"Tình hình đất nước đã ổn định, và không cần kéo dài tình trạng khẩn cấp khi nó hết hiệu lực vào tuần này", Tổng thống Ranil Wickremesinghe nói, AFP đưa tin.
Hồi tháng 7, ông Wickremesinghe ban bố tình trạng khẩn cấp để đối phó với các cuộc biểu tình kéo dài nhiều tháng do người dân thiếu thức ăn, nhiên liệu và thuốc men.
Quyền hạn khẩn cấp cho phép quân đội và cảnh sát có thể giam giữ những nghi phạm trong thời gian dài. Về lý thuyết, ông Wickremesinghe có quyền gia hạn tình trạng khẩn cấp sau mỗi tháng.
Những cuộc biểu tình ở Sri Lanka đã kéo dài trong nhiều tháng khi người dân thiếu những mặt thiết yếu. Ảnh: AFP. |
22 triệu dân Sri Lanka đã phải chịu đựng tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng các mặt hàng thiết yếu kể từ cuối năm 2021. Trong khi đó, đất nước cạn kiệt nguồn ngoại hối để có thể nhập khẩu nhiều mặt hàng quan trọng.
Những bất ổn kinh tế xã hội đã thổi bùng làn sóng biểu tình ở Sri Lanka, với hàng chục nghìn người xông vào dinh tổng thống hồi tháng 7, buộc cựu Tổng thống Gotabaya Rajapaksa phải rời khỏi đất nước và từ chức sau đó.
Quốc gia này vỡ nợ vào giữa tháng 4 và đang đàm phán với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về một gói cứu trợ.
Sri Lanka cũng đang phải đối mặt với siêu lạm phát với tỷ lệ 60,8%, trong khi lạm phát về lương thực ở mức cao hơn - 90,9% vào tháng trước, theo dữ liệu chính thức.