Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

LONGFORM

Victor Vũ đã quên 'Mắt biếc'

Victor Vũ nói với Zing rằng anh đã quên "Mắt biếc" như cách anh luôn quên thành công lẫn thất bại của quá khứ để bắt đầu một phim mới, với sự thanh tân nhất.

Victor Vũ nói với Zing rằng anh đã quên "Mắt biếc" như cách anh luôn quên thành công lẫn thất bại của quá khứ để bắt đầu một phim mới, với sự thanh tân nhất.

Một năm rưỡi sau Mắt biếc với doanh thu 180 tỷ đồng, Victor Vũ trở lại đường đua phòng vé với Thiên thần hộ mệnh, hình thành cuộc đấu với Trạng Tí của Ngô Thanh Vân. Phim dẫn đầu doanh thu phim Việt vào dịp nghỉ lễ 30/4 vừa qua với 38 tỷ đồng.

Song, do diễn biến phức tạp của dịch bệnh, rạp phim tại TP.HCM đóng cửa từ 18h, ngày 3/5 và sau đó rạp ở Hà Nội cũng đóng cửa từ 5/5. Thiên thần hộ mệnh buộc phải tạm dừng chiếu, do vậy, khó đạt mốc 100 tỷ đồng bán vé.

Zing có cuộc phỏng vấn với đạo diễn Victor Vũ.

- Nhớ lại hồi đầu tháng 4, 12 phim Việt cùng có kế hoạch ra rạp trong tháng. Trước đường đua đông đúc ấy, Victor Vũ vốn luôn được coi là rất đáng gờm lại dời lịch chiếu "Thiên thần hộ mệnh" từ đầu tháng thành cuối tháng. Là dịp nghỉ lễ 30/4 mang lại thị phần tốt hơn hay hóa ra Victor Vũ... cũng sợ?

- Cũng sợ chứ, về sau các nhà sản xuất gần như rút hết, chỉ còn lại vài phim trong tháng 4. Nhưng trước đó, trong bối cảnh có quá nhiều phim ra rạp, nhiều người cũng nói là không nên đâm đầu vào. Thực tế chuyện phát hành không thể chỉ xoay quanh cảm xúc được, cũng phải phân tích để chọn phương án tốt nhất.

- Phim của anh trực tiếp đối đầu với “Trạng Tí” của Ngô Thanh Vân. Trong cuộc cạnh tranh này, anh đã giữ tâm thế như nào?

- Thực ra thì thị trường quá lớn, không đụng phim này thì sẽ đụng phim khác. Thị trường ở đâu cũng vậy. Và mỗi phim, mỗi thể loại sẽ có khán giả riêng của nó. Tôi chỉ là một cá nhân, và một cá nhân có thể lên xuống, thành công hay thất bại đều là chuyện đương nhiên có thể xảy ra.

Đối với tôi, quan trọng nhất là mình có phim. Cạnh tranh với chính bản thân, chứ không cạnh tranh với thị trường. Mà cạnh tranh với thị trường để làm gì? Thị trường và thị hiếu luôn thay đổi.

Chuyện tôi quan tâm là lần này mình có làm tốt hơn không, đó mới là thử thách. Bước ra khỏi vùng an toàn là thử thách, tìm tòi cái mới cũng là thứ thách. Mình làm phim phải hiểu được mục đích của mình, làm cho ai và làm cái gì.

Victor Vu da quen 'Mat biec' anh 1

- Victor Vũ đã đi qua cả vinh quang lẫn thất bại, có kinh nghiệm nào được rút ra?

- Quan trọng nhất là chính mình. Khi thật sự hiểu về câu chuyện mình muốn kể và thông điệp mình muốn truyền tải, thì mình mới có thể làm tốt việc của mình. Thay vì “theo trend” thì tôi thấy việc “tạo trend” sẽ mang lại nhiều cảm hứng hơn.

Mình phải là chính mình trước nếu không mình là cái thứ gì đó mà chính mình cũng không nhận ra được.

- Nghĩa là thành – bại không có giá trị?

