Trong gần ba mươi năm làm phóng viên kinh tế, tôi đã học được một nguyên tắc điều tra: lần theo dòng tiền. Ngày nay, Big Tech có nhiều tiền hơn bất kỳ ngành nào khác. Và mặc dù thiết kế sản phẩm tỉ mỉ, chiến lược quảng bá tích cực và quy mô kinh tế đại trà chắc chắn là những nhân tố chính tạo nên khối tài sản khổng lồ của Thung lũng Silicon, nhưng sự giàu có của họ cũng đồng thời là kết quả của một sự chuyển dịch kinh tế cơ bản hơn: từ một nền kinh tế dựa trên công cụ (và dịch vụ cung cấp công cụ) sang nền kinh tế dựa trên bit và byte.
Big Tech đang định nghĩa lại điều gì là quan trọng và đáng giá trong nền kinh tế của chúng ta; và với các công ty này thì không có gì giá trị hơn dữ liệu cá nhân của chúng ta, những thông tin được thu thập một cách bí mật từ hầu như mọi ký tự chúng ta gõ ra trên không gian mạng, cũng như từ những động tác và sự dịch chuyển mà chúng ta thực hiện ngày càng nhiều trong thế giới thực. (Nếu bạn có một chiếc điện thoại Android, nó biết bạn đang ở đâu ngay lúc này; nếu các sản phẩm gia dụng của bạn có cảm biến, chúng cũng có thể theo dõi mọi thứ).
Trên thực tế, khi các tập đoàn công nghệ hùng mạnh làm cho chúng ta gắn chặt với các thiết bị của mình, điều họ thật sự muốn không phải là theo dõi tâm trí của chúng ta, mà là thu thập những dữ liệu tạo nên hồ sơ người tiêu dùng của ta: tuổi tác, vị trí, tình trạng hôn nhân, sở thích, xuất thân, học vấn, khuynh hướng chính trị, lịch sử mua hàng, và còn nhiều nữa. Sau đó, dữ liệu sẽ được bán cho bên thứ ba là các công ty tiếp thị, những đơn vị có thể sẽ tiếp tục bán dữ liệu cho bất kỳ bên nào khác muốn tiếp cận chúng ta, từ các nhà bán lẻ đến những kẻ muốn thao túng kết quả bầu cử.
Tiếp đến, những dữ liệu này có thể được sử dụng cho các quảng cáo siêu mục tiêu (hyper-targeted ads), hoặc sẽ được tổng hợp để cho ra những dự báo siêu chi tiết về nhiều xu hướng xã hội và thương mại cực kỳ giá trị đối với người sở hữu dữ liệu.
Dữ liệu chính là “dầu mỏ” của thời đại thông tin, là “nhiên liệu” thúc đẩy sự phát triển của những công ty có thể vận hành bằng dữ liệu - trong bối cảnh hiện tại là hầu hết mọi công ty trong hầu hết mọi ngành. Và đây là một điểm rất quan trọng, vì dù những vấn đề tôi nêu ra trong quyển sách này (chẳng hạn như mất quyền riêng tư, sức mạnh độc quyền của các tập đoàn, sự suy thoái của nền dân chủ tự do...) thường được minh họa rõ nhất bởi các ví dụ về nhóm FAANG (là Facebook, Apple, Amazon và Netflix, Google), nhưng chắc chắn mọi chuyện không chỉ dừng ở đó.
Người ta nói khi tạo hồ sơ nghiên cứu cử tri, công ty tư vấn chính trị Cambridge Analytica của Anh được Trump sử dụng trong chiến dịch tranh cử năm 2016 đã dùng không chỉ những thông tin từ Facebook mà còn từ hàng chục nguồn khác, bao gồm cả các tổ chức giáo dục và nhóm nhà thờ.
Dữ liệu người dùng đang là ‘dầu mỏ’ của Big Tech. Nguồn: cnn. |
Trên thực tế, bạn có thể lập luận rằng các công ty công nghệ đơn giản là “những chú chim hoàng yến trong mỏ than”, dấu hiệu cảnh báo sớm cho những gì cuối cùng sẽ là một sự thay đổi lớn hơn nhiều nhằm xây dựng một hệ thống tư bản giám sát, trong đó các doanh nghiệp và tổ chức thuộc mọi lĩnh vực đều sẽ tham gia.
Giống như những doanh nghiệp biết cách sử dụng thiết bị cơ giới hóa đã phát triển vượt bậc trong thời đại công nghiệp, những công ty có khả năng tận dụng dữ liệu cũng sẽ đạt được những thành công tương tự trong thời đại của chúng ta. Google và Facebook đã tìm ra cách khai thác dữ liệu và làm cho các quảng cáo nhắm mục tiêu của họ có độ chính xác không kém gì một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ nhắm vào một chỉ huy của tổ chức khủng bố ISIS, người vừa bước ra khỏi một boong-ke ở đâu đó trong lãnh thổ Syria vào lúc 3:13 chiều để hút một điếu thuốc.
Trước nay, dữ liệu người dùng chủ yếu được thu thập thông qua máy tính và thiết bị di động. Tuy nhiên, với sự xuất hiện ngày càng nhiều của các trợ lý ảo như Alexa của Amazon, Home Mini của Google và Siri của Apple - những sản phẩm hiện đã có mặt ở một phần ba số hộ gia đình ở Mỹ, với mức tăng trưởng doanh thu lên đến ba con số một năm - tiếng nói của con người đã trở thành một loại vàng mới.
Mặc dù vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều về việc Alexa và Siri đang “nghe lỏm” các cuộc trò chuyện cũng như các cuộc gọi điện thoại của chúng ta, nhưng không có gì phải tranh cãi về việc chúng có thể nghe mọi thứ ta nói (và trong tích tắc, những gì chúng ta nói ra đã có thể được sử dụng để định hướng quyết định mua hàng của ta). Không bao lâu nữa, chúng ta cũng sẽ thấy được các tác động về mặt chính trị. Một số nhà nghiên cứu lo ngại rằng các trợ lý kỹ thuật số sẽ trở thành công cụ thao túng bầu cử mạnh hơn cả mạng xã hội.