Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mỹ tham vọng đóng băng ngành công nghiệp dầu mỏ của Nga

Đối với giới chức Mỹ, câu hỏi hiện tại là làm thế nào cắt đứt doanh thu từ dầu mỏ của Moscow nhưng vẫn đảm bảo nguồn cung năng lượng trên thế giới.

Theo New York Times, sau khi Nga tiến hành cuộc chiến ở Ukraine, Mỹ và các đồng minh phương Tây đã áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt để làm suy yếu quốc gia này. Tuy nhiên, với 20 tỷ USD doanh thu mỗi tháng thu lại từ hoạt động bán dầu, Nga vẫn có thể tiếp tục duy trì kinh phí cho cuộc chiến hay nền kinh tế.

Nếu nguồn cung bị gián đoạn, giá dầu sẽ tiếp tục gia tăng, tạo điều kiện thuận lợi cho Nga và chỉ làm trầm trọng thêm tình trạng lạm phát ở Mỹ và những quốc gia khác.

Chặn đứng dòng tiền của Nga

Chính quyền của Tổng thống Joe Biden ưu tiên việc dập tắt lạm phát, nhưng cũng triển khai nghiên cứu kế hoạch bóp nghẹt nguồn thu từ dầu mỏ với niềm tin tin phá hủy vai trò trung tâm của Nga đối với nền kinh tế năng lượng toàn cầu.

Tuy nhiên, kế hoạch này có thể đưa Mỹ vào cuộc xung đột lợi ích chính trị với Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và những quốc gia đối tác mua dầu của Nga.

Dù không muốn lập tức loại bỏ lượng lớn nguồn cung ra khỏi thị trường, Mỹ vẫn cố gắng kêu gọi thế giới cắt giảm lượng nhập khẩu từ Nga. Để làm tê liệt các công ty khai thác dầu, Mỹ quyết định dừng bán các công nghệ quan trọng và hy vọng thị trường sẽ điều chỉnh sau khi ngành công nghiệp năng lượng tại Nga suy yếu.

My muon trung phat dau mo Nga anh 1

Nguồn cung bị gián đoạn chỉ làm lạm phát tại Mỹ và trên thế giới trầm trọng hơn. Ảnh: CNN.

Áp lực đối với ngành công nghiệp dầu của Nga khó có thể đong đếm. Tháng 3, Mỹ và một số nước châu Âu ban hành chính sách cấm nhập khẩu dầu Nga. Trong thời gian tới, Liên minh châu Âu (EU) cũng sẽ công bố biện pháp trừng phạt tương tự.

Riêng tháng này, Nhóm 7 quốc gia công nghiệp phát triển (G7) đã hội đàm và thống nhất dần loại bỏ dầu nhập khẩu của Nga.

“Chúng tôi rất ủng hộ những nỗ lực mà châu Âu, EU đang thực hiện để loại bỏ năng lượng của Nga. Mọi chuyện sẽ không kết thúc một sớm một chiều nhưng rõ ràng châu Âu đang có kế hoạch dứt khoát”, Ngoại trưởng Antony Blinken phát biểu tại một cuộc họp báo của NATO hôm 22/5, đồng thời khẳng định Mỹ sẽ có mặt để giúp đỡ.

Dẫu vậy, hoạt động xuất khẩu dầu của Nga đã tăng mạnh trong tháng 4. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), việc giá dầu tăng đồng nghĩa Nga kiếm được nhiều hơn 50% doanh thu trong năm nay so với cùng kỳ năm 2021.

Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ (một thành viên của NATO) vẫn tăng cường nhập khẩu dầu của Nga. Hàn Quốc cũng là khách hàng lớn dù đã bắt đầu cắt giảm. Trong khi đó, Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới, đang đẩy mạnh nhập năng lượng với giá rẻ cũng như chỉ trích các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Khó dứt điểm

Theo Edward Fishman - người giám sát chính sách trừng phạt tại Bộ Ngoại giao Mỹ giai đoạn Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014 - các quan chức Mỹ đang xem xét những biện pháp nhanh nhất để giảm doanh thu bán dầu của Điện Kremlin, đồng thời ngăn các nước ngoài liên minh trừng phạt, như Trung Quốc và Ấn Độ, giúp Nga bằng việc mua thêm dầu.