- Thất bại hay thành công đều có giá trị, nhưng mình không nên để cho nó ảnh hưởng quá nhiều đến tâm lý, tinh thần của mình. Quan trọng là mình đủ tỉnh táo để hiểu tại sao mình thất bại, hay tại sao mình đã thành công.

Tôi cũng luôn xác định mình không phải người không ngủ quên trên chiến thắng. Trong nghề này, hôm nay mình là ngôi sao ngày mai mình có thể không là gì cả.

Làm phim là công việc kiếm sống nhưng tôi luôn lấy đó là niềm vui, niềm vui được là chính mình hơn là đếm số doanh thu.

Tôi muốn làm nhiều phim, làm đến khi nào chết thì tốt, chứ không phải làm một, hai phim được khen ngợi, có doanh thu rồi nghỉ làm. Nếu cứ nghĩ mình rất giỏi, rất thành công, mình sẽ bị lệ thuộc vào suy nghĩ đó. Lệ thuộc vào bất cứ thứ gì trên đời đều rất nguy hiểm. Thế nên, tôi thường không thích nhắc đến thành công, và thất bại cũng vậy.

- Đồng nghĩa phải quên “Mắt biếc” đi dù nó được đánh giá là rất thành công?

- Đúng. Mắt biếc là thành công ở thời điểm ấy nhưng nó cũng không giải quyết được thất bại của mình trong quá khứ hoặc tương lai. Nó không che chở được cho mình. Khán giả, báo chí coi đó là thành công nhưng nó không có sức ảnh hưởng trong hành trình sau đó của tôi. Nó chỉ là một trải nghiệm, một kỷ niệm tốt và đẹp.

- Rạch ròi được như vậy chính là người lý trí. Anh làm phim cũng theo cách lý trí như vậy?

- Tôi lại làm phim theo cảm hứng và những trải nghiệm trong cuộc sống, nghĩa là có thời điểm này mình sẽ làm phim này, thời điểm khác sẽ làm phim khác trên cơ sở thấy phù hợp với bản thân.

Giống như 10 năm trước tôi sẽ không làm được Mắt biếc vì lúc ấy tôi quá lạnh lùng. 10 năm trước, tôi làm Scandal thì rất hợp lý. Mắt biếc mà làm 10 năm trước thì không truyền tải được cảm xúc như tôi mong muốn.

Tôi không sống trong những thành bại nhưng tôi cần điểm tựa để làm phim. Giống như khi làm Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, điểm tựa của tôi chính là tình anh em nên khi đọc sách, tôi biết rằng 100% tôi kể được câu chuyện này, mặc dù tôi không sinh ra và lớn lên ở Việt Nam. Còn khi làm Mắt biếc, điểm tựa của tôi là sự lãng mạn.

- Victor Vũ trong 10 năm qua đã thành một đạo diễn đáng được chờ đợi, anh có phong cách riêng, có ngôn ngữ riêng trong điện ảnh. Anh ý thức được điều ấy?

- Chính xác thì tôi là một người yêu phim ảnh, tôi thích đi xem phim, thích ngồi trong rạp trải nghiệm. Hơn 40 năm đi xem phim, tôi thấy rạp vẫn là nơi mang đến những trải nghiệm vui nhất trong đời. Vì mang suy nghĩ ấy nên tôi luôn muốn mọi người ra rạp xem phim của mình sẽ “feeling” nhiều hơn. Và được chìm trong một thế giới khác, như tôi luôn mong muốn khi xem một bộ phim.

Phong cách của tôi có lẽ là câu chuyện. Bởi vì làm phim rất cực, ít nhất cũng phải 12 tháng phim mới có thể ra đời nên lúc nào tôi cũng phải chọn lựa câu chuyện, sao cho thực sự đáng để đưa ra kể cho khán giả. Câu chuyện với tôi là quan trọng nhất.

- Với “Thiên thần hộ mệnh”, anh nghĩ mình đã làm khán giả “feeling” chưa?

