Tháng 2/2020, giới chức thành phố Simferopol, thủ phủ “Cộng hòa Crimea” do Nga kiểm soát, tuyên bố chỉ còn đủ nước để dùng trong 100 ngày.
Tình trạng thiếu nước tại Crimea đã là vấn đề khiến Nga đau đầu kể từ khi sáp nhập vùng lãnh thổ này năm 2014. Khi đó, để đáp trả hành động của Nga, Ukraine đã xây một con đập ngăn kênh đào Bắc Crimea - nguồn cung cấp nước ngọt chủ yếu cho bán đảo.
Dù vậy, ngay sau khi phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine, quân đội Nga đã phá hủy con đập. “Nguồn cung cấp nước từ kênh đào Bắc Crimea tới bán đảo Crimea đã tiếp tục”, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tuyên bố hôm 7/6.
Hình ảnh vệ tinh của công ty công nghệ vũ trụ Mỹ Maxar Technologies cũng xác nhận tuyên bố của ông Shoigu. Trái với sự khô hạn vào tháng 2, hình ảnh được chụp hôm 24/4 cho thấy con kênh đã đầy nước.
Nỗi đau đầu với người Nga
Kênh đào Bắc Crimea được xây dựng từ năm 1961 nhằm dẫn nước từ sông Dnepr tới bán đảo Crimea - khu vực vốn khô hạn - nhằm biến đây trở thành một vùng nông nghiệp trù phú. Nông dân trên bán đảo có thể trồng cây ăn quả, lúa hay thậm chí là nuôi cá.
Theo bà Anna Olenenko, nhà sử học nông nghiệp tại Viện Nghiên cứu Quốc gia Khortytsia, Zaporizhzhia, Ukraine, trước năm 2014, 85% lượng nước mà Crimea sử dụng đến từ các vùng khác của Ukraine. Nhờ kênh đào, sản lượng ngũ cốc đã tăng 4-5 lần.
Kênh đào Bắc Crimea, đoạn qua làng Pobednoye, Ukraine, hôm 21/2 và hôm 24/4. Ảnh: Maxar Technologies. |
“Sau khi kênh đào được xây dựng, Crimea đã trở thành mảnh đất của nông nghiệp, mảnh đất trồng lúa”, bà Olenenko nói với NPR.
Sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014, giới chức Ukraine nhận định cắt nước tới Crimea là một trong những cách thức hiếm hoi mà họ có thể áp dụng để đáp trả mà không cần dùng tới biện pháp quân sự.
Thay vì được đưa tới vùng lãnh thổ bị sáp nhập, nước từ kênh đào Bắc Crimea được sử dụng để tưới cho các cánh đồng dưa và đào ở tỉnh Kherson, New York Times cho biết.
Việc mất đi nguồn nước qua kênh đào gây ra nỗi đau đầu cho các quan chức Nga và Crimea. Sau khi Ukraine xây đập, ngành nông nghiệp Crimea đã chịu tác động nặng nề. Diện tích đất nông nghiệp trên bán đảo này giảm gần 10 lần, từ 130.000 ha năm 2013 xuống còn 14.000 ha năm 2017, theo Bloomberg.
Trong đó, khu vực phía đông bán đảo chịu thiệt hại nặng nề nhất khi diện tích đất trồng trọt giảm tới 92%, dẫn đến việc nhiều người làm trong lĩnh vực nông nghiệp bị mất việc làm.
Bên cạnh đó, do không được tưới tiêu, đất đai ở Crimea cũng bắt đầu suy thoái và có nguy cơ trở thành vùng bán hoang mạc, tương tự thời kỳ trước khi kênh đào Bắc Crimea được thi công.
Giới chức Crimea phải đào giếng để tận dụng nguồn nước ngầm. Tuy nhiên, phương pháp này vừa có thể làm cạn kiệt nguồn nước, vừa tăng tốc độ nhiễm mặn của đất, khiến khu vực này không còn phù hợp với việc trồng trọt.
