Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nga có thể giữ Ukraina trong vòng tay mà không cần nổ súng

Trong vài tháng tới, nền kinh tế Ukraina có thể rơi tự do. Nếu phương Tây không thể cứu vãn tình thế, người dân Ukraina sẽ muốn đất nước quay trở lại vòng tay của Nga.

Tổng thống Nga Vladimir Putin biết rằng, phương Tây hầu như không thể làm gì để buộc ông phải rút quân khỏi Crimea hay đưa quân vào sâu hơn trong lãnh thổ Ukraina. Song các biện pháp trừng phạt thương mại có thể gây tổn thất cho Nga. Nếu muốn tránh đòn trừng phạt kinh tế, Putin vẫn còn vài lựa chọn để đạt mục đích: Giữ Ukraina trong tầm tay mà không phải tăng áp lực quân sự.

Hôm 3/3, chính phủ Nga kêu gọi các chính trị gia Ukraina thực thi thỏa thuận về việc thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc. Moscow yêu cầu Ukraina tổ chức bầu cử tổng thống vào tháng 12, chứ không phải vào tháng 5 như kế hoạch của chính phủ lâm thời.

Tổng thống Nga Vladimir Putin bắt tay tướng Anatoly Sidorov, người chỉ huy Quân khu Tây, khi ông thị sát cuộc tập trận của 150.000 binh sĩ hôm 3/3. Ảnh: AP

Việc lùi thời hạn bầu cử sẽ giúp Điện Kremlin có thêm thời gian. Trong vài tháng tới, nền kinh tế Ukraina có thể rơi vào tình trạng khủng hoảng và phương Tây không có cách nào để cứu vãn tình thế. Khi đó, có thể người dân Ukraina sẽ gây sức ép để Kiev quay trở lại vòng tay của Nga. Tình trạng tương tự từng xảy ra sau Cách mạng cam vào năm 2004, sự kiện giúp các chính trị gia thân phương Tây nắm quyền tại Ukraina.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov từng kêu gọi Ukraina quay trở lại thỏa thuận mà cựu tổng thống Viktor Yanukovych ký với phe chống đối vào ngày 21/2 trước khi ông chạy sang Nga và chính phủ mới ra đời. Hài hước thay, phương Tây ca ngợi bản thỏa thuận đó, chứ không phải Nga. Vậy mà giờ đây cả Kiev lẫn phương Tây đều không nhắc tới nó. Lavrov nói chính phủ lâm thời hiện nay chỉ gồm những người có tư tưởng bài Nga nên không đại diện cho ý chí của toàn bộ dân tộc Ukraina. Theo ông, những người đại diện của các vùng thân Nga cũng phải có ghế trong chính phủ mới.

“Thay vì thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc như quy định của thỏa thuận 21/2, người ta tạo ra một nội các của những nhóm chiến thắng trong cuộc biểu tình”, Lavrov từng phát biểu như thế trong một cuộc họp của Liên Hợp Quốc.

Đó là quan điểm xuyên suốt của Điện Kremlin. Và giờ đây họ đang đàm phán với thế trên cơ. Nga đã kiểm soát Crimea, bán đảo mà Hạm đội Biển Đen đồn trú. Lính Nga khống chế tất cả đồn biên phòng và căn cứ quân sự Ukraina từ hôm 3/3. Thậm chí ông Putin để ngỏ khả năng đưa quân vào phía đông và phía nam của Ukraina, nơi nhiều người Nga sinh sống.

“Chúng tôi chỉ muốn bảo vệ những đồng bào Nga”, ông Lavrov nhấn mạnh.

Nga không ngán cuộc chiến ngôn từ của phương Tây

Dù hăm dọa và lên án Putin liên tục, Tổng thống Mỹ và các nhà lãnh đạo châu Âu chẳng có biện pháp hiệu quả nào để ngăn cản sự can thiệp quân sự của Nga vào Ukraina.

Kiev và phương Tây lo ngại Nga sẽ nhân cơ hội "nghìn năm có một" để lấy lại bán đảo Crimea. Sự bất ổn tại Ukraina hiện nay mang đến lợi thế cho Moscow và khiến Kiev gặp thách thức lớn hơn trong việc thuyết phục Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho họ vay vài tỷ USD để tránh thảm họa vỡ nợ. Một phái đoàn của IMF tới Kiev hôm 4/3.

Đương nhiên ông Putin không muốn để Ukraina ngả sang phương Tây, bởi quốc gia láng giềng với 46 triệu dân là đối tác thương mại quan trọng của Nga. Nhiều ống dẫn khí đốt của Nga nằm trên lãnh thổ Ukraina. Chúng là trọng tâm trong tham vọng khôi phục ảnh hưởng của Nga đối với những nước từng thuộc Liên Xô. 

Sau làn sóng biểu tình trong 3 tháng qua, đài truyền hình quốc gia Nga nói những phần tử phát xít đang đe dọa Ukraina và phương Tây đang hậu thuẫn họ. Nếu Putin lùi bước vào lúc này, người Nga sẽ coi đó là một thất bại.

Sắp vỡ nợ, Ukraina ngóng hầu bao của châu Âu

Sự thay đổi chóng vánh về chính trị tại Ukraina đang khiến nước này gần vòng tay của châu Âu hơn, song phương Tây sẽ phải chi một khoản tiền lớn để cứu Kiev khỏi nguy cơ vỡ nợ.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tuyên bố phương Tây đang chuẩn bị các biện pháp để cô lập Nga về chính trị và kinh tế. Tổng thống Putin không lo ngại lời đe dọa về việc các cường quốc công nghiệp hàng đầu thế giới khai trừ Nga ra khỏi nhóm G8. Ông từng không tham dự hội nghị thượng đỉnh G8 mà Tổng thống Mỹ Barack Obama chủ trì vào năm 2012.

Song có lẽ ông chủ Điện Kremlin sẽ quan tâm hơn nếu Nhà Trắng cấm quan chức Nga tới Mỹ, phong tỏa tài sản, trừng phạt về thương mại và đầu tư. Đó là những biện pháp mà giới doanh nhân Nga e ngại. 

Kerry khẳng định nếu Nga nhân nhượng, Mỹ sẽ phối hợp với chính phủ Ukraina để bảo đảm rằng những lợi ích của Nga tại Crimea sẽ được tôn trọng và Hạm đội Biển Đen sẽ vẫn đồn trú trên bán đảo.

“Chúng tôi tin rằng Nga có nhiều lựa chọn trước khi phái quân sang Ukraina, song họ chưa thử bất kỳ lựa chọn nào”, Kerry phát biểu trên kênh truyền hình ABC hôm 2/3.

Mặc dù Putin đang chứng tỏ khả năng “nắn gân” chính phủ lâm thời ở Kiev và các nước phương Tây, những lời lẽ của Ngoại trưởng Lavrov cho thấy rất có thể ông sẽ chấp nhận một thỏa thuận có lợi cho ông trong tương lai.

Thái Dương (theo AP)

Bạn có thể quan tâm