Reuters dẫn một nguồn tin thân cận cho biết ngân sách quốc phòng mới bao gồm các khoản chi nhằm nâng cao khả năng tác chiến của quân đội và củng cố Sáng kiến răn đe Thái Bình Dương (PDI).
Theo đó, Mỹ muốn đối phó hoạt động gia tăng quân sự của Trung Quốc trong khu vực và sự phát triển công nghệ vũ khí hạt nhân của nước này.
Đề xuất ngân sách còn cần được Quốc hội Mỹ thông qua.
Chính quyền Mỹ muốn tăng ngân sách quốc phòng nhằm đối phó với Trung Quốc. Ảnh: AP. |
Chính quyền Biden muốn bổ sung thêm 85 máy bay chiến đấu tàng hình F-35, với khả năng mang bom hạt nhân, và 8 tàu chiến mới. Mỹ cũng muốn nâng cao khả năng kiểm soát vũ khí hạt nhân trên các tàu ngầm lớp Columbia.
Ngoài ra, Mỹ cũng phát triển và thử nghiệm thêm vũ khí siêu thanh cũng như các hệ thống vũ khí "thế hệ tiếp theo", nhằm đối phó tốt hơn với quân đội Nga và Trung Quốc.
Trong khi đó, Sáng kiến răn đe Thái Bình Dương (PDI) tập trung vào cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, với mục đích tăng cường khả năng sẵn sàng của Mỹ trong khu vực, thông qua việc phát triển radar, vệ tinh và hệ thống tên lửa.
Bên cạnh đó, Lầu Năm Góc đang muốn loại biên một số thiết bị cũ có chi phí bảo trì cao, gồm bốn tàu chiến đấu Littoral, một số máy bay A-10, máy bay KC-10 và KC-135 trong các phi đội tiếp dầu trên không.
Chính quyền Biden tiếp tục đầu tư vào việc hiện đại hóa bộ ba hạt nhân của Mỹ, bao gồm khả năng tấn công trên bộ, trên biển và trên không. Văn phòng Ngân sách Quốc hội cho biết kế hoạch này sẽ sẽ tiêu tốn tổng cộng hơn 1.000 tỷ USD trong thời gian tới.
Các nhà hoạch định quân sự Mỹ đang tập trung nhiều hơn vào căng thẳng leo thang với Trung Quốc, khi quốc gia này ngày càng hung hăng trong các tham vọng của mình ở khu vực.
Tuần trước, Bắc Kinh vừa cáo buộc Mỹ đe dọa hòa bình và ổn định của eo biển Đài Loan, sau khi tàu chiến của Mỹ lại đi qua vùng này.