Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến cho biết C45 quyết định khởi tố nhóm cầu thủ Đồng Nai theo tội danh nhận hối lộ. |
Trong buổi họp báo tại trụ sở Cục cảnh sát hình sự (C45) diễn ra chiều ngày 21/7, thiếu tướng Cục trưởng Hồ Sỹ Tiến đã cho biết, nhóm cầu thủ tham gia dàn xếp tỷ số của Đồng Nai sẽ bị khởi tố với tội danh nhận hối lộ chứ không phải tội danh đánh bạc như các cầu thủ Ninh Bình.
Ông Tiến lý giải về quyết định khởi tố vụ án này: “Nếu các cầu thủ Ninh Bình bị khởi tố vì tội đánh bạc thông qua dàn xếp tỷ số thì vụ việc của các cầu thủ Đồng Nai mang tính chất khác. Cầu thủ Phạm Hữu Phát đã nhận độ của đối tượng Nguyễn Phúc Thuận, sau đó Thuận bán lại (bán tỷ số với cách biệt 2 bàn) cho đối tượng Trần Văn Ba.
Các cầu thủ khác của Đồng Nai đã bị Phạm Hữu Phát lôi kéo để đồng ý bán độ. Về mặt luật pháp, chúng ta có thể hiểu các đối tượng đã nhận hối lộ (50 triệu, 30 triệu đồng, tùy theo vị trí của mỗi cầu thủ và sự thỏa thuận) để tự mình thực hiện hành vi bán tỷ số”.
Luật sư Phạm Huỳnh cho rằng cơ quan điều tra có đủ chứng cứ và tình tiết để khởi tố bị can theo tội danh nhận hối lộ. |
Trao đổi cùng Zing.vn, luật sư Phạm Huỳnh (Văn phòng luật sư Tâm Đức) chia sẻ quan điểm của ông về vụ việc: “Trước hết, cần phải khẳng định rằng việc cơ quan điều tra tiến hành khởi tố các cầu thủ Đồng Nai theo tội danh nào xuất phát từ những chứng cứ, tình tiết thu được trong quá trình phá án. Chắc chắn, khi tiến hành khởi tố các cầu thủ Đồng Nai với tội danh nhận hối lộ, C45 đã nắm trong tay đầy đủ cơ sở pháp lý. Cá nhân tôi cho rằng còn có những tình tiết chúng ta cũng chưa thể biết hết, những đối tượng sắp được mang ra ánh sáng... do vụ án vẫn đang trong quá trình điều tra mở rộng”.
Luật sư Phạm Huỳnh tiếp tục phân tích: “Căn cứ theo những tình tiết đã được cơ quan điều tra cung cấp, nếu nhìn bề ngoài có thể sẽ không thấy sự khác biệt nhiều lắm giữa hành vi dàn xếp tỷ số của các cầu thủ Đồng Nai so với các cầu thủ Ninh Bình.
Song nếu phân tích rạch ròi về mặt pháp lý, theo tôi hiểu thì các cầu thủ Đồng Nai không tổ chức đánh bạc, đấy là hành vi của nhóm 4 đối tượng bên ngoài đội bóng đã bị cơ quan điều tra bắt giữ. Hành vi của các cầu thủ Đồng Nai là đã nhận hối lộ để làm sai lệch kết quả trận đấu theo yêu cầu về lợi ích của người đưa hối lộ. Trong đó, vai trò của cầu thủ Phạm Hữu Phát với tư cách đội trưởng đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để nhận tiền và tổ chức thực hiện hành vi phạm tội”.
Nếu bị kết án theo tội danh nhận hối lộ, các cầu thủ Đồng Nai sẽ đối diện án phạt nặng. |
Nếu bị kết án theo điều 279 (Tội nhận hối lộ) của Bộ luật Hình sự, các cầu thủ Đồng Nai sẽ đối diện với án phạt rất nặng. Khung hình phạt thấp nhất của tội danh này là 2 đến 7 năm tù, còn khung cao nhất là chung thân, thậm chí tử hình. Trong khi theo điều 248 Bộ luật Hình sự, tội danh đánh bạc có khung hình phạt từ 2 đến 7 năm tù. Còn theo điều 249, tội danh tổ chức đánh bạc có khung hình phạt từ 3 đến 10 năm tù. Trước đó, cầu thủ bị phạt nặng nhất trong vụ đánh bạc và tổ chức đánh bạc của các tuyển thủ U23 quốc gia năm 2005 là Lê Quốc Vượng bị 4 năm tù giam.
Điều 279. Tội nhận hối lộ 1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn, trực tiếp hoặc qua trung gian đã nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới mười triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: A) Gây hậu quả nghiêm trọng; B) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm; C) Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục A Chương này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: A) Có tổ chức; B) Lạm dụng chức vụ, quyền hạn; C) Phạm tội nhiều lần; D) Biết rõ của hối lộ là tài sản của Nhà nước; Đ) Đòi hối lộ, sách nhiễu hoặc dùng thủ đoạn xảo quyệt; E) Của hối lộ có giá trị từ mười triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng; G) Gây hậu quả nghiêm trọng khác. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười lăm năm đến hai mươi năm: A) Của hối lộ có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng; B) Gây hậu quả rất nghiêm trọng khác. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình: A) Của hối lộ có giá trị từ ba trăm triệu đồng trở lên; B) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác. 5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm, có thể bị phạt tiền từ một lần đến năm lần giá trị của hối lộ, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. |