Khi giới đạo diễn đang than thở về việc nền điện ảnh Việt bị sân khấu hóa, nghĩa là đội ngũ diễn viên chủ yếu xuất thân từ sân khấu. Và rất nhiều gương mặt, dù có tài năng không thể phủ nhận, nhưng khi xuất hiện trên màn ảnh rộng, màn ảnh nhỏ vẫn mang nặng cách diễn của kịch nghệ.
Thực trạng ấy đã diễn ra nhiều năm, ở nhiều người như một tồn tại cần khắc phục. Nhưng giữa sự tồn tại ấy, vẫn còn đó một số cái tên có thể phân định rạch ròi trong cách thể hiện diễn xuất của từng loại hình. Hồng Ánh là một diễn viên như thế.
Xem cách Hồng Ánh vào vai, từ những phim nghệ thuật đến phim giải trí, từ sân khấu đến truyền hình, có thể thấy được năng lực biến hóa của cô. Hiểu ngôn ngữ riêng của nhân vật, rất ít khi chịu lép vé, rất ít khi bị lu mờ, ngay cả trước bạn diễn tầm cỡ. Hạnh trong Cây táo nở hoa là ví dụ mới nhất.
Người vợ chưa từng có một ngày hạnh phúc
Hồng Ánh trong sự nghiệp của mình đã thể hiện rất nhiều vai số phận. Nhưng Hạnh trong Cây táo nở hoa, đúng như nữ diễn viên chia sẻ, có lẽ là vai diễn nhiều nước mắt nhất.
Bối cảnh chính phim truyền hình Cây táo nở hoa là một căn nhà đặt tiệm sửa xe có tên “Hạnh Phúc”. Nhưng người vợ trong ngôi nhà ấy – Hạnh – chưa từng có một ngày hạnh phúc.
Trong tập 9 của bộ phim, khi Ngọc (Thái Hòa) sang nhà vợ để khuyên Hạnh trở về sau những cùng cực. Hai người đã nói chuyện trong nước mắt. Hạnh nói rằng cô bị trầm cảm, phải uống rất nhiều thuốc.
“Đây nè! Anh nhìn đi! Anh nhìn đi”, Hạnh quăng đống thuốc xuống sàn nhà. “Tôi mệt mỏi lắm. Cơ thể tôi đau, trong lòng tôi cũng đau. Từ lúc lấy anh đến bây giờ, tôi chưa từng có một ngày hạnh phúc, anh Ngọc” – câu nói như dồn nén rất nhiều năm, kết lại trong sự hy sinh và chịu đựng của một người đàn bà, nay mới được nói, trong nước mắt, không rõ tiếng.
Ngọc sau đó cố cầm lấy tay vợ như để đồng cảm nhưng Hạnh gạt phăng ra, cái gạt của một người phụ nữ đã quá hiểu chồng mình và cũng quá thương chồng mình.
Rồi tình thương yêu vẫn lớn hơn tất cả, Hạnh vẫn trở về trong sự lam lũ, tảo tần, trong căn nhà không chỉ có hai vợ chồng và cô con gái, còn là những người em chồng mà quá nửa là ăn bám, ích kỷ, chỉ nghĩ cho mình.
Hồng Ánh để lại ấn tượng với vai Hạnh trong lần trở lại phim truyền hình. |
Hạnh chỉ một lần sinh nở nhưng cô như thể có tới 5 người con mà 4 trong số đó là những người em chồng: Ngà, Châu, Báu, Dư. Những người em lớn lên thiếu vắng sự dưỡng dục của cha mẹ, Ngọc trong vai trò anh Cả đã coi chúng như những đứa con của mình.
Ngọc thậm chí từng không muốn sinh con, từng đề nghị vợ phá thai vì “chúng ta đâu cần sinh con, chúng ta có bốn người em cơ mà, chúng ta hãy coi chúng như con của mình”. Với một người phụ nữ, không có nỗi đau và bi kịch nào lớn hơn lời gợi ý như thế của một người chồng.
