Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

'Nếu thiếu vaccine, không ai được an toàn đến khi mọi người an toàn'

"EU ủng hộ sự hợp tác về vaccine thay vì chủ nghĩa dân tộc vaccine. Chúng tôi ủng hộ chủ nghĩa đa phương về vaccine và phản đối những hứa hẹn về vaccine đổi lấy ưu đãi chính trị".

chu nghia dan toc trong vaccine anh 1

Igor Driesmans là Đại sứ EU tại ASEAN. Đây là bài ông viết riêng cho Zing về tình trạng bất bình đẳng trong phân phối vaccine toàn cầu và các nỗ lực của cơ chế chia sẻ vaccine. Các trung đề do Zing đặt.

Năm 2020 là một năm đáng sợ. Khi Covid-19 lan rộng và trở thành một đại dịch thực sự trên quy mô toàn cầu, cướp đi vô số sinh mạng, làm tiêu tan biết bao sinh kế, và những hoạt động mà chúng ta từng coi là điều hiển nhiên thì nay trở thành một giấc mơ xa vời.

Tuy vậy, trong bối cảnh u ám này, một câu chuyện khác đã mở ra. Đó là một câu chuyện về sự đổi mới sáng tạo và sự khéo léo khi mà các nhà khoa học trên khắp thế giới - những người đã và đang làm việc không biết mệt mỏi để phát triển và thử nghiệm vaccine, nhằm tạo ra một lực đẩy lớn cho nỗ lực tập thể của chúng ta trong việc ngăn chặn làn sóng của đại dịch.

Vào đầu năm 2021, chúng ta đã có thể thấy những kết quả cụ thể đầu tiên của nỗ lực chưa từng có này khi những người dễ bị tổn thương và các nhân viên y tế đã nhận được những liều vaccine đầu tiên. Ở Đông Nam Á, châu Âu và những nơi khác, một tia sáng le lói đã xuất hiện ở cuối con đường hầm dài và tăm tối này.

Khi việc tiêm chủng bắt đầu được triển khai, những câu hỏi mới, hợp lý đã xuất hiện: vaccine có được phân phối một cách công bằng không? Liệu các nước giàu có nhận được nhiều liều hơn các nước kém giàu hơn? Làm thế nào chúng ta có thể cải thiện sự hợp tác quốc tế mang lại sự tiếp cận thuốc dành cho tất cả, chứ không chỉ cho một số ít được lựa chọn?

"Không ai bị bỏ lại"

Đối với Liên minh châu Âu (EU), câu trả lời rất rõ ràng: không ai an toàn cho đến khi mọi người đều an toàn. Không một khu vực nào, không một quốc gia nào và không một nhóm người nào phải gặp bất lợi hoặc bị ngăn cản quyền tiếp cận công bằng, bình đẳng đối với vaccine Covid-19 an toàn trong sử dụng cũng như có các mức độ cần thiết về tiêu chuẩn kiểm soát chất lượng và bảo vệ.

Bất kỳ kết quả nào khác sẽ tạo ra một tình huống vừa phi lý về mặt đạo đức, vừa tạo cơ sở thuận lợi cho sự xuất hiện của các chủng mới. Những nỗ lực của chúng tôi trong kiềm chế đại dịch đòi hỏi sự hợp tác và đảm bảo rằng không ai bị bỏ lại phía sau.

Đây là lý do tại sao EU nổi lên với tư cách là nhà ủng hộ mạnh mẽ nhất đối với cơ chế COVAX, một sáng kiến ​​toàn cầu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)-GAVI thu hút sự tham gia của 90% dân số thế giới và nhằm đảm bảo quyền tiếp cận công bằng và bình đẳng đối với vaccine Covid-19 dành cho mọi người.

‘Team Europe’, bao gồm EU và các quốc gia thành viên của chúng tôi, cho đến nay đã cam kết được hơn 850 triệu euro (1 tỷ USD) để mua, bảo đảm và cung cấp vaccine cho các nước có thu nhập thấp và trung bình thông qua cơ chế COVAX. Con số này nhiều hơn tổng số tiền cam kết của tất cả các thành viên của Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á cộng lại.

