Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nét đẹp khi đọc sách

Trong cuốn artbook “Người đọc”, TS Nguyễn Thị Thanh Lưu giới thiệu đến độc giả 37 bức tranh lụa, phần lớn là chân dung người thân và bạn bè quen biết đang trong tâm thế đọc sách.

Xuất thân là tiến sĩ văn học nhưng khi dấn thân sang hội họa, Nguyễn Thị Thanh Lưu đã khắc dấu ấn cá nhân bằng những bức tranh lụa mềm mại mà ở đó, hình tượng trẻ thơ luôn là cảm hứng chủ đạo.

Mới đây, bà hoàn thiện cuốn artbook Người đọc với những bức vẽ về sự an nhiên, điềm tĩnh của người đang đọc sách.

Dự án này được tác giả theo đuổi từ đợt giãn cách xã hội lần thứ nhất năm 2020. Lễ giới thiệu và triển lãm những bức tranh trong sách được tổ chức từ 16/4-22/4 tại Hà Nội, nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ nhất.

Van hoa doc sach anh 1

Cuốn artbook tập hợp 37 bức tranh về hình ảnh con người đang đọc sách của họa sĩ, TS Nguyễn Thị Thanh Lưu. Ảnh: Anh Đức.

Những trạng thái khi đọc

Là người mê sách và có những ấn phẩm đáng chú ý như tự truyện Làm dâu nước Mỹ (2014), truyện thiếu nhi Nhật ký Cà Kiu (2015) và tập thơ Anh chỉ là sực nghĩ của em thôi (2019), TS Nguyễn Thị Thanh Lưu luôn dành sự chú ý của mình đến những người đọc sách.

Trong số 37 bức tranh được đưa vào cuốn artbook này, có thể thấy đối tượng bà hướng tới là mọi độ tuổi, ngành nghề, trạng thái, nhưng phần nhiều vẫn là trẻ em. Ở họ toát ra vẻ đẹp của sự tập trung nhưng rất đỗi thư thái, tĩnh tại dẫu có một mình.

Những con người tuy khác nhau về sắc tộc, giới tính ấy lại giống nhau ở một điểm: Thật đẹp khi đang đọc.

Họ có thể là đang ngồi đọc sách cùng nhau hoặc riêng lẻ, hưởng thụ con chữ bên ánh sáng nhẹ từ cửa sổ. Cũng có thể là ông đang đọc cho cháu, mẹ đang đọc cho các con nghe...

Được thực hiện trong thời điểm giãn cách, dịch bệnh, TS Nguyễn Thị Thanh Lưu chia sẻ: “Giữa những hốt hoảng của ngoại cảnh, tôi chọn nghĩ đến người đọc như một mẫu mực của vẻ đẹp điềm tĩnh. Tôi mê sách nên mê đắm luôn vẻ đẹp của những người đọc. Đi đến bất kỳ đâu, tôi thường để ý hơn cả đến những người đọc”.

Tác giả cho rằng những con người đó đẹp vì đọc sách. Còn bà - người họa sĩ mê sách - trong tâm thế “chiêm bái” họ. Bà tự hỏi liệu có phải trang sách đã hút lấy họ như thể trong đó có một thực tại khác đáng sống hơn bóng nắng ngoài kia và phải chăng “người đọc cũng chỉ là một ai đó yếu đuối trốn đời trong sách vở”?

Đọc để tận hưởng thế giới

Trong cuốn artbook này, tác giả sử dụng chất liệu màu nước trên lụa để phác họa chân dung người thân và bạn bè trong tư thế đọc sách .

Đặc biệt, ở mỗi bức tranh, tác giả đều ghi vào đó một câu nói như lời chiêm nghiệm của bà về ý nghĩa của việc đọc: "Cái chụm đầu bên trang sách và tình yêu giữa hai người đọc sẽ được trang sách lưu lại một cách ý nhị"; "Đọc sách cùng trẻ con, ta sẽ được hưởng thụ ánh sáng hồn nhiên của sự tiếp nhận. Chỉ bọn trẻ mới có thể đưa ta về tới cấp độ tiếp nhận hoàn hảo đó"; hay "Khi đôi mắt tôi thuộc vào trang sách, thế giới bất an và xáo động này bình yên trong giây lát"...

Khi đâu đó ngoài kia còn nhiều lo toan, vất vả, không ít người hoang mang, mất niềm tin, thì những bức tranh lụa ấy khắc họa hình ảnh con người đẹp một cách êm đềm và đang bình yên bên trang sách như một lời khẳng định tình yêu và tri thức luôn song hành trong cuộc sống.

Không chỉ đẹp khi đang đọc sách, những nhân vật trong tác phẩm còn có điểm chung là ít để ý đến xung quanh, thu khép mình lại một cách tự nhiên để toàn tâm, toàn ý với con chữ. Bởi đọc là một cách đào sâu để đeo đuổi việc giải nghĩa bản thân giữa thế giới này.

Theo tác giả, người đọc chính là những người biết tận hưởng thế giới ở nhiều góc cạnh và chiều kích hơn cả, vì đôi mắt của họ đã được “cấp thêm lớp kính vạn hoa qua bao nhiêu cuốn sách”.

Ở cùng một thực tại, người đọc sách nhiều hơn sẽ nhìn thấy nhiều tầng lớp ngữ nghĩa hơn. Chẳng hạn, cũng một buổi chiều tà ráng đỏ, nhưng trong mắt người đọc, nó là sự tích đọng của nhiều tầng cảm giác về màu sắc từ những buổi chiều tà mà họ đã trải nghiệm trong trang sách.

“Chính bởi vậy mà tôi tin rằng người đọc sẽ ít khi bỏ qua những điều đẹp đẽ, giản dị trong đời. Năng lực thấu cảm qua từng trang sách giúp họ nhìn mọi thứ rành rọt và đa sắc hơn. Cuộc đời có lẽ nhờ đó mà an nhiên, tươi đẹp hơn từ góc độ từng cá nhân”, TS Nguyễn Thị Thanh Lưu lý giải.

Chọn hình thức họa lại chân dung những người đang đọc chính là cách tác giả bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với những người đang tìm kiếm tri thức và bình yên bên trang sách. Mỗi bức tranh là một sự ngưng đọng của thời gian ở khoảnh khắc đẹp, lắng trọng trong ngày và cũng là câu chuyện người họa sĩ “tự đoán già đoán non bằng cọ và màu”.

‘Truyện Kiều’ qua góc nhìn của họa sĩ Lê Thiết Cương

Họa sĩ Lê Thiết Cương vẽ 24 bức tranh lấy cảm hứng từ "Truyện Kiều", thể hiện góc nhìn mới về tác phẩm của đại thi hào Nguyễn Du.

Hiểu về tranh Tết qua những cuốn sách

Các cuốn sách như “Tranh Tết nét tinh hoa truyền thống Việt”, “Dòng tranh dân gian Việt Nam”, “Tranh dân gian Hàng Trống" giúp bạn đọc hiểu sâu về dòng tranh dân gian.

Thu Huệ

Bạn có thể quan tâm