Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nga 'bắt tay' Trung Quốc để chống cấm vận phương Tây

Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Trung Quốc là “đồng minh tự nhiên” khi tiếp đón Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tại thủ đô Moscow ngày 14/10.

a
Tổng thống Nga Vladimir Putin bắt tay Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trong cuộc gặp ở Moscow. Ảnh: Reuters

Theo AFP, tiếp đón ông Lý Khắc Cường tại điện Kremlin, ông Putin khẳng định: "Chúng ta là hai nước láng giềng, là đồng minh và đối tác tự nhiên. Chúng ta đang đặt ra những mục tiêu quy mô lớn và điều đó sẽ có lợi cho nhân dân hai nước".

Ông Lý cho rằng Nga và Trung Quốc có tiềm năng hợp tác vô cùng lớn. "Chúng ta đang chứng kiến xu hướng phát triển hợp tác giữa hai nước trên mọi lĩnh vực", ông Lý nhấn mạnh. Hai bên đã ký hơn 40 thỏa thuận hợp tác trên các lĩnh vực như năng lượng, tài chính và công nghệ. 

Nga và Trung Quốc ký thỏa thuận trao đổi tiền tệ trị giá 24,5 tỷ USD để thúc đẩy hợp tác đầu tư, thương mại và giảm sự phụ thuộc vào đồng USD. Các ngân hàng Trung Quốc sẽ cho các công ty Nga vay khoảng 4,5 tỷ USD

Các thỏa thuận sẽ mở đường cho Nga tăng cường xuất khẩu khí đốt sang Trung Quốc. Tập đoàn dầu khí OAO Rosneft của Nga cũng đã ký thỏa thuận mở rộng hợp tác với Tổng công ty dầu khí quốc gia Trung Quốc. Nga là một trong những nhà xuất khẩu năng lượng lớn nhất thế giới, trong khi Trung Quốc là nước tiêu thụ năng lượng lớn nhất. 

Tuy nhiên, giới quan sát nhận định để chống lại cấm vận phương Tây, Nga đã tăng cường hợp tác với Trung Quốc theo cách có lợi cho Bắc Kinh nhiều hơn. Ví dụ điển hình nhất là thỏa thuận xuất khẩu khí đốt từ Nga sang Trung Quốc trong vòng 30 năm mà hai bên ký hồi tháng 5. Theo nguồn tin chính thức, hãng Gazprom sẽ bán cho tập đoàn Trung Quốc CNPC khí đốt với giá 350 USD/1.000 m3 - thấp hơn mức 380 USD/1.000 m3 Nga đang bán cho các nước châu Âu.

Các chuyên gia năng lượng khẳng định rằng trên thực tế Gazprom sẽ còn thiệt hại hơn nhiều, bởi hợp đồng bao gồm điều khoản xây dựng hệ thống đường ống dẫn khí và các hạ tầng khác có chi phí cực lớn. 

Theo các chuyên gia ngân hàng Alfa Bank, để có lãi, Gazprom phải bán khí đốt cho CNPC với giá từ 360-440 USD/1.000 m3. Như vậy, về lâu dài Gazprom có thể lỗ nhiều tỷ USD khi thực hiện hợp đồng kéo dài 30 năm này. 

Nga bán các vũ khí tối tân cho Trung Quốc

Ngoài ra, Nga cũng chấp nhận những nhượng bộ khác với Trung Quốc. Trung tâm Phân tích chiến lược và công nghệ Moscow (CAST) cho biết hiện nay Nga đang chuẩn bị ký thỏa thuận bán tên lửa S-400 và máy bay Su-35 cho Trung Quốc vào đầu năm tới. Nga cũng có thể sẽ bán cho Trung Quốc loại tàu ngầm mới nhất là Amur 1650. Trước đó, Nga luôn ngần ngại không muốn bán các loại vũ khí hiện đại nhất cho Trung Quốc vì lo ngại nguy cơ Bắc Kinh đánh cắp công nghệ. 

"Từ lâu Nga không muốn tiếp thêm sức mạnh cho gã hàng xóm có nền kinh tế lớn gấp bốn lần và dân số gấp 10 lần", nhà phân tích Fyodor Lukyanov thuộc Hội đồng Chính sách ngoại giao và quốc phòng ở Moscow nhấn mạnh. Các chuyên gia cũng cảnh báo việc Nga tăng cường bán vũ khí cho Trung Quốc có thể châm ngòi một cuộc chạy đua vũ trang ở Đông Á. 

Chuyên gia Alexei Maslov thuộc Trường Kinh tế cao cấp Moscow nói rằng, về thương mại và đầu tư, Trung Quốc cũng hưởng lợi nhiều hơn từ sự tăng cường quan hệ.

Trung Quốc xuất khẩu sang Nga 53 tỷ USD năm 2013, trong khi thương mại chiều ngược lại chỉ chưa đầy 40 tỷ USD. Đầu tư của Trung Quốc vào Nga chỉ 3 tỷ USD, tương đương 2,5% tổng đầu tư nước ngoài tại Nga năm 2013.

http://tuoitre.vn/tin/the-gioi/20141015/nga-tang-cuong-hop-tac-voi-trung-quoc-de-chong-cam-van-phuong-tay/658459.html

Theo Nguyệt Phương/Tuổi trẻ

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm