Theo Reuters, Trung Quốc đang âm thầm mua dầu thô từ Nga với giá chiết khấu, từ đó lấp vào khoảng trống mà các khách hàng phương Tây bỏ lại sau cuộc chiến ở Ukraine.
Động thái của quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới diễn ra sau một tháng tuyên bố cắt giảm nguồn cung từ Nga. Trước đó, chính quyền Bắc Kinh lo ngại việc đẩy mạnh nhập khẩu như một cách công khai ủng hộ Moscow và có khả năng trở thành mục tiêu bị trừng phạt.
Rẻ hơn 29 USD/thùng
Vortexa Analytics ước tính lượng nhập khẩu qua đường biển từ Nga sang Trung Quốc sẽ tăng lên 1,1 triệu thùng/ngày vào tháng 5, áp đảo con số 750.000 thùng/ngày ở quý I/2022 và 800.000 thùng/ngày trong năm 2021.
Unipec, chi nhánh thương mại của tập đoàn lọc dầu hàng đầu châu Á Sinopec, đang dẫn đầu giao dịch. Ngoài ra còn có sự xuất hiện của Zhenhua Oil, một đơn vị của tập đoàn quốc phòng Norinco, và Livna Shipping, công ty đăng ký tại Hong Kong hoạt động trong lĩnh vực vận chuyển dầu.
Mỹ, Anh và một số nước châu Âu đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu dầu từ Nga như một biện pháp trừng phạt. Bản thân Liên minh châu Âu (EU) cũng đang xem xét thông qua một vòng trừng phạt mới bao gồm lệnh cấm nhập dầu.
Trung Quốc đang đẩy mạnh nhập khẩu dầu từ Nga. Ảnh: Reuters. |
Lo sợ phải đối mặt với lệnh trừng phạt hoặc tạo dư luận tiêu cực, nhiều nhà máy lọc dầu ở châu Âu đã ngừng mua hàng từ Nga. Vitol và Trafigura, hai trong số các công ty nhập khẩu hàng hóa lớn nhất thế giới, đã loại bỏ dần việc mua hàng từ Rosneft, nhà sản xuất dầu lớn nhất của Nga.
Ngày 15/5, quy tắc không được nhập khẩu dầu từ Nga trừ khi “thực sự cần thiết” để đảm bảo nhu cầu năng lượng của EU sẽ chính thức có hiệu lực.
“Tình hình bắt đầu chuyển biến nghiêm trọng. Sự ra đi của Vitol và Trafigura đã để lại khoảng trống vốn chỉ có thể được lấp đầy bởi các công ty được Nga tin tưởng”, một thương nhân Trung Quốc giấu tên, chia sẻ.
Theo các thương nhân, việc mua được dầu với giá rẻ đem lại lợi ích lớn cho các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc trong bối cảnh tỷ suất lợi nhuận bị thu hẹp. Hiện giá dầu giao ngay thấp hơn khoảng 29 USD/thùng so với giai đoạn trước cuộc chiến. Mức giá này thấp hơn nhiều so với với hàng từ Trung Đông, châu Âu, châu Phi hay Mỹ.
Ngoài vận chuyển đường biển, Trung Quốc còn nhập khoảng 800.000 thùng/ngày thông qua các đường ống. Như vậy, sản lượng nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng 5 tăng lên 2 triệu thùng/ngày, chiếm 15% tổng nhu cầu tiêu thụ của cả nước. Đối với Nga, doanh số bán dầu đang thu hẹp thiệt hại từ các đòn trừng phạt kinh tế.
Hệ thống doanh nghiệp nhà nước dẫn đầu
Các công ty quốc doanh của Trung Quốc, dẫn đầu bởi Sinopec và Zhenhua, chuẩn bị mua 2/3 hỗn hợp dầu từ ESPO (đường ống dẫn dầu Đông Siberia - Thái Bình Dương) vào tháng 5. Nga đã xuất khẩu khoảng 24 triệu thùng trong tháng 5, cao hơn 6% so với tháng 4.
Riêng Sinopec có khả năng mua ít nhất 10 lô hàng của ESPO trong tháng 5, tăng gấp đôi khối lượng so với trước cuộc chiến. Mức chiết khẩu cũng đạt kỷ lục 20 USD/thùng, dưới mức tiêu chuẩn dầu thô Dubai tại cơ sở FOB Kozmino.
Hiện, Sinopec, Zhenhua và Livna đang chuyển thêm dầu từ các cảng Biển Baltic của Nga nằm ở Tây Bắc Châu Âu và trung tâm xuất khẩu Kozmino ở Viễn Đông.
Một số nguồn tin cho biết Zhenhua đã thuê tàu vận chuyển dầu Nga. North Petroleum International, một đơn vị thuộc Zhenhua, cũng bốc hai chuyến hàng của ESPO vào đầu tháng 5, hai chuyến khác chở dầu Ural từ cảng Baltic Ust-Luga vào cuối tháng 4 và giữa tháng 5.
Sản lượng nhập khẩu mỗi ngày chiếm 15% nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc. Ảnh: AFP. |
Một trong những nhà thầu quốc phòng lớn nhất thế giới là Norinco đã chuyển sang kinh doanh dầu và giành được nhượng quyền sản xuất dầu ở Iraq từ năm 1990. Zhenhua gần đây cũng mở rộng sang lĩnh vực đầu tư và kinh doanh bến xăng.
Zhenhua đã mua một số nguồn cung dầu của Nga thông qua công ty Paramount Energy có trụ sở tại Thụy Sĩ. Đây là nhà tiếp thị thường xuyên của ESPO cho các nhà máy lọc dầu độc lập của Trung Quốc kể từ năm 2016.
Theo dữ liệu theo dõi tàu từ Vortexa và Refinitiv, Livna, công ty vốn không nổi trội trong hoạt động vận chuyển dầu của Nga sang châu Á, đã tải hơn 7 triệu thùng dầu thô Ural và ESPO của Nga tới Trung Quốc kể từ cuối tháng 4.
Cho đến tháng 5, Livna đã chở 8 chuyến hàng, tương đương gần 6 triệu thùng dầu ESPO, vận chuyển đến Trung Quốc, tăng thêm một hoặc hai chuyến mỗi tháng vào đầu năm nay. Livna cũng đã xếp ít nhất hai lô hàng Ural từ các cảng Baltic vào tháng 5 để giao cho Trung Quốc.