Kết quả cụ thể ban đầu của sáng kiến ​​này đã có. Vào ngày 22/1, cơ chế COVAX thông báo đã ký thỏa thuận mua trước 40 triệu liều vaccine Pfizer-BioNTech, đã được WHO phê duyệt để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp. Việc cung cấp lượng vaccine đầu tiên do COVAX trợ giá sẽ bắt đầu ở Đông Nam Á và trên khắp thế giới trong tương lai rất gần.

Ba tỷ liều

Khi nhận được đầy đủ nguồn tài trợ, cơ chế COVAX sẽ cho phép 92 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, là một phần trong một nỗ lực tập thể, được đảm bảo 1,3 tỷ liều vaccine vào cuối năm 2021, bao phủ bộ phận dân số dễ bị tổn thương nhất của các quốc gia này. Bất chấp sự thiếu hụt nguồn cung trên toàn cầu hiện nay, vẫn có tới 100 triệu liều dự kiến ​​sẽ được giao trong quý đầu tiên của năm nay trên toàn cầu.

Vào cuối năm 2022, ba tỷ liều có thể được cung cấp theo Cơ chế COVAX. Thật đáng khích lệ khi biết rằng một nửa mục tiêu này đã được ký hợp đồng trong lúc các cuộc đàm phán vẫn tiếp tục được diễn ra với các công ty dược phẩm.

Việc triển khai vaccine không phải là không có thách thức. Năm ngoái, EU đã bắt đầu một cuộc đối thoại cấp chuyên gia về vaccine với Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Trong những tháng tới đây, các quan chức y tế của EU và ASEAN sẽ tiếp tục họp để thảo luận về vấn đề cấp phép, phân phối, hậu cần đối với vaccine, về triển khai các kế hoạch tiêm chủng và các thách thức liên quan khác.

Cuộc thảo luận này sẽ đi kèm với sự hỗ trợ tài chính mà Team Europe đã mở rộng cho các quốc gia thành viên ASEAN kể từ khi bắt đầu đại dịch - hơn 800 triệu euro (970 triệu USD) nhằm tăng cường công suất bệnh viện, đẩy nhanh công tác nghiên cứu y tế và cải thiện các phương pháp điều trị trên toàn khu vực.

Đây là những gì mà EU ủng hộ. Chúng tôi ủng hộ cho sự hợp tác về vaccine thay vì chủ nghĩa dân tộc về vaccine. Chúng tôi ủng hộ chủ nghĩa đa phương về vaccine và kiên quyết phản đối những hứa hẹn về vaccine để đổi lấy các ưu đãi chính trị.

Sau một năm 2020 kinh hoàng, năm nay phải là thời gian để hàn gắn và xây dựng lại. Chúng ta chỉ có thể làm như vậy nếu chúng ta hành động dựa trên cơ sở khoa học, hợp tác dựa trên một ý thức thực sự về mục đích hướng tới và đảm bảo không để ai bị bỏ lại phía sau.

Đây là tinh thần thực sự của chính sách toàn cầu của EU, và thực vậy, là tinh thần của Đối tác Chiến lược EU-ASEAN.

Các nước giàu 'vét sạch' vaccine Covid-19

Cuộc chạy đua mua vaccine Covid-19 trên thế giới đang diễn ra không cân sức với lợi thế thuộc về các quốc gia phát triển, tờ New York Times nhận định.

Lý do vaccine Pfizer sản xuất tại Mỹ nhưng được phê duyệt ở Anh trước

Anh là nước đầu tiên trên thế giới phê duyệt vaccine Covid-19 sản xuất bởi Pfizer, dù hãng dược này có trụ sở tại Mỹ - quốc gia chỉ mới triển khai tiêm chủng từ ngày 11/12.

Mâu thuẫn vì tiền của các học giả Oxford về vaccine Covid-19

Nội bộ Đại học Oxford tại Anh đã dậy sóng vì quyết định của ban lãnh đạo chỉ vài tuần trước khi công bố thương vụ quy mô lớn nhằm phân phối vaccine Covid-19 ra toàn thế giới.

Igor Driesmans

Bạn có thể quan tâm