Đội bóng Đồng Nai từng được đánh giá là "chơi đẹp" với cầu thủ. |
Việc 6 cầu thủ của đội Đồng Nai dính vào nghi án bán độ khiến người hâm mộ thể thao Việt Nam nói chung và trái bóng tròn nói riêng một lần nữa choáng váng.
Ngoài việc bị sốc vì có đến 6 cầu thủ trong một đội tham gia bán độ, người hâm mộ còn bất ngờ bởi số cầu thủ này không hề bị gặp vấn đề về thu nhập. Lương cao, đời sống được chăm lo, được tung hô, tương lai rộng mở, càng khiến người yêu thể thao đau đáu câu hỏi: Tại sao họ lại bán độ?
Theo bạn đọc tên Điệp, những gì cầu thủ Văn Quyến phải nhận cho việc bán độ là tấm gương tốt nhất cho các cầu thủ trẻ. Anh phân tích: "Dù được ưu ái nhắc đến hay được trở lại sân cỏ, nhưng Văn Quyến gần như không nhận được lòng tin của đồng đội và người hâm mộ. Thậm chí nếu có bất kỳ yếu tố bất thường trong trận đấu, người ta ngay lập tức nghĩ đến việc đó, dù anh không làm gì".
Với con số gần 700 triệu/năm, một bạn đọc cho rằng thu nhập của các cầu thủ này thậm chí còn cao hơn bác sĩ, tiến sĩ hay giáo sư của Việt Nam. "Thu nhập tốt như vậy, tại sao họ không chăm chỉ luyện tập, nâng cao nghiệp vụ, mang lại vẻ vang cho bóng đá trong nước mà còn bán độ để ảnh hưởng không chỉ đến nền bóng đá Việt Nam, mà còn cả tương lai, sự nghiệp của họ", đây là câu hỏi của không ít người quan tâm tới thể thao nước nhà.
Việc cầu thủ Việt Nam bán độ gần đây bị "khui" ra nhiều hơn, khiến không ít người cảm thấy giờ đây chuyện đó đã quá quen, không còn cảm giác giận dữ hay thất vọng. Họ cho rằng đó là kết quả của trình độ nhận thức yếu kém, xuất phát từ việc các cầu thủ hầu như bỏ con đường học tập để thi đấu chuyên nghiệp từ sớm.
“Ngày trước đọc tin cầu thủ Việt Nam bán độ buồn lắm. Giờ thì bình thường và hết buồn rồi. Nhờ các cầu thủ bán độ sau thời Văn Quyến, Quốc Vượng... nên nay mình vững vàng về tâm lý hơn hẳn. Cảm ơn các bạn cầu thủ trẻ”, bạn Phong Anh mỉa mai.
Lý giải nguyên nhân này, bạn đọc Phong Anh cho rằng do pháp luật Việt Nam quá nhân từ. "Các án phạt như cho họ cơ hội, cấm vài trận đấu, phạt tiền... chỉ khiến họ càng lộng hành", anh nói thêm.
Để răn đe các cầu thủ, nhiều độc giả mạnh dạn đề xuất mức án tù 20 năm, hoặc treo giò vĩnh viễn để không còn trường hợp nào tái diễn. Có bạn nhấn mạnh: "Thà không có cầu thủ giỏi, không có bóng đá để xem chứ còn vừa xem vừa nghi ngờ càng thêm bực". Thậm chí, trong luồng dư luận còn xuất hiện ý kiến nên đóng cửa V.League trong 2-3 năm, để Liên đoàn bóng đá Việt Nam và các câu lạc bộ cải cách, dạy đạo đức cho các cầu thủ.
Bên cạnh đó, một vài người hâm mộ thể hiện sự điềm tĩnh hơn khi nhìn nhận vấn đề. Họ phân tích, cách tốt nhất để hạn chế những vụ việc tương tự trong tương lai là nên giáo dục đạo đức cho các cầu thủ ngay trước khi lên chuyên nghiệp. Không chỉ giáo dục trước khi lên chuyên nghiệp, mà sau đó, trong suốt thời gian làm cầu thủ, các huấn luyện viên cần tiếp tục hướng dẫn hay phân tích các tấm gương không tốt cùng hậu quả có thể xảy ra.