sự suy giảm không đáng kể. Chúng tôi chỉ ghi nhận một tháng có mức giảm hơn 1 triệu thùng/ngày, chưa được tính là giảm sâu. Tôi nghĩ rằng sẽ có một sự phục hồi trong tương lai
Phó thủ tướng Nga Alexander Novak
Theo Timothy Ash, chiến lược gia cấp cao về thị trường mới nổi tại Bluebay Asset Management, Tổng thống Putin đang triển khai các biện pháp chữa cháy khẩn cấp. Cùng với đó, việc cắt giảm lãi suất là một phần của chiến dịch quan hệ công chúng.
“Họ đang trong một cuộc chiến tranh thông tin với phương Tây, đồng RUB cũng nằm trong số đó”, ông nói.
Một cuộc suy thoái sâu có thể đến trong năm nay. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự kiến GDP của Nga sẽ giảm 8,5% do các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt áp đặt lên Moscow.
Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt đó vẫn chưa tác động sâu vào nguồn nhiên liệu hóa thạch của Nga. Moscow đang gặp khó khăn trong việc bán dầu và than cho đối tác. Tuy nhiên, khách hàng năng lượng lớn nhất của họ, Liên minh châu Âu, chưa thể thống nhất lệnh cấm vận dầu mỏ, trong khi lệnh cấm vận hoàn toàn khí đốt tự nhiên của Nga thậm chí chưa được bàn đến.
Nga đang hạ nhiệt dự báo về sự sụt giảm sản lượng dầu của nước này trong năm nay. Phó thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết sản lượng dầu có thể rơi vào khoảng từ 480-500 triệu tấn, giảm khoảng 6,5% so với năm 2021. Trước đó, Bộ Kinh tế Nga trước đó đã dự báo mức giảm có thể lên tới khoảng 9,3% trong năm nay.