Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman hôm 27/5 đã đưa ra thông báo cho người đồng cấp Sergei Ryabkov về việc Mỹ sẽ không tái gia nhập Hiệp ước Bầu trởi Mở, AP dẫn từ thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ.
"Mỹ thấy tiếc vì những vi phạm của Nga đã phá hoại những thỏa thuận trong hiệp ước. Sau khi kết thúc quá trình đánh giá lại, Mỹ không có ý định sẽ quay trở lại hiệp ước nếu như Nga tiếp tục không tuân thủ các điều khoản được đề ra", thông cáo của Bộ Ngoại giao cho biết.
"Ngoài ra, những hành động của Nga, đặc biệt là các hành động gần đây giữa Nga và Ukraine, khiến Nga không giống như một đối tác để Mỹ có thể tiếp tục hợp tác".
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman. Ảnh: AP. |
Động thái này khiến cho cả Nga và Mỹ chỉ còn một thỏa thuận kiểm soát vũ khí duy nhất là Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược Mới (New START). Thông báo được đưa ra trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin, dự kiến vào ngày 16/6 tại Geneva, Thụy Sĩ.
Phía Nga lấy làm tiếc cho sự rời đi của Mỹ, cho rằng quyết định này sẽ làm leo thang căng thẳng giữa Nga và các nước phương Tây về các vấn đề như Ukraine hay an ninh mạng.
Một số thành viên Quốc hội Mỹ thuộc đảng Dân chủ và các quốc gia trong Liên minh châu Âu (EU) đã thúc giục Mỹ xem xét lại quyết định rời đi này và cũng kêu gọi Nga xem xét việc ngồi lại trong Hiệp ước.
Đây cũng không phải là lần đầu tiên phía Mỹ đưa ra thông báo liên quan đến Hiệp ước. Vào tháng 11/2020, Chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump chính thức rút khỏi Hiệp ước sau khi đưa ra thông báo vào tháng 5 cùng năm. Ông Biden, lúc đó vẫn đang là ứng cử viên tổng thống, đã chỉ trích gay gắt và cho rằng việc quyết định này thể hiện "một cái nhìn thiển cận".
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: AFP. |
Quyết định rời đi của ông Trump khiến Nga khởi động quá trình xem xét lại việc tham gia Hiệp ước và Hạ viện Nga cũng vừa hoàn thành bỏ phiếu vào tuần trước.
Trước đó, các quan chức của cả hai phía đều tin rằng vấn đề Bầu trời Mở vẫn có thể được cân nhắc lại. Tuy nhiên, phía Nga hoàn toàn không thể bất cứ tiến triển nào trong việc đàm phán Hiệp ước kể từ khi ông Biden nhậm chức, AP dẫn lời của một quan chức Mỹ. Thông báo của Thứ trưởng Sherman sau đó đã đánh dấu sự kết thúc của Hiệp ước.
Hiệp ước Bầu trời Mở được thành lập với mục đích tạo dựng lòng tin giữa Nga và các nước phương Tây bằng cách cho phép các quốc gia tham gia thực hiện các chuyến bay quan sát được báo trước trên lãnh thổ của nhau.
Kể từ khi Hiệp ước có hiệu lực vào năm 2002, hơn 30 quốc gia đã thực hiện hơn 1.500 chuyến bay thăm dò để thu thập thông tin về hoạt động và lực lượng quân đội.
Tuy nhiên, Nga và Mỹ từ lâu cáo buộc nhau vi phạm các điều khoản của Hiệp ước.