Khi Ukraina bắt đầu bước dần ra khỏi tình trạng hỗn loạn từng nhấn chìm thành phố Kiev trong mấy tuần qua, Mỹ và Liên minh châu Âu bắt đầu nhìn vào những khoản nợ công của quốc gia Đông Âu này. Bức tranh tương lai xám xịt của Ukraina sẽ cho thấy ý chí và tiềm năng tài chính của các nước phương Tây trong bối cảnh họ muốn lôi kéo Kiev về phía họ, AP nhận định.
Đội tự vệ bắt một thanh niên tại quảng trường Độc lập ở thành phố Kiev hôm 25/2 do họ nghi ngờ người này là kẻ cắp. Ảnh: AP |
Wayne Merry, một học giả thuộc Hội đồng Chính sách Đối ngoại Mỹ, nhận định rằng Ukraina đang ở vị trí tương đối thấp trong danh sách ưu tiên của Washington, bởi Nhà Trắng đang đối mặt với nhiều vấn đề lớn hơn – như xung đột tại Syria, tiến trình hòa bình Israel – Palestine và đàm phán hạt nhân với Iran.
Ông Yurri Kobolov, Bộ trưởng Tài chính tạm quyền của Ukraina, nói rằng đất nước cần 35 tỷ USD để trang trải các hoạt động trong năm nay và năm sau. Ông trông đợi sự giúp đỡ từ Mỹ hoặc châu Âu trong vòng hai tuần tới.
Jonathan Adelman, giáo sư quan hệ quốc tế của Đại học Denver, nói rằng khả năng Mỹ giúp Ukraina thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ không cao, bởi chính Washington cũng đang vật lộn với những khó khăn về ngân sách. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel vừa đề xuất kế hoạch đưa quy mô quân đội xuống mức nhỏ nhất kể từ thập niên 40 để giảm chi phí quốc phòng.
“Chính phủ Mỹ sẽ không hào hứng với ý tưởng chi vài chục tỷ USD để cứu Ukraina thoát cảnh vỡ nợ”, Adelman bình luận.
Các nước hay định chế tài chính không thể cho Ukraina vay tiền nếu chính phủ mới chưa ra đời. Quốc hội Ukraina đã quyết định lùi việc thành lập chính phủ mới tới ngày 27/2.
Nga từng cam kết với chính phủ cũ của Ukraina rằng Moscow sẽ cho Kiev vay tiền. Nhưng Điện Kremlin ngừng các khoản vay sau khi Tổng thống Viktor Yanukovych rời khỏi thủ đô Kiev. Trước đó Nga mới chỉ giải ngân 3 tỷ USD cho Ukraina.
Hôm 24/2, bà Catherine Ashton, quan chức phụ trách chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), tuyên bố EU và các nước thành viên chỉ có thể giúp Ukraina thoát khỏi khó khăn tài chính nếu Quốc hội thành lập một chính phủ có khả năng thương lượng với Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Bà nhấn mạnh rằng sự giúp đỡ của Nga cũng rất quan trọng.
Nhưng James Collins, cựu đại sứ Mỹ tại Nga, dự đoán rằng có lẽ Tổng thống Nga sẽ không cho Kiev vay tiền, đồng thời chờ đợi những diễn biến mới từ nước láng giềng.
Ukraina, đất nước của 46 triệu dân, đang phân cực bởi Nga và châu Âu. Người dân ở khu vực phía tây muốn đất nước thắt chặt quan hệ với châu Âu, trong khi người dân ở phía đông và phía nam muốn xích lại gần Nga. Tình hình hiện nay tại Ukraina khiến người ta nhớ lại tâm trạng của người dân Ukraina khi nước này tách khỏi Liên Xô cũ vào năm 1991. Tại bán đảo Crimea, những người ủng hộ Nga biểu tình để phản đối chính quyền mới và kêu gọi Nga bảo vệ họ.
Collins cho rằng nếu các nước bên ngoài vẫn tiếp tục chính sách gây sức ép để Ukraina phải chọn Nga hoặc EU, tình hình sẽ càng trở nên phức tạp hơn trong thời gian tới. Theo ông, các nước nên ngừng gây sức ép với Ukraina nếu họ muốn thấy những diễn biến tích cực.
“Một chính sách như thế sẽ phục vụ lợi ích của Nga, EU và Mỹ”, ông bình luận.
Merry cho rằng EU không ý thức được rằng họ đã gây nên chuyện gì khi cố gắng lôi kéo Ukraina.
“Rất nhiều người ở các thủ đô của EU – như Berlin hay Paris – nghĩ rằng EU đang đi quá xa. Các nhà lãnh đạo EU không suy nghĩ thấu đáo và họ đang tham gia một trò chơi một mất một còn với Nga”, Merry phát biểu.