Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nga bỏ lệnh cấm bán tên lửa cho Iran

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã dỡ bỏ lệnh cấm bán hệ thống tên lửa phòng không S-300 cho Iran sau 5 năm thực thi cấm vận. Động thái này đang khiến Mỹ quan ngại.

Dàn tên lửa S-300 của Nga trong một lần chuẩn bị diễu binh tại Matxcơva năm 2009.

Dàn tên lửa S-300 của Nga trong một lần chuẩn bị diễu binh tại Moscow năm 2009.

Văn phòng báo chí điện Kremlin cho biết hôm 13/4, Tổng thống Putin đã ra sắc lệnh dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu, vận chuyển bằng đường hàng không, đường biển hệ thống tên lửa phòng không S-300 từ Liên bang Nga đến Cộng hòa Hồi giáo Iran. Lệnh cấm này do cựu tổng thống Dmitry Medvedev ban hành năm 2010.

Mỹ quan ngại

Cùng ngày, theo AFP, người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest cho biết trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đề cập đến vấn đề trên.

Tuy không cho biết cụ thể nội dung cuộc điện đàm nhưng ông Earnest nhấn mạnh “sự hợp tác và đoàn kết với các quốc gia như Nga là chìa khóa đạt đến thỏa thuận với Iran”.

Còn người phát ngôn Lầu Năm Góc, đại tá Steven Warren, cho rằng động thái của Nga là “không có ích” và nhấn mạnh Washington đã chuyển tải các mối quan ngại đến Moscow thông qua các kênh.

Theo Reuters, Ngoại trưởng Kerry đã có cuộc họp kín với Quốc hội Mỹ khi có nhiều nghị sĩ đe dọa sẽ ngăn chặn thỏa thuận hạt nhân giữa 6 cường quốc (Mỹ, Pháp, Anh, Nga, Trung Quốc, Đức) với Iran.

Giới chuyên gia chưa rõ khi nào Nga sẽ chuyển những hệ thống tên lửa hiện đại cho Iran. Tuy nhiên, quyết định của Nga cũng đang khiến Israel, quốc gia chỉ trích gay gắt thỏa thuận hạt nhân giữa nhóm P5+1 và Iran, cảm thấy lo lắng.

Bộ trưởng Tình báo Israel Yuval Steinitz cho rằng Iran đang dựa vào việc cộng đồng quốc tế giảm nhẹ trừng phạt về kinh tế để sử dụng tiền từ đó mua vũ khí, không phải để cải thiện cuộc sống của người dân.

Thỏa thuận về chương trình hạt nhân với Iran nhằm hạn chế khả năng chế tạo vũ khí hạt nhân của nước này, đổi lại các cường quốc sẽ bỏ bớt các lệnh cấm vận kinh tế đã áp đặt.

“Đây là kết quả hợp pháp trực tiếp mà Iran có được từ thỏa thuận hạt nhân vừa ký kết”, Bộ trưởng Tình báo Israel Yuval Steinitz mỉa mai sau quyết định của Nga.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf trước đó nhấn mạnh giới chức Mỹ không cho rằng động thái của Nga sẽ ảnh hưởng đến sự thống nhất của các cường quốc về việc tiến tới các cuộc thảo luận tiếp theo liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran.

Tuy nhiên, bà Harf cho rằng lúc này chưa phải là thời điểm thích hợp để bán loại tên lửa này cho Tehran.

Nga trấn an

Đáp lại, theo Reuters, Moscow cho biết lệnh cấm vận vũ khí không còn cần thiết sau khi các quốc gia P5+1 và Iran đã đạt thỏa thuận tạm thời về chương trình hạt nhân của nước này hồi đầu tháng 4.

“Nhóm P5+1 đã đạt những bước tiến đáng kể trong việc giải quyết chương trình hạt nhân của Iran. Một hệ thống phòng không hiện đại hiện nay là phù hợp cho Iran, nhất là trong tình trạng căng thẳng leo thang ở các khu vực lân cận và diễn biến quá nhanh ở Yemen trong những tuần gần đây”, đài Russia Today dẫn lời Ngoại trưởng Lavrov.

Ông Lavrov khẳng định hệ thống tên lửa S-300 là vũ khí phòng vệ, không thể dùng cho mục đích tấn công và sẽ không gây nguy hiểm đến an ninh của bất kỳ quốc gia nào, kể cả Israel.

Bộ trưởng Quốc phòng Iran Hossein Dehghan cũng khẳng định quyết định của Nga là một bước hướng tới thiết lập sự ổn định và an ninh khu vực. “Lệnh dỡ bỏ cấm vận này cho thấy ý chí chính trị của lãnh đạo hai nước trong việc thúc đẩy và hợp tác trong mọi lĩnh vực”, Reuters dẫn lời ông Dehghan.

Nga đã đồng ý bán hệ thống tên lửa S-300 cho Iran vào năm 2007 với trị giá hợp đồng lên đến 800 triệu USD.

Nga sẽ cung cấp năm tổ hợp S-300 cho Iran. Tuy nhiên, sau khi Liên Hợp Quốc áp đặt lệnh trừng phạt Iran do chương trình hạt nhân của nước này vào năm 2010, hợp đồng bị đình trệ. Tehran đã lập hồ sơ gửi Tòa án hình sự quốc tế yêu cầu Nga đền bồi thiệt hại đến 4 tỷ USD.

Trong cuộc đàm phán hồi tháng 2/2015 nhân chuyến thăm Iran của Bộ trưởng Quốc phòng Nga, Moscow đã “bật đèn xanh” cho Tehran mua hệ thống tên lửa đạn đạo và chống máy bay Antey-2500, thế hệ mới nhất do Nga sản xuất, thay vì mua hệ thống tên lửa S-300. Iran đáp rằng nước này sẽ xem xét đề xuất trên.

Từng bán S-300 cho Trung Quốc

S-300 là hệ thống tên lửa đất đối không có khả năng “tìm và diệt” tên lửa đạn đạo, tên lửa tầm xa và kể cả máy bay (ở tầm thấp). Lần cuối cùng Nga bán hệ thống S-300 là vào năm 2010, với 15 tổ hợp chuyển cho Trung Quốc.

Từ đó trở đi, việc sản xuất S-300 đã tạm dừng khi nhà sản xuất tên lửa phòng không lớn của Nga là Almaz-Antey bắt đầu sản xuất thế hệ tên lửa S-400 hiện đại hơn. Người đứng đầu Tập đoàn Rosoboronexport Anatoly Isaykin cho biết Trung Quốc là quốc gia đầu tiên được phép mua hệ thống S-400.

http://tuoitre.vn/tin/the-gioi/20150415/nga-bo-lenh-cam-ban-ten-lua-cho-iran/734042.html

Theo Mỹ Loan/Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm