Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Nếu bỏ giải, CLB Quảng Ninh bị xuống hạng Ba

Những gì đang diễn ra ở đội Quảng Ninh một lần nữa tố cáo năng lực tài chính hạn hẹp và sự phụ thuộc của các CLB V.League vào những ông bầu.

Dat set V.League anh 1

Quảng Ninh không phải một tên tuổi tầm thường ở V.League. Kể từ khi thăng hạng mùa 2014, họ chưa từng rơi khỏi tốp 6. Vài mùa gần đây, họ bắt đầu đua vô địch với thành tích cao nhất là tấm HCĐ V.League 2019. Đây cũng là CLB hiếm hoi có được sự ổn định về nhân sự, lối chơi, có lượng người hâm mộ trung thành, đông đảo.

Một đội bóng như thế lẽ ra phải sống tốt, sống khỏe ở V.League. Nhưng sự thật đang cho thấy điều ngược lại.

Cuộc bể dâu ở Quảng Ninh một lần nữa cho thấy sự phụ thuộc gần như tuyệt đối của mỗi đội bóng vào các ông bầu, vào túi tiền và hứng thú cá nhân của họ với bóng đá.

Quảng Ninh và những sự sụp đổ trước đó

Như rất nhiều tiền tuổi lớn đã và từng xuất hiện ở V.League, vấn đề của Quảng Ninh vẫn chỉ nằm ở một chữ: tiền. Kinh phí hoạt động của đội bóng vùng mỏ là khoảng 70 tỷ đồng mỗi mùa. Số tiền này lấy từ hai nguồn. Nhà tài trợ Than khoáng sản Việt Nam góp trên dưới 40 tỷ đồng/năm. Số còn lại do Chủ tịch Phạm Thanh Hùng chi trả.

Năm ngoái, nhà tài trợ rút lui, bầu Hùng phải một mình cáng đáng các khoản chi suốt mùa giải. V.League càng đi về cuối, sức chịu đựng của ông Hùng càng tới gần giới hạn. Việc Quảng Ninh chấp nhận “bán máu” cho Hải Phòng trước khi buông súng đầu hàng trong cuộc đua vô địch là những dấu hiệu khủng hoảng đầu tiên.

Tới bây giờ, mọi thứ thực sự bùng nổ. CLB Quảng Ninh là đội duy nhất chưa có bất kỳ bổ sung nhân sự nào. Phân nửa đội hình của họ đã ra đi, cầu thủ bị nợ lương nhiều tháng, việc gia hạn với các trụ cột bị đình lại. Phán quyết cuối cùng cho CLB Quảng Ninh sẽ tới hôm 15/12 trong cuộc làm việc giữa bầu Hùng và lãnh đạo tỉnh. Nếu không thể tìm được nguồn hỗ trợ, ông Hùng sẽ rút lui. CLB Quảng Ninh sẽ không còn ngân sách hoạt động. Và vực thẳm đã ở rất gần.

Tình hình của CLB Quảng Ninh còn căng thẳng hơn Thanh Hóa hay Quảng Nam. Đội đầu tiên đã tìm được người đỡ đầu sau khi ông Nguyễn Văn Đệ rút lui, đội thứ hai vẫn được cam kết đầu tư cho mùa giải hạng Nhất 2021.

Với Quảng Ninh, chưa thấy một cánh tay nào sẵn sàng chìa ra. Điều tưởng như vô lý đó đang hiển hiện với một đội bóng vừa đua vô địch mùa trước, đóng trụ sở tại tỉnh giàu mạnh bậc nhất cả nước. Trong tình huống tệ nhất, Quảng Ninh sẽ bỏ giải và bị đánh tụt xuống hạng ba theo điều lệ.

Trước Quảng Ninh, V.League từng xuất hiện nhiều tiền lệ tương tự. Ninh Bình 2014 đầu mùa giành Siêu cúp Quốc gia, đại diện Việt Nam dự AFC Cup trước khi bỏ giải vào cuối mùa sau vụ bán độ. Thanh Hóa thăng hoa dưới thời FLC trước khi sụp đổ, liên tục đua trụ hạng vài năm gần đây. Trước đó nữa, Navibank Sài Gòn hay Hòa Phát Hà Nội đều đã biến mất sau khi mất đi hỗ trợ từ những ông bầu.

Dat set V.League anh 2

Giang Trần Quách Tân (áo xanh) là một trong số những ngôi sao đã chia tay Quảng Ninh. Ảnh: Minh Chiến.