- Một câu chuyện và một không khí trẻ trung. Phim nói về những nhân vật rất trẻ và xây dựng thế giới gần với thực tế. Showbiz hiện nay ngày càng trẻ, ngôi sao trẻ, diễn viên trẻ, ca sĩ trẻ và nhà sản xuất cũng trẻ. Những cạm bẫy cám dỗ cũng chủ yếu liên quan đến giới trẻ. Và tôi muốn khai thác những điều ấy.

- Sau khi ra rạp, thực tế "Thiên thần hộ mệnh" được đánh giá chỉn chu, ở mức tốt so với thị trường. Song, với những kỳ vọng lớn về thương hiệu Victor Vũ, phim chưa đạt được?

- Tôi tôn trọng ý kiến đó nhưng tôi chỉ là một cá nhân, một nghệ sĩ, chứ không phải là một thương hiệu gì đâu. Phim nào của tôi cũng gặp ý kiến trái chiều kể cả những phim thành công nhất ở phòng vé.

Nhưng đúng là làm nghệ thuật thì phải chấp nhận chuyện đó. Có lẽ mọi người kỳ vọng nhiều, không chỉ ở tôi mà cụ thể ở thể loại này. Thể loại thriller vẫn rất hiếm ở thị trường mình và nó cũng là một trong những thể loại khó nhất.

- Nhận định "Thiên thần hộ mệnh" so với "Scandal" anh từng làm như "bình mới rượu cũ"... anh thấy có nặng với mình?

- Thiên thần hộ mệnh đến sau bao nhiêu phim cùng thể loại của tôi. Nhưng tôi nghĩ mỗi phim sẽ có giá trị riêng của nó. Lần này tôi chọn cách kể kiểu "slow burn" - bình tĩnh và giản dị, nhưng tập trung vào tình tiết từng phân đoạn, để càng ngày càng dẫn đến cái kết bùng nổ.

Đối với tôi, câu chuyện của Thiên thần hộ mệnh cũng khác so với những phim trước đây. Vẫn ly kỳ, nhưng gần gũi và hướng tới Gen Z nhiều hơn. Vì thế giới showbiz bây giờ khác và trẻ hơn so với ngày xưa rất nhiều.

Có thể đối với một số người, cách thể hiện chưa đạt được như mong muốn. Dù sao, tôi sẽ không ngừng khai thác và phát triển những kịch bản thể loại thriller vì tôi tin khán giả vẫn luôn háo hức với thể loại hiếm hoi này.

Victor Vu da quen 'Mat biec' anh 2

- Nếu được làm lại kịch bản anh muốn chỉnh sửa và hoàn thiện điều gì bởi lẽ kịch bản "Thiên thần hộ mệnh" bị cho là dễ đoán và không đủ kịch tính?

- Ngay từ đầu, tôi và các biên kịch cài cắm một số tình tiết và không ngại việc lộ ra một số bí mật sớm. Không phải thriller nào cũng chỉ có một plot twist. Có những phim có hai hoặc ba twist. Đó là trường hợp của Thiên thần hộ mệnh.

Điều tôi sợ nhất với thể loại thriller là khi tất cả plot twist bị dồn vào phút cuối. Chúng tôi chọn cách là không nhất thiết phải giấu tất cả. Trong quá trình xem phim, khán giả có thể nghi này nghi nọ, hay đoán một số thứ, có thể biết "ai" nhưng chưa biết "tại sao". Hay biết "tại sao" nhưng chưa biết "bằng cách nào". Chỉ cần để dành plot twist ấn tượng nhất ở cuối phim.

- Gần 10 năm sau “Scandal: Bí mật thảm đỏ”, anh lại làm phim về showbiz. Nhưng showbiz trong mắt anh sau chừng ấy năm có khác?

- Showbiz bây giờ có nhiều lợi thế cho người trẻ muốn dấn thân vào. Nhưng showbiz bao giờ cũng là con dao hai lưỡi, không khó để nổi tiếng nhưng rất khó để vượt qua những cám dỗ và cạm bẫy. Và có bền hay không lại là chuyện khác.

- Trúc Anh mới vào showbiz một năm, mới nổi tiếng từ “Mắt biếc” đã được anh đặt vào những cám dỗ, cạm bẫy trên phim?

