Udayanga Weeratunga, cựu Đại sứ Sri Lanka tại Nga và là người có quan hệ họ hàng với ông Rajapaksa, nói vị cựu tổng thống sẽ về nước vào tuần sau, theo Newsfirst.
Thông tin trên được đưa ra cùng ngày Tổng thống đương nhiệm Ranil Wickremesinghe tuyên bố không gia hạn tình trạng khẩn cấp vì “tình hình đất nước đã ổn định”, AFP đưa tin.
Cựu Tổng thống Gotabaya Rajapaksa. Ảnh: Reuters. |
Cựu Tổng thống Rajapaksa từng cùng gia đình bỏ chạy khỏi Sri Lanka hôm 13/7, trong bối cảnh đất nước nổ ra nhiều cuộc biểu tình phản đối nhà lãnh đạo này. Người biểu tình cáo buộc ông Rajapaksa sai lầm trong quản lý, gây ra khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng.
Điểm đến đầu tiên của ông Rajapaksa sau khi bỏ trốn bằng máy bay quân sự là Maldives, sau đó là Singapore. Tại đảo quốc sư tử, ông Rajapaksa tuyên bố từ chức. Rời khỏi Singapore hôm 11/8 vì thị thực hết hạn, ông Rajapaksa tới Thái Lan và ở đó cho tới nay.
Quốc hội Sri Lanka đã bầu ông Wickremesinghe lên làm tân tổng thống thay thế cho ông Rajapaksa từ ngày 20/7.
Trả lời phỏng vấn Wall Street Journal hôm 31/7, tân Tổng thống Sri Lanka từng nói thời điểm ấy chưa phải lúc người tiền nhiệm của mình nên quay lại. “Tôi không thấy chỉ dấu cho thấy ông ấy sẽ sớm quay lại”, ông Wickremesinghe nói hôm 31/7.
Cuộc tháo chạy của cựu Tổng thống Rajapaksa không giải quyết được tình trạng khủng hoảng của Sri Lanka, nơi nhiều người đã phải sống trong cảnh thiếu thốn nhiên liệu, điện và nhu yếu phẩm khác trong nhiều tháng qua.
Sri Lanka đã vỡ nợ chính phủ. Tân tổng thống đang tìm kiếm sự hòa bình và ủng hộ chính trị để thúc đẩy các cuộc đàm phán gói cứu trợ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Quốc gia này đang tính tái cơ cấu nợ địa phương và nợ nhà nước để có được gói cứu trợ 3 tỷ USD từ IMF.