Đương kim Tổng thống Mỹ Barack Obama muốn ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông trong 5 năm qua. Nhưng tình hình sẽ thế nào nếu cựu ngoại trưởng Hillary Clinton, người gần như chắc chắn trở thành ứng cử viên của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11, điều hành nước Mỹ?
Giới quan sát nhận định rằng, nếu Clinton chèo lái nước Mỹ, ít nhất bà sẽ mở rộng những chính sách từ người tiền nhiệm và thậm chí theo đuổi quan điểm cứng rắn hơn với ý đồ nuốt trọn Biển Đông của Trung Quốc, Forbes đưa tin.
Ngay từ khi còn giữ chức ngoại trưởng Mỹ, bà Hillary Clinton đã kêu gọi Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế trong vấn đề Biển Đông. Ảnh: AP. |
“Một tổng thống như Hillary Clinton sẽ tiếp tục thực thi những chính sách của Obama đối với Biển Đông. Tôi nghĩ Bắc Kinh lo sợ trước viễn cảnh Clinton sẽ trở thành chủ nhân mới của Nhà Trắng”, ông Sean King, Phó chủ tịch hãng tư vấn Park Strategies ở thành phố New York, nhận định.
Ngày 7/6, AP cho biết bà Clinton đã đạt được số lượng ủng hộ cần thiết của các đại biểu, qua đó sẽ được đảng đề cử là ứng viên đại diện trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Như vậy, bà trở thành phụ nữ đầu tiên trong lịch sử Mỹ trở thành ứng viên tổng thống chính thức của một đảng chính trị lớn.
Sean King dự đoán rằng, nếu Clinton lãnh đạo nước Mỹ, Washington sẽ không phát động cuộc chiến để lấy dầu mỏ, khí đốt, cá hay bất kỳ đảo, bãi đá nào ở Biển Đông. Thay vào đó, Nhà Trắng sẽ tiếp tục thực thi mục tiêu của Obama là duy trì quyền tự do hàng hải ở Biển Đông đối với tàu Mỹ và tiếp tục hợp tác quân sự với các chính phủ Đông Nam Á.
Rất có thể chính quyền Clinton sẽ tiến xa hơn nữa bằng cách phản đối Trung Quốc thông qua các tổ chức quốc tế mà hai nước tham gia hoặc hoặc hiệp định mà hai bên cùng ký.
Washington không đòi chủ quyền ở Biển Đông, song họ đang trở thành hy vọng lớn đối với những nước coi trọng tự do hàng hải trong tranh chấp kéo dài nửa thế kỷ đối với vùng biển có diện tích 3,5 triệu km2. Mỹ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam vào tháng 5 và giúp Philippines tăng cường năng lực quân sự từ năm 2014. Đương nhiên Trung Quốc, nước đang âm mưu chiếm trọn Biển Đông, tức giận trước những động thái của Mỹ.
“Quá trình hoạt động chính trị của Clinton cho thấy bà sẽ phản ứng mạnh hơn so với Obama trong vấn đề Biển Đông. Đương nhiên Mỹ sẽ không gây chiến với Trung Quốc vì các đảo hay bãi đá, song họ sẽ làm tăng những tổn thất của Trung Quốc bằng cách tham gia những định chế quốc tế và vấn đề toàn cầu”, Ben Reilly, Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Các vấn đề quốc tế của Đại học Murdoch tại Australia, bình luận.
Khi Clinton giữ chức ngoại trưởng từ năm 2009 tới 2013, Obama công bố chủ trương xoay trục sang châu Á, bao gồm việc tăng cường mức độ hiện diện quân sự ở đây.
Bà từng tuyên bố trong một cuộc họp của các ngoại trưởng tại Hà Nội vào năm 2010 rằng luật pháp quốc tế phải là nền tảng để giải quyết các tranh chấp hàng hải. Tuyên bố của Clinton là thông điệp dành cho Trung Quốc, nước đang sử dụng những văn kiện cổ không đáng tin cậy để củng cố đòi hỏi chủ quyền ngang ngược đối với 95% diện tích Biển Đông.
Trung Quốc ngang ngược tuyên bố chủ quyền đối với phần lớn Biển Đông. Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc trên Biển Đông đang ở mức cao sau khi Trung Quốc ngang ngược bồi lấp nhiều bãi đá mà họ chiếm trái phép thành đảo nhân tạo, đồng thời ráo riết thực hiện chủ trương quân sự hóa vùng biển này.
Mỹ tuyên bố đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc không dựa trên cơ sở pháp lý. Nhà Trắng từng nhiều lần điều tàu và phi cơ tuần tra gần những đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi lấp, bất chấp sự giận dữ của Bắc Kinh.