Việc mất đi nguồn nước từ kênh đào khiến ngành nông nghiệp Crimea gặp khó. Ảnh: New York Times. |
Không chỉ nền nông nghiệp, cuộc sống của người dân trên bán đảo Crimea cũng bị ảnh hưởng. Với việc không còn nguồn nước từ kênh đào Bắc Crimea, người dân bán đảo phải dựa vào nguồn nước tại chỗ với hệ thống 23 hồ chứa.
Về cơ bản, hệ thống này vẫn đáp ứng đủ nhu cầu của người dân. Dù vậy, khi thời tiết diễn biến thất thường, tình hình sẽ chuyển biến tiêu cực. Ví dụ, sau hai mùa đông liên tiếp thiếu tuyết, mực nước tại nhiều hồ chứa ở Crimea rơi xuống mức thấp vào đầu năm 2020.
Thủ phủ Simferopol thậm chí phải ban hành quy định hạn chế sử dụng nước với người dân và các doanh nghiệp để đối phó. Theo đó, người dân chỉ có thể lấy nước vào buổi sáng và buổi tối, theo Moscow Times.
“Các hồ chứa nước và các cánh đồng đã khô cạn”, ông Viktor, một người Crimea thường xuyên đến Ukraine công tác, chia sẻ với Financial Times năm 2021. “Tình hình xấu đi theo từng năm. Chúng tôi chưa từng gặp tình trạng này trước khi sáp nhập vào Nga”.
Ông cho biết thêm đa số người dân Crimea coi Ukraine là bên gây ra tình trạng này.
Phương thức giải quyết
Để đối phó, Nga phải đầu tư đáng kể vào hệ thống cung cấp nước tại Crimea. Năm 2019, Nga khởi công dự án hồ chứa nước ngọt gần Simferopol nhằm giúp thành phố này có nguồn cung cấp nước không gián đoạn. Moscow dự kiến chi 25 tỷ ruble (khoảng 390 triệu USD) cho dự án này.
Nga cũng từng cố gắng giải quyết vụ việc bằng con đường pháp lý. Tháng 7/2021, Moscow đệ đơn kiện Kyiv lên Tòa án Nhân quyền châu Âu và đề nghị tòa án yêu cầu giới chức Ukraine dỡ bỏ việc ngăn nước.
Một đoạn kênh đào Bắc Crimea khô cạn. Ảnh chụp trước khi Nga phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại Ukraine. Ảnh: Globe and Mail. |
Khi căng thẳng giữa Nga và Ukraine nóng lên đầu năm 2021, một số nhà quan sát nhận định kênh đào Bắc Crimea có thể là một điểm nóng xung đột. Khi đó, Nga khẳng định sẽ không gây chiến vì vấn đề nguồn nước, kể cả khi Ukraine tiếp tục ngăn kênh đào.
“Mọi tuyên bố ‘ảo tưởng’ của các chính trị gia Ukraine đều hoàn toàn không có căn cứ”, ông Sergey Aksyonov, lãnh đạo chính quyền Crimea, tuyên bố, theo Financial Times. “Sẽ không có ‘cuộc chiến tranh nước’ nào”.
Dù vậy, một trong những việc đầu tiên mà người Nga làm sau khi phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine là phá hủy con đập ngăn nước tới Crimea. Hôm 4/3, hãng thông tấn RIA Novosti của Nga đưa tin kênh đào Bắc Crimea đã có nước trở lại một cách từ từ. Theo hãng thông tấn này, từ ngày 15/4, lượng nước bắt đầu đủ để sử dụng.
Theo bà Olenenko, vấn đề nguồn nước là một trong nhiều lý do thúc đẩy Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt”.
“Tôi nghĩ điều này cho thấy tầm quan trọng của vấn đề trên với Nga”, bà nói. “Ông Putin và chính phủ Nga đã hứa với người dân Crimea rằng họ sẽ giải quyết vấn đề nguồn nước”.
“Theo tôi, nguồn nước là một nguyên nhân khiến Nga càng cảm thấy cuộc tấn công của họ ‘hợp pháp’ hơn”, giáo sư Saleem Ali, chuyên gia về xung đột và tài nguyên thiên nhiên tại Đại học Delaware (Mỹ), nhận định.