Hãng thông tấn TASS cho biết luật trên được công bố vào ngày 7/6 trên cổng thông tin pháp lý của chính phủ Nga.
Động thái này diễn ra chỉ ít tuần trước cuộc gặp giữa ông Putin với Tổng thống Mỹ Joe Biden. Trước đó, vào ngày 27/5, Washington đã thông báo sẽ không quay trở lại hiệp ước này.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết Điện Kremlin không hoàn toàn bất ngờ trước quyết định của Mỹ, song nhấn mạnh Mỹ đã "mắc một sai lầm chính trị khác và giáng một đòn mới vào hệ thống an ninh của châu Âu".
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: TASS. |
Tổng thống Putin thông báo Nga sẽ rút khỏi hiệp ước Bầu trời Mở vào tháng 1, song đến ngày 11/5, dự luật rút khỏi mới được gửi cho quốc hội Nga xem xét.
Theo TASS, Moscow rút khỏi hiệp ước do Mỹ vẫn có thể nhận thông tin tình báo về Nga từ các đồng minh tại châu Âu, mặc dù Mỹ đã rút khỏi hiệp ước vào tháng 11/2020.
Hiệp ước Bầu trời Mở có hiệu lực từ năm 2002, cho phép các thành viên giám sát lực lượng quân sự của nhau thông qua các chuyến bay do thám hàng năm. Ngoài Mỹ và Nga, 33 quốc gia khác là thành viên của hiệp ước này.
Phía Mỹ cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước khi không cho phép bay do thám tại một số khu vực nhất định, như Kaliningrad hoặc gần biên giới với Georgia. Phía Nga bác bỏ cáo buộc, cho rằng các khu vực trên không thuộc quyền điều chỉnh của hiệp định.
"Chúng tôi đã cho họ một cơ hội tốt, nhưng họ đã không nắm lấy. Họ tiếp tục tung tin bịa đặt rằng Nga vi phạm hiệp ước - một điều hoàn toàn vô lý", ông Ryabkov nói thêm.
Việc Mỹ rút khỏi hiệp ước được cựu Tổng thống Donald Trump thông báo hồi tháng 5/2020. Ông Biden lúc đó gọi đây là "một chính sách thiển cận", và sẽ "tăng nguy cơ xung đột".
"Vi phạm của Nga nên được giải quyết thông qua các cơ chế của hiệp ước, chứ không phải bằng việc rút khỏi nó", ông Biden nói.
Tuy nhiên, sau đó chính quyền ông Biden cũng không tìm cách tái gia nhập hiệp ước này.
Hiện hiệp định duy nhất về quân sự giữa Nga và Mỹ là START, trong đó giới hạn số đầu đạn hạt nhân mà mỗi bên sở hữu.