- Trúc Anh đã làm được một vai khó là Hà Lan. Nhưng lần này, Trúc Anh cũng phải casting như mọi người. Tôi không quyết liệt chọn Trúc Anh nhưng khi Trúc Anh casting, mọi người bất ngờ vì thấy được sự đột phá. Trúc Anh không còn là Hà Lan nữa.

- Có thể thấy nỗ lực của Trúc Anh trong việc xóa đi hình ảnh Hà Lan nhưng với Mai Ly, nữ diễn viên vẫn chưa thể hiện được diễn biến tâm lý phức tạp của nhân vật?

- Tôi cũng từng chia sẻ là vai của Trúc Anh là một vai nặng ký và là một thử thách lớn, không chỉ cho riêng Trúc Anh mà cho bất cứ diễn viên nào. Có thể nói những phân đoạn khó nhất trong phim thuộc về Trúc Anh. Nhưng, phim mình đang khai thác thế giới của Gen Z. Cách thể hiện phải phù hợp với một sinh viên trẻ, tương đối ngây thơ, với nhiều tham vọng.

Có những đoạn tâm lý phức tạp - nhìn độc lập thì Trúc Anh làm rất tốt. Tuy nhiên sẽ có những đoạn không được hoàn hảo. Tôi nghĩ Trúc Anh đã nỗ lực hết mình, và đủ tỉnh táo để biết những thế mạnh và điểm yếu, để rút kinh nghiệm cho những vai diễn sau.

- Bất ngờ hóa ra lại thuộc về AMEE, một ca sĩ Gen Z và chưa từng có kinh nghiệm đóng phim?

- Lúc casting tôi không biết AMEE là ca sĩ hot của giới trẻ vì tôi không theo dõi nhạc trẻ, tôi cũng già rồi (cười). Nhưng tôi nghĩ AMEE là một bất ngờ cho người xem. Khi AMEE kết hợp với sự mạnh mẽ của Salim đã mang lại màu sắc rất mới.

- Ai có thể được coi là ngôi sao hộ mệnh cho “Thiên thần hộ mệnh”. Là Trúc Anh sau Hà Lan hay AMEE sau những thành công về âm nhạc năm 2020?

- Theo quan điểm của tôi thì Trúc Anh cũng nên quên đi Hà Lan và AMEE đóng phim thì cũng nên quên đi những thành tích ở âm nhạc. Phim này tôi đánh giá cao sự hồn nhiên và tự nhiên của các bạn. Đó cũng là lý do tại sao tôi thích làm việc với diễn viên mới vì các bạn ấy mang lại không khí rất đời, rất tự nhiên.

- Song, có chuyện này có lẽ không nên quên, là gần đây nhiều đạo diễn đồng thuận rằng thị trường điện ảnh Việt đang rất thiếu tài tử và minh tinh trẻ?

- Tôi cũng nghĩ thiếu, không có nghĩa là mình không có diễn viên tài năng nhưng một phần nằm ở khâu đào tạo. Cách đào tạo một diễn viên rất quan trọng, chúng ta đang thiếu những trường lớp thực sự để đào tạo diễn viên điện ảnh. Đào tạo bây giờ đang nghiêng về sân khấu rất nhiều, sân khấu và điện ảnh lại rất khác, phải phân định được điều này.

- Đúng là diễn viên sân khấu nên tập trung vào sân khấu, và điện ảnh nên riêng biệt. Tuy nhiên, sân khấu hiện nay không có khán giả, diễn viên phải đi đóng điện ảnh, truyền hình, game show để có thu nhập nuôi nghề. Trong khi điện ảnh, nếu vắng hẳn các diễn viên sân khấu thì cũng nguy hiểm vì không dễ gì thấy tài năng?

- Ở Hollywood cũng có nhiều diễn viên điện ảnh đi đóng Broadway, sân khấu và ngược lại. Nhưng quan trọng là họ phân biệt được phong cách và kỹ thuật của hai loại hình nghệ thuật, họ làm được điều đó. Vừa diễn kịch vừa đóng phim là chuyện có thể nhưng phải có sự phân biệt, tôi nghĩ là vậy. Nhưng điện ảnh của mình đang bị sân khấu hóa và ranh giới chưa được rõ ràng.