Chất lượng "mặt hàng" bóng đá

Vấn đề không nằm ở việc Quảng Ninh hay nhiều tiền lệ khác phụ thuộc ông bầu, vấn đề là họ phụ thuộc tới nỗi coi đó là giải pháp duy nhất. Họ không còn chiếc phao nào khác để cứu chính mình mỗi khi những ông bầu hay nhà tài trợ rút lui.

Một CLB chuyên nghiệp nên có bốn nguồn thu chính từ bán vé, bán vật phẩm, tiền bản quyền truyền hình và tiền tài trợ. Nhưng hầu hết đội chuyên nghiệp tại Việt Nam không thu được tiền từ ba nguồn đầu tiên.

V.League 2020 có 134 trận với trung bình 5.600 CĐV tới sân mỗi trận. Nếu mỗi vé được bán với giá 100.000 đồng, một CLB có thể thu về 7,3 tỷ đồng trong một mùa giải tiêu chuẩn (13 trận sân nhà). Nhưng giá vé V.League chưa bao giờ đạt được mức lý tưởng ấy. Hầu hết CLB đang bán vé ở mức trên dưới 50.000 đồng/vé hoặc thấp hơn thế. Đấy là mức giá bán “cho có”, quá thấp, không đủ để giúp các CLB cải thiện tình hình tài chính.

Các CLB không thể bán vé giá cao vì họ không mang tới trải nghiệm bóng đá đủ tốt cho người hâm mộ. Hãy tưởng tượng bạn là một CĐV Thanh Hóa. Nếu muốn theo dõi trận đấu của đội bóng yêu thích, bạn phải tới sân sớm, xếp hàng mua vé giấy, ngồi ghế nhựa cũ trên một khán đài không có mái che. Bạn phải tự mang theo đồ ăn, nước uống, sử dụng nhà vệ sinh cũ kỹ với các tiện nghi của thế kỷ trước. Vì sân bóng không có màn hình quay chậm, bạn phải tập trung hết sức, căng mắt để không bỏ lỡ từng tình huống. Bạn cũng phải nhìn những cầu thủ yêu thích qua một đường chạy điền kinh vì hầu hết SVĐ tại Việt Nam đều xây dựng theo dạng tổ hợp, phục vụ nhiều môn thể thao khác.

CĐV trung bình của Thai League 2019 chỉ là 5.699 người/trận, không cao hơn Việt Nam là mấy.

Trải nghiệm xem bóng đá ấy gần như không thay đổi so với 20 năm trước. Khi đời sống giải trí ngày càng phát triển, những người làm bóng đá Việt Nam đang bị bỏ lại trong cuộc đua. Họ vẫn chưa tìm ra cách cải thiện sản phẩm của mình. Kết quả là họ không thể bán được “mặt hàng” bóng đá với giá tốt hơn.

Nhìn sang Thai League, chúng ta mới thấy họ đã tiến xa thế nào. Người hâm mộ có thể tới sân sớm hàng tiếng đồng hồ, tham gia các khu vui chơi, ngồi trên những hàng ghế xịn, có đầy đủ mái che. Nhiều trận đấu tại Thai League có tặng đồ ăn, nước uống cho người hâm mộ. Các trận đấu được tổ chức với nhiều hoạt động bên lề, tạo ra một bầu không khí lễ hội cả trong và ngoài sân cỏ.

Bởi vậy, số CĐV trung bình trong các trận Thai League 2019 chỉ là 5.699 người, không cao hơn Việt Nam là mấy. Nhưng các CLB Thái Lan đang bán vé thực sự và kiếm được tiền từ điều đó.

Khi việc đơn giản nhất là bán vé còn chưa được làm tốt, kỳ vọng các CLB Việt Nam kiếm được tiền từ bán vật phẩm hay bản quyền truyền hình càng xa xỉ hơn. Trước thềm V.League 2020, Chủ tịch VPF Trần Anh Tú bảo ông thở phào nhẹ nhõm khi V.League sớm có nhà tài trợ. Ba năm qua, bất chấp hiệu ứng Thường Châu, chưa nhà tài trợ nào gắn bó với V.League quá một mùa. Điều đó cho thấy giải đấu số một của bóng đá Việt Nam chưa đủ sức hút để giữ các thương hiệu ở lại.