Dù đã tính tới hình thức trừng phạt thứ cấp khác nhau, chính quyền của ông Biden vẫn chưa có biện pháp giải quyết dứt điểm. Một trong những phương án được đề xuất bao gồm áp đặt giá trần với dầu Nga. Song song, Mỹ sẽ trừng phạt người mua nước ngoài không tuân thủ các hạn chế bằng cách ngăn cản hoạt động kinh doanh với công ty Mỹ hoặc công ty thuộc quốc gia liên minh.

My muon trung phat dau mo Nga anh 2

Mỹ có thể giới hạn giá dầu mua từ Nga thông qua các công ty nước ngoài. Ảnh: Getty.

Washington sẽ ấn định mức trần của dầu Nga, chắc chắn thấp hơn mức trên 100 USD/thùng như hiện tại. Từ đó, đối tác mua hàng của Nga phải mặc cả giá thấp theo quy định hoặc hứng chịu lệnh trừng phạt từ Mỹ.

Mức giá để Nga hòa vốn khi bán dầu là 40 USD/thùng. Do đó, giới hạn giá sẽ làm giảm lợi nhuận của Nga mà không gia tăng chi phí năng lượng toàn cầu.

“Nếu nói về những biện pháp mạnh mẽ nhất, có lẽ đó là lệnh trừng phạt thứ cấp. Điều này có nghĩa nếu bạn kinh doanh với Nga, bạn không thể kinh doanh với Mỹ”, Richard Nephew, học giả tại Đại học Columbia, cựu quan chức cấp cao dưới thời ông Obama và Biden, nhận định.

Chưa tìm được tiếng nói chung

Chính phủ Mỹ cũng có thể cắt quyền truy cập của Nga với các khoản thanh toán dầu. Nếu thực hiện, Washington sẽ phải ban hành quy định yêu cầu hệ thống ngân hàng nước ngoài trung gian thanh toán đưa tiền vào tài khoản ký quỹ. Nga chỉ có thể tiếp cận tiền để mua các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm hay thuốc men.

Nhưng, Mỹ sẽ phải đối đầu với những quốc gia không nằm trong liên minh trừng phạt Nga như Trung Quốc hay Ấn Độ.

Sẽ không có lệnh cấm đối với dầu và khí đốt của Nga. Điều này sẽ khiến giá tăng vọt. Nga có thể hưởng lợi từ việc tăng giá chóng mặt

Maria Snegovaya, học giả thỉnh giảng tại Đại học George Washington

Giới chức Mỹ muốn đảm bảo các đối tác ở châu Âu và châu Á duy trì sự thống nhất với Washington về bất kỳ lệnh trừng phạt mới nào. Tuy nhiên, một số quan chức châu Âu nói rằng các biện pháp nhất định, chẳng hạn như giới hạn giá hoặc thuế quan đối với dầu của Nga, sẽ không hiệu quả hoặc quá phức tạp để ban hành.

Các quan chức Mỹ đang tiếp tục nghiên cứu mức độ thiệt hại của Nga nếu áp giá trần đối với dầu. Nếu EU triển khai phương án này thay vì lệnh cấm vận hoàn toàn, những người mua dầu của Nga ở châu Á và Trung Đông có thể tìm cách được mua với giá thấp tương tự.

Đến nay, lệnh trừng phạt cứng rắn nhất mà phương Tây đặt ra đối với Nga là đóng băng kho dự trữ ngoại hối và khiến giá trị đồng RUB giảm mạnh. Tuy vậy, Nga nhanh chóng tìm ra giải pháp bằng cách tích lũy ngoại tệ từ các công ty nội địa được thanh toán bằng USD và EUR cho các mặt hàng, bao gồm cả năng lượng.

Bên cạnh dầu thô, khí đốt cũng là vấn đề hóc búa đối với phương Tây. Các quốc gia châu Âu chủ yếu dựa vào khí đốt của Nga để phục vụ người dân và doanh nghiệp, do đó nguồn năng lượng này không thể dễ dàng thay thế.

Trong đại dịch, cứ hơn một ngày thế giới lại có thêm một tỷ phú

Tổ chức Oxfam cho biết đã có khoảng 573 người gia nhập hàng ngũ tỷ phú kể từ năm 2020, nâng tổng số tỷ phú trên toàn thế giới lên con số 2.668 người.

Ngọc Phương Linh

Bạn có thể quan tâm