Ngày 31/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết nước này sẽ ngừng cung cấp khí đốt đến các quốc gia "không thân thiện" nếu không thanh toán bằng đồng rúp.
Yêu cầu này đặt ra các rào cản mới đối với hầu hết nước châu Âu đang mua khí đốt của Nga. Châu Âu nhận khoảng 40% khí đốt từ Nga, hóa đơn mỗi ngày thậm chí có thể lên tới 880 triệu USD.
Pháp, Đức đã thẳng thừng từ chối yêu cầu của Nga.
Tại sao điều này lại quan trọng?
Trong khi Mỹ, Anh và Canada đã áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với lĩnh vực nhập khẩu năng lượng của Nga, nội bộ EU vẫn đang có nhiều tranh luận khác nhau về việc vấn đề này. Châu Âu phụ thuộc nhiều vào khí đốt của Nga để sưởi ấm và sản xuất điện.
Nếu Nga được trả tiền khí đốt bằng đồng rúp, nước này có thể tránh được một số lệnh trừng phạt tài chính. Theo công ty tư vấn Rystad Energy, gần như tất cả hợp đồng mua khí đốt của Nga được tính bằng đồng euro hoặc USD.
Kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch đặc biệt ở Ukraine, đồng rúp đã giảm mạnh tới 85% so với đồng USD. Kể từ đó, đồng rúp đã tăng trở lại so với đồng USD và tăng vọt trong thời gian ngắn sau thông báo hôm 23/3.
Dữ liệu từ nhà điều hành đường ống Gascade cho thấy dòng khí đốt hướng đông qua đường ống Yamal-Europe từ Đức đến Ba Lan đã giảm mạnh.
Sự thay đổi này có khả thi?
Các chuyên gia pháp lý nhận định không có nhiều khả năng cho thấy Nga có quyền đơn phương thay đổi các điều khoản hợp đồng đã ký.
"Hợp đồng đã được thực hiện giữa hai bên và nó thường tính bằng USD hoặc euro. Vì vậy, nếu một bên đơn phương đổi cách trả tiền, thì hợp đồng sẽ không còn nữa", Tim Harcourt - nhà kinh tế học tại Viện Chính sách Công và Quản trị ở Đại học Công nghệ Sydney - cho biết.
Susan Sakmar - giáo sư luật thỉnh giảng tại Đại học Houston và là nhà tư vấn kinh doanh khí đốt tự nhiên hóa lỏng - cho biết: “Không rõ điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến mức nào".
Bà nói rằng sự gia tăng giữa tỷ giá đồng USD và đồng rúp trong ngày 23/3, cùng với giá xăng bán buôn ở châu Âu có thể là điều đáng chú ý.
"Sẽ mất nhiều thời gian để điều tương tự xảy ra. Trong khi đó, ông Putin có thể giữ cho giá cả tăng cao. Điều đó có lợi cho ông ấy", bà nói.
Bộ trưởng Năng lượng Bulgaria Alexander Nikolov cho biết một đối tác tài chính ở thủ đô Sofia có thể xử lý các giao dịch bằng đồng rúp.
"Kịch bản này đã được thảo luận, vì vậy hiện chưa có rủi ro cho các khoản thanh toán theo hợp đồng hiện có", ông nói.
Claudio Galimberti, phó chủ tịch cấp cao của Rystad, cho biết Nga có thể lập ra các hợp đồng mới yêu cầu thanh toán bằng đồng rúp, nhưng sẽ yêu cầu các chính phủ giữ đồng rúp trong ngân hàng trung ương hoặc mua trên thị trường mở.
Đại diện nhóm các nền kinh tế lớn (G7) khẳng định việc bị buộc dùng đồng rúp để thanh toán khí đốt mua của Nga là "không thể chấp nhận", đồng thời nói đây là sự vi phạm điều khoản hợp đồng.
Ảnh hưởng dài hạn là gì?
Nga, Trung Quốc, Iran và các nước khác đều chịu ảnh hưởng của đồng USD trong thương mại toàn cầu.
Đối với Nga, động thái này sẽ gây áp lực lên khả năng trả nợ nước ngoài và cắt giảm nhập khẩu, bóp nghẹt nền kinh tế của nước này, theo Liam Peach - nhà kinh tế học tại Capital Economics Emerging Europe.
Đối với Mỹ, việc Nga chuyển đổi sang đồng rúp thành công có thể góp phần làm giảm vai trò của đồng USD khi đồng rúp, NDT hoặc các loại tiền tệ khác tăng giá trong giao dịch thương mại. Điều này sẽ có tác động lâu dài đối với chi phí vay và tài chính của Mỹ.