Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lưu giữ các dòng tranh dân gian Huế

Sau những cuốn sách về tranh Kim Hoàng, Đông Hồ, Hàng Trống, tác giả Nguyễn Thị Thu Hòa tiếp tục cho ra mắt công trình “Tranh dân gian Huế”.

Tác giả Nguyễn Thị Thu Hòa vốn là nhà sưu tầm gốm sứ. Yêu thích tranh dân gian, bà đã tìm hiểu và thực hiện sách về các dòng tranh đang ngày một ít hiện diện trong đời sống người Việt.

Năm 2020, hai cuốn sách mà bà tham gia thực hiện đã được vinh danh tại Giải thưởng Sách Quốc gia: Dòng tranh dân gian Đông Hồ, Dòng tranh dân gian Kim Hoàng.

Tranh dan gian Hue anh 1

Sách bìa cứng Tranh dân gian Huế. Ảnh: Tuấn Bình.

Tiếp nối những công trình ý nghĩa đó, sách Tranh dân gian Huế mới được phát hành, do Nhà xuất bản Thế giới và Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội thực hiện. Bên cạnh bản phổ thông, lần ra mắt này có 100 ấn bản bìa cứng, tặng kèm tranh dân gian Huế. 50 hộp sách sơn mài được làm thủ công dành cho người sưu tầm, yêu sách đẹp.

Khi nhắc tới tranh dân gian Huế, nhiều người biết tới tranh làng Sình. Nhưng mảnh đất cố đô còn nhiều dòng tranh khác, thể hiện sự giàu có của văn hóa dân gian nơi đây.

Quá trình tìm hiểu tư liệu, khảo sát thực địa ở Thừa Thiên Huế, tác giả đã cho thấy vẻ đẹp, kỹ thuật làm và giá trị của tranh dân gian làng Sình, tranh dân gian vẽ tay, tranh gương kính, tranh thêu, tranh dân gian làng Chuồn, bích họa…

Làm nên vẻ đẹp và lưu giữ các dòng tranh ấy là những nghệ nhân thầm lặng, bền bỉ nối nghề. Họ có những đóng góp để nghề làm tranh dân gian không bị đứt gãy trong thời đại kỹ thuật số phát triển.

Quá trình nghiên cứu thực hiện sách, tác giả và cộng sự đã tiếp cận các nghệ nhân, ghi chép tư liệu, chụp ảnh, quay video, cố gắng lưu giữ tư liệu nhiều nhất có thể. Các nghệ nhân có công lao, đóng góp làm phong phú dòng tranh dân gian Huế.

Tranh dan gian Hue anh 2

Tác giả Nguyễn Thị Thu Hòa (giữa) cùng lãnh đạo Nhà xuất bản Thế Giới tại lễ trao Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ ba. Ảnh: Quỳnh Trang.

Ngày nay, nhiều dòng tranh dân gian đang mất dần thị trường, không có người nối nghiệp, giới trẻ không mặn mà với tranh. Những cuốn sách như Tranh dân gian Huế là ấn phẩm góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa dân gian Việt.

Trong một lần trả lời phỏng vấn Zing, tác giả Nguyễn Thị Thu Hòa chia sẻ bà thực hiện các cuốn sách với mục đích “Đưa tranh dân gian về đúng giá trị mà nó vốn có, để mọi người hiểu, gìn giữ, giúp tranh dân gian có thể tồn tại và phát triển tốt hơn”.

Quá trình nghiên cứu về dòng tranh dân gian Việt Nam, hai nhà nghiên cứu người Pháp đã truyền cảm hứng cho bà Hòa và cộng sự là Maurice Durand và Henri Oger.

“Các ông là người nước ngoài, kỳ công nghiên cứu di sản quý báu của Việt Nam, thì tại sao chúng ta lại không làm được?”, tác giả chia sẻ.

Theo tác giả Nguyễn Thị Thu Hòa, nét đặc sắc trong các dòng tranh dân gian Việt Nam chính là tính dân tộc và tính lịch sử. Thông qua cách làm, cách vẽ, màu sắc, nội dung tranh, người xem có thể thấy được tín ngưỡng, phong tục tập quán của người dân Việt Nam vào những thời điểm lịch sử nhất định.

Mỗi bức tranh dân gian có giá vài chục nghìn đồng nhưng chứa đựng một phần văn hóa dân tộc. Nó cũng chứa đựng bao vất vả của nghệ nhân trong quá khứ và hiện tại.

Bà Hòa chia sẻ mong muốn thông qua những cuốn sách, độc giả biết nhiều hơn về tranh dân gian Việt Nam, yêu thích và mua tranh của các làng nghề để góp phần giữ hồn dân tộc qua tranh.

Truyền thống và hiện đại trong tranh dân gian Hàng Trống

Qua thời gian, dòng tranh dân gian Hàng Trống vẫn lưu giữ được yếu tố truyền thống, đồng thời có những ứng dụng phù hợp thời đại ngày nay.

Lưu giữ hồn dân tộc qua sách tranh dân gian

Việc ra mắt những tác phẩm nghiên cứu về dòng tranh dân gian Kim Hoàng, Đông Hồ góp phần lưu giữ di sản văn hóa dân tộc qua tranh, cũng như phục hồi nghề tranh.

Đỗ Thu

Bạn có thể quan tâm