- Từ “Mắt biếc” đến “Thiên thần hộ mệnh”, rõ ràng là anh thích tìm kiếm gương mặt mới vì đơn giản họ là những… “chiếc chiếu mới, chưa từng trải”?

- Họ có sự mộc mạc và đương nhiên với họ mình vừa phải làm đạo diễn, vừa hướng dẫn diễn xuất. Nhưng họ là tờ giấy trắng mình viết vào sẽ dễ hơn. Nhưng tôi không phải thần thánh, nếu không có chút ít năng khiếu và nỗ lực nào thì tôi cũng bó tay.

- Trúc Anh có thể trở thành một nữ ngôi sao điện ảnh trong tương lai không, theo anh?

- Cái đó phụ thuộc vào Trúc Anh rất nhiều và con đường Trúc Anh chọn. Nếu mà Trúc Anh tiếp tục vào những vai thực sự đột phá, không đi theo một lối mòn và làm tốt điều đó, Trúc Anh sẽ thực sự đặc biệt. Trúc Anh có tài, có đam mê. Nhưng không phải ai cũng luôn luôn có những dự án tốt và những kịch bản hay, quan trọng là diễn viên phải luôn luôn muốn học hỏi, luôn luôn muốn thử thách để tiến xa hơn.

- Nhân nói chuyện ngôi sao, theo anh, năm 2021, ngôi sao phòng vé có còn cứu được một bộ phim tệ?

- Tôi tin là một ngôi sao không cứu được một bộ phim tệ, trên thế giới cũng vậy và Việt Nam cũng vậy. Nếu phim dở, ngôi sao không cứu được.

Victor Vu da quen 'Mat biec' anh 3

- Vậy điều gì có thể khiến một bộ phim thắng và thắng lớn?

- Có nhiều yếu tố để một bộ phim thắng lớn doanh thu. Đầu tiên là nội dung, kịch bản. Khai thác đề tài gần gũi, nội dung dễ tạo ra sự đồng cảm ở người xem. Đó cũng là yếu tố cho sự thành công về doanh thu.

Một yếu tố nữa là thời điểm phát hành. Phim hay mà ra sai thời điểm cũng chết, thế nên yếu tố đúng lúc rất đáng được quan tâm.

Thứ ba là tên tuổi của ê-kíp, diễn viên. Ngôi sao không cứu được một bộ phim nhưng nếu phim tốt, yếu tố ngôi sao là điểm cộng.

Nhưng trong ba yếu tố này, nội dung và chất lượng phải chiếm đến 90% thành công. Bởi nếu đáp ứng được hai yếu tố thời điểm và ngôi sao nhưng nội dung không tốt thì phim cũng chết.

Ngoài ra, có một yếu tố, có thể không được xét vào là yếu tố chính nhưng cũng có nhiều tác động đến thành bại của một tác phẩm điện ảnh, đó chính kinh phí đầu tư.

- Nhưng tiền bạc thì không cứu được một bộ phim, bằng chứng là mới đây có phim đầu tư 50 tỷ đồng và bại trận trong gang tấc?

- Đương nhiên là đổ tiền vào phim sẽ không làm phim hay hơn. Nhưng nếu có kịch bản tốt, diễn viên tốt, ê-kíp tốt mà không có tiền cũng khó thể hiện tác phẩm điện ảnh tốt.

Điều gì có thể đẩy kinh phí một phim lên cao, đó chính là thời gian quay. Nhiều phim vì không có kinh phí nên buộc ê-kíp phải quay nhanh, quay gấp, quay cho xong. Nếu có kinh phí, phim có nhiều thời gian quay hơn, đồng nghĩa có điều kiện để làm tốt hơn, chỉn chu hơn. Tiền bạc trong điện ảnh, do đó, vẫn là yếu tố cần phải có.

Quang Đức

Ảnh: Phương Lâm Đồ họa: Như Ý

Bạn có thể quan tâm