Chúng ta, những người yêu sách, hay nói về cảm xúc của ngón tay khi lần giở từng trang giấy thơm mùi mực. Nhưng bao nhiêu người trong chúng ta yêu thích sự hoài niệm, và bao nhiêu người trân trọng sự tiện dụng?
Ai thích đọc sách mùa… cách ly?
Mạng xã hội những ngày qua, cuộc sống giãn cách, nhiều người bàn tán rôm rả, khoe ảnh về góc nhà, khoảng sân, kệ bếp, món ăn, thậm chí là bức ảnh nhễ nhại mồ hôi với bài tập thể lực.
Thỉnh thoảng đâu đó, chúng ta mới thấy bức ảnh bình yên với tách trà hay ly cà phê buổi sáng, cạnh bên là cuốn sách phơi trong nắng mới đầu ngày.
Cho dù bận đến đâu, chúng ta vẫn không thể phủ định đây là khoảng thời gian dễ nhìn thấy nhiều hình ảnh nặng lòng nhất về cuộc sống.
Nếu không nhìn thẳng vào từng khuôn hình của mỗi ngày trên đường phố, ta có thể trải nghiệm trên những trang báo. Thế nên, chẳng trách mọi người cuống cuồng tìm kiếm cho mình điều gì đó, một sở thích mới hoặc niềm vui cũ để lấn át suy nghĩ không vui kia.
Tác giả Nguyễn Phong Việt. Ảnh: NVCC. |
Một bộ phim có thể xuất sắc, nhưng đó vẫn là góc nhìn của câu chuyện hình ảnh đầy chủ quan của đạo diễn.
Nhưng một cuốn sách hay cho dù sự chủ quan của tác giả nhiều đến đâu, vẫn không thể ngăn được sức tưởng tượng của bạn đọc trong bối cảnh hiện tại…, đủ để vẽ nên một chiều không gian khác có khi là đắm đuối hơn hoặc nghiệt ngã hơn đến vô cùng.
Chính vì thế, những người thích đọc sách mùa giãn cách bỗng dưng rơi vào mẫu số chung: Không cuống cuồng vội vã để làm mình bớt… ở không. Họ cũng chẳng khoe khoang, trưng trổ để người khác “ngưỡng mộ”.
Người thích đọc sách xa lánh các “trend” càng nhiều càng tốt để tận dụng khoảng thời gian quý báu nho nhỏ cho mỗi trang sách mới, hay cả những trang sách cũ lâu ngày chưa kịp đọc vì nhịp sống qua nhanh trước đó.
Sự lặng lẽ của những người đọc ấy luôn cố gắng biến thời gian mình đang sống, trở thành thứ có giá trị hơn trong tương lai.
Sẽ có người đọc sách giấy, ebook, truyện tranh, cũng có người chỉ đơn giản là vào các website và đọc trực tiếp những câu chuyện dài kỳ.
Thật ra, chúng ta đọc gì cũng được, đọc như thế nào cũng được, vì “không bổ ngang cũng bổ dọc”.
Chúng ta sẽ không thể biết những gì đang có trong đầu mình quý giá đến mức nào, cho đến khi có một sự việc, câu chuyện nào đó diễn ra và cần tận dụng những giá trị kiến thức đã có, được góp nhặt trên những trang sách.
Tác giả Nguyễn Phong Việt cho rằng đọc sách suy cho cùng là sở thích cá nhân, đòi hỏi sự nhẫn nại lớn. Ảnh: B.N. |
Chẳng ai từ bỏ niềm vui
Hội sách trực tuyến quốc gia lần đầu tiên diễn ra trong bối cảnh đại dịch, bất ngờ trở thành sự kiện được phần lớn người yêu thích văn hóa đọc quan tâm. Trong suốt thời gian qua, nhiều nhà sách trực tuyến như Shopee, Tiki… đều đẩy mạnh các chương trình về sách.
Người đọc không thể đến nhà sách trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Một hội sách trực tuyến có thể mang đến bữa tiệc buffet sách, với không chỉ những đầu sách hay có giá tốt nhất, mà còn là câu chuyện đáp ứng nhu cầu của người đọc.
Những cuốn sách hay có thể đến nhanh nhất trên thềm nhà người đọc, trong những ngày mà việc đi lại cần hạn chế nhiều.
Mỗi người trẻ đều xem việc đọc là niềm vui. Đọc sách, đừng biến thành trách nhiệm, cũng như gán cho nó thông điệp quá lớn lao. Vì đơn giản, đã là niềm vui, chẳng ai muốn từ bỏ.
Nguyễn Phong Việt
Tác giả và người đọc không thể gặp gỡ trực tiếp, không đối thoại "mặt chạm mặt". Họ kết nối thông qua các kênh trực tuyến để nuôi giữ cùng nhau sợi dây kết nối cảm xúc đã gìn giữ bấy lâu nay, thông qua từng con chữ trên trang viết.
Đọc sách, suy cho cùng, là sở thích rất cá nhân, đòi hỏi sự nhẫn nại lớn. Lâu nay, chúng ta nói nhiều về văn hóa đọc. Nhưng văn hóa ấy từng mang quá nhiều áp lực về điều gọi là “trí thức”, phải thế này, thế kia…
Trong khi thực tế, điều đơn giản nhất mà chúng ta cần chính là mỗi người trẻ đều xem việc đọc là một niềm vui. Đọc sách, đừng biến thành trách nhiệm, cũng như gán cho nó thông điệp quá lớn lao. Vì đơn giản, đã là niềm vui, sẽ chẳng ai muốn từ bỏ.
Niềm vui khi tìm thấy thêm những điều hay ho, mở rộng trí tưởng tượng, cập nhật kiến thức đời sống, rèn luyện vài kỹ năng tốt cho bản thân.
Điều quan trọng nhất, đọc sách thấy vui khi những giá trị mình đang có vẫn còn rất nhỏ bé so với thế giới này. Để từ đó, chúng ta không bao giờ ngừng lại việc đọc.
Phải thừa nhận mùi mực và giấy mới của cuốn sách cũng là một loại hấp lực với những ai nghiện sách. Nhưng để đi đến sự “giác ngộ” ấy, không phải ai cũng làm được hoặc có điều kiện làm được. Thế nên, sự tinh tế trong văn hóa đọc có cần không. Rất cần!
Song, chúng ta cũng phải thực tế rằng chỉ cần đọc thôi, đọc như thế nào cũng được, cũng đã là một sự tinh tế rất đáng giá vào những ngày này.
Nhà thơ Nguyễn Phong Việt là hội viên Hội Nhà văn TP.HCM. Anh có nhiều tuyển tập đã xuất bản như:
Đi qua thương nhớ, Từ yêu đến thương, Sinh ra để cô đơn, Sống một cuộc đời bình thường, Về đâu những vết thương, Sao phải đau đến như vậy, Chỉ cần tin mình là duy nhất, Mình sẽ đi cuối đất cùng trời, Xin chào những buổi sáng.