Các quan chức Anh ước tính có thêm 14 tiểu đoàn của Nga đang hướng tới biên giới với Ukraine. Mỗi tiểu đoàn khoảng 800 quân, và trên 100 tiểu đoàn tập trung ở khu vực biên giới. Giới phương Tây cho rằng lực lượng này là đủ để Moscow tiến hành đổ bộ vào Kyiv, Guardian đưa tin.
Mỹ và đồng minh phương Tây cáo buộc ông Putin sắp phát động tấn công Ukraine. Điện Kremlin liên tục phủ nhận, dù vẫn gia tăng các hoạt động quân sự bao quanh biên giới Ukraine và trên biển Đen.
Vào tối 14/2, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden. Hai bên nhất trí ngoại giao vẫn là phương thức quan trọng để Nga lùi bước trước các mối đe dọa đối với Ukraine. Trong khi cả Anh và Mỹ sẽ không gửi quân đến Ukraine, họ khẳng định bất kỳ kiểu tấn công nào của Nga cũng "sẽ dẫn đến một cuộc khủng hoảng kéo dài" cho chính nước này.
Xe tăng tham gia tập trận ở khu vực Leningrad. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga. |
Ông Johnson nói rằng điều quan trọng là các đồng minh phương Tây phải đoàn kết trước sức ép từ Nga. Thủ tướng nói thêm rằng tư cách thành viên NATO của Ukraine không thể là thứ đem ra “mặc cả”.
Anh tin rằng Nga đã xây dựng khoảng 60% lực lượng mặt đất và tăng gấp đôi sức mạnh không quân hiện có trong khu vực. Tuy nhiên, nước này cho rằng ông Putin có thể kéo dài cuộc khủng hoảng trong nhiều tuần hoặc thậm chí lâu hơn.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz sẽ đến thăm Moscow vào ngày 15/2. Tuy nhiên, các bên cũng không mong đợi sẽ có bước đột phá nào trong cuộc gặp này trước yêu cầu của Nga: Ukraine không bao giờ được phép gia nhập NATO và phương Tây rút quân khỏi Đông Âu.
Tuần trước, Mỹ nói với các đồng minh Nga sẽ tấn công sớm nhất vào ngày 16/2. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết đất nước ông sẽ không bị Nga đe dọa và ngày 16/2 phải là "ngày thống nhất".
"Chúng tôi muốn hòa bình và chúng tôi muốn giải quyết tất cả vấn đề thông qua đàm phán", ông nói, khẳng định quân đội Ukraine đã "mạnh hơn nhiều lần so với 8 năm trước" và Ukraine muốn tự do, sẵn sàng chiến đấu nếu Nga tấn công.