“Phúc nhà vợ không bằng nợ nhà chồng”, Hạnh trong bổn phận làm vợ đã phải dành toàn tâm toàn ý cho nhà chồng, đôi khi quên cả người bố đẻ.
Suốt 15 tập phim đã lên sóng, Hạnh là hình ảnh người phụ nữ không son phấn, không quần là áo lượt, không chưng diện và luôn tay luôn chân nấu nướng, dọn dẹp.
Song, Cây táo nở hoa không mỹ miều xây dựng một phụ nữ hy sinh, tảo tần, cam chịu, thầm lặng đến bất chấp. Hạnh cũng là người đàn bà rất đời, rất ồn ào, cũng quát tháo, cũng tức giận, cũng than thân trách phận, cũng chửi bới em chồng.
Hạnh là một nhân vật rất gần với hiện thực, như muối của đời sống với những diễn biến tâm lý rất đời thường. Một nhân vật hay từ kịch bản và hay hơn nữa, chân thực hơn nữa nhờ màn nhập vai thuyết phục của Hồng Ánh. Màn nhập vai đưa Hạnh thành một phụ nữ rất Việt Nam, khán giả quên đi cả phiên bản gốc ở tác phẩm Hàn.
Hồng Ánh, Thái Hòa và sự ngoại lệ
Nếu không phải Hồng Ánh, không dễ để có thể tìm được một gương mặt thể hiện trọn vẹn sự thô mộc của một người phụ nữ như Hạnh. Mà sự thô mộc ấy lại đặt trong tình yêu thương dành cho chồng, cho con và trách nhiệm với gia đình nhà chồng.
Hồng Ánh diễn biến hóa, khi khóc vì tủi hờn, khi thương xót chồng vất vả, khi mắng mỏ con gái, khi trị những đứa em chồng. Có khi rất quyết liệt, có khi rất dịu dàng. Tất cả đều chân thực.
Nhiều phân cảnh với sự thể hiện của Hồng Ánh gây xúc động mạnh như chi tiết Hạnh van xin Ngọc khi Ngọc quyết định rút sổ tiết kiệm để đền bù cho Ngà. Bởi vì số tiền là cô đã dành dụm sau rất nhiều năm, mỗi tháng 500.000 thành quỹ cho Phúc học đại học sau này. Một người mẹ rất thương con và biết tất cả những thiệt thòi mà cô con gái phải chịu đựng trong một gia đình đặc biệt.
Hồng Ánh và Thái Hòa diễn nhu, cương trên phim. |
Hạnh trách người chồng vì quá bao bọc những đứa em mà quên đi gia đình nhỏ của chính mình. Không ít lần xưng “tôi” với Ngọc, không ít lần lớn tiếng với chồng, quăng muôi xuống đất. Nhưng cũng Hạnh, khi thấy chồng giận hờn, bỏ bữa lại xoa dịu nhẹ nhàng, bởi vì “chồng nóng thì vợ bớt lời, cơm sôi nhỏ lửa chẳng đời nào khê”.
Hạnh của Hồng Ánh và Ngọc của Thái Hòa diễn xuất ăn ý với nhau, quyện hòa, khi nhu khi cương. Ngọc thương vợ, Ngọc cũng sợ vợ, cũng biết vợ mình khổ cực. Hạnh cũng thương chồng cũng nể chồng, cũng biết trên vai chồng là biết bao gánh nặng về trách nhiệm người anh cả “vừa làm cha vừa làm mẹ”, trụ cột của hai gia đình - gia đình nhỏ, gia đình lớn hơn - với những nỗi lo “cơm áo gạo tiền”.
Hồng Ánh chia sẻ rằng cô nhận lời ngay vai Hạnh vì biết Thái Hòa đóng vai chồng. Hai người lần đầu đóng phim truyền hình cùng nhau sau một lần đóng chung điện ảnh (Tiệc trăng máu) nhưng diễn xuất ăn khớp và tỏa sáng.
Trên phim, cả hai chân chất đời thường, người lấm lem dầu luyn, người đầu bù tóc rối nhưng đều đẹp vô cùng, nét đẹp của vai diễn lao động, của năng lực diễn xuất và sự hóa thân trọn vẹn.