Dat set V.League anh 3

Bầu Hùng (phải) nhiều khả năng sẽ rút khỏi CLB Quảng Ninh nếu tỉnh này không có giải pháp hỗ trợ kinh tế cho đội. Ảnh: Minh Chiến.

Cứu rỗi hay phụ thuộc?

Không có cả ba nguồn thu trên, các CLB buộc phải dựa vào nguồn lực cuối cùng là nhà tài trợ. Nhưng khác với nhiều CLB chuyên nghiệp khác trên thế giới, mô hình tài trợ ở Việt Nam thường là đơn nhất. Một nhà tài trợ duy nhất với nguồn lực tài chính dồi dào sẽ “bao” hết toàn bộ các hoạt động tài chính của đội bóng.

CLB Quảng Ninh, Thanh Hóa, Vissai Ninh Bình, Navibank Sài Gòn hay Hòa Phát Hà Nội đều đã là nạn nhân của mô hình kinh tế đầy rủi ro ấy. Hầu hết CLB V.League ngày nay cũng đang sống bằng mô hình tài trợ ấy, kể cả CLB Hà Nội, Viettel, HAGL...

Rủi ro của mô hình ấy nằm ở sự phụ thuộc. Các đội bóng không còn thuộc về người hâm mộ, không còn thuộc về tỉnh, mọi quyền lực ở CLB được quy về dưới tay ông bầu. Đội bóng trở thành công cụ, chiến đấu tùy theo sở thích và mục đích của ông bầu. Bởi vậy, mới có những trường hợp Quảng Ninh “bán máu” cho Hải Phòng. Người hâm mộ không cảm thấy đội bóng có bản sắc, không cảm thấy họ đang chiến đấu vì niềm tự hào của quê hương.

Quan trọng hơn, việc “đựng tất cả vào một cái bị” khiến các đội bóng trở thành những thể chể tài chính dễ tổn thương. Nếu ông bầu thấy “không vui”, một tập thể hùng mạnh, những ngôi sao, lò đào tạo trẻ đáng tự hào, lối chơi đầy bản sắc, mọi thứ có thể sụp đổ chỉ sau một đêm.

CLB có những nhà tài trợ mạnh là điều tốt. Nhưng phụ thuộc tuyệt đối vào họ, không có thêm nguồn thu từ bên ngoài nghĩa là giết chính mình. Nhìn sang Thai League, các CLB tại đây đều có hàng chục nhà tài trợ. Đội bóng hàng đầu Thái Lan hiện tại có 28 đối tác và không cần lệ thuộc vào ai dù ông bầu của họ là tỷ phú Newin Chidchob. Nhiều giải đấu khác trên thế giới quy định các CLB luôn phải thuộc sở hữu của người hâm mộ, giới hạn số cổ phiếu mà các nhà tài trợ được phép sở hữu. Quy định có giúp các đội bóng luôn giữ được sự độc lập, buộc họ phải nỗ lực để tự tồn tại, qua đó, không phụ thuộc vào một nguồn tài chính duy nhất.

Đó là điều những CLB Việt Nam chưa làm được. Đúng như HLV Phan Thanh Hùng đã nói với Zing, “đội bóng cần có tài chính, không có thì nên nghỉ”. CLB Quảng Ninh đang đứng bên bờ vực thẳm khi một nửa đội hình đã ra đi, HLV trưởng xin nghỉ việc còn ngân sách năm mới thì chưa thấy đâu. Trong tình huống tệ nhất, Quảng Ninh có thể bỏ giải và bị đánh tụt xuống hạng ba theo điều lệ.

Viễn cảnh tồi tệ ấy là điều không một người yêu bóng đá Quảng Ninh nào muốn chứng kiến.

HAGL sẽ cứu khoảng tối sự nghiệp của Kiatisak?

Kiatisak cần đội bóng này, trước hết để cứu sự nghiệp huấn luyện vốn nhiều thất bại hơn thành công tại cấp câu lạc bộ.

PVF giành 3 chức vô địch của bóng đá trẻ

Đánh bại Viettel với tỷ số 1-0, đội trẻ PVF đăng quang ngôi vô địch U17 Cúp Quốc gia tối 10/12.

Nghịch lý Danh Trung ở U22 Việt Nam

Cầu thủ tấn công hàng đầu của U22 Việt Nam không được CLB chủ quản Viettel để mắt dù đội bóng này cần mọi nguồn lực có thể trong chặng nước rút vô địch V.League.

Phương Thảo

Bạn có thể quan tâm