Theo CNN, tổng giá trị tài sản ròng của các tỷ phú đã tăng thêm 3.800 tỷ USD, tương đương 42%, lên 12.700 tỷ USD suốt thời kỳ đại dịch. Phần lớn lượng tài sản hình thành nhờ sự phát triển mạnh mẽ của thị trường chứng khoán và chính sách bơm tiền để kích thích nền kinh tế sau đại dịch của chính phủ.
Tuy nhiên, Covid-19 đã nới rộng tình trạng bất bình đẳng, đẩy giá lương thực lên cao và khiến 263 triệu người rơi vào cảnh nghèo cùng cực trong năm nay, đồng thời đảo ngược tiến trình hàng thập kỷ.
“Tôi chưa bao giờ chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng về tỷ lệ nghèo đói và giàu có vào cùng một thời điểm trong lịch sử. Nó sẽ làm tổn thương rất nhiều người”, Max Lawson, người đứng đầu chính sách bất bình đẳng tại Oxfam, nhận xét.
Người tiêu dùng trên khắp thế giới đang đối mặt với chi phí năng lượng, thực phẩm tăng cao. Song, Oxfam cho biết các tập đoàn trong ngành và giới lãnh đạo lại hưởng lợi từ vấn đề đó.
Elon Musk đang là tỷ phú giàu nhất thế giới với giá trị tài sản trên 200 tỷ USD. Ảnh: Reuters. |
Các tỷ phú trong lĩnh vực thực phẩm và kinh doanh nông sản đã tăng thêm 382 tỷ USD giá trị tài sản, tương đương 45%, trong 2 năm qua bất chấp việc đã điều chỉnh theo lạm phát. Khoảng 62 tỷ phú ngành thực phẩm xuất hiện kể từ năm 2020.
Ở lĩnh vực năng lượng, vốn hóa của các công ty trong ngành đã tăng thêm 53 tỷ USD, tương đương 24%, kể từ năm 2020.
Ngoài ra, thế giới cũng chứng kiến sự xuất hiện của 40 tỷ phú ngành dược phẩm, một trong những ngành đi đầu trong cuộc chiến chống Covid-19 đang hưởng lợi hàng tỷ USD lợi nhuận.
Tương tự, lĩnh vực công nghệ chiếm con số không nhỏ. 7/10 người giàu nhất thế giới đều làm việc trong ngành này, ví dụ như Elon Musk của Tesla, Jeff Bezos của Amazon hay Bill Gates của Microsoft. Những nhân vật này đã tăng thêm 436 tỷ USD giá trị tài sản lên 934 tỷ USD trong 2 năm qua.
Để chống lại sự gia tăng bất bình đẳng theo phương diện địa lý và giúp những người đang vật lộn với cơn bão giá cả, Oxfam đang thúc đẩy chính sách đánh thuế giới tài phiệt và các tập đoàn.
Tổ chức này kêu gọi áp thuế 90% tạm thời đối với khoản lợi nhuận vượt quá của công ty, cũng như đánh thuế một lần với các tỷ phú.
Oxfam cũng đề nghị đánh thuế tài sản vĩnh viễn đối với giới siêu giàu, đồng thời đưa ra mức thuế 2% đối với tài sản lớn hơn 5 triệu USD và 5% đối với giá trị tài sản lớn hơn 1 tỷ USD. Nếu trở thành hiện thực, chính sách này có thể huy động khoảng 2.500 tỷ USD trên toàn thế giới.