Theo Robert Schrire - giáo sư chính trị học tại ĐH Cape Town, chỉ có Mandela mới có thể tổ chức lại chính sách kinh tế của đảng ANC, giúp kinh tế Nam Phi chuyển biến từ hướng quốc hữu hóa trong đầu những năm 1950 sang mở rộng cửa với kinh tế thế giới trong những năm 1990. Mandela đã nhận ra rằng để đất nước thịnh vượng và phục vụ lợi ích của dân nghèo, những người giàu phải cảm thấy được họ có tương lai ở đất nước này.
Nói không với quốc hữu hóa
Dòng vốn nước ngoài ồ ạt chảy vào đã giúp nền kinh tế Nam Phi tăng trưởng mạnh mẽ trong 15 năm liên tiếp, cho tới quý 3/2008, khi khủng hoảng tài chính toàn cầu khiến nước này rơi vào suy thoái. Tăng trưởng kinh tế và nguồn thu thuế tăng lên giúp chính phủ mở rộng phúc lợi xã hội. Hơn 85% dân số được dùng điện, tăng gần gấp đôi so với mức 45% của năm 1996.
Thay vì quốc hữu hóa các công ty, Mandela chủ trương thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Sự thay đổi trong đường lối chính sách đã tạo tiền đề cho tập đoàn LNM của tỷ phú Lakshmi Mittal mua lại nhà máy thép lớn nhất của châu Phi năm 2004. Ngân hàng Barclays cũng giành quyền kiểm soát ngân hàng tiêu dùng lớn nhất Nam Phi vào năm 2005. Năm 2011, Wal-Mart Stores Inc. mua lượng lớn cổ đông của nhà bán buôn lớn nhất Nam Phi.
Khôi phục lại niềm tin vào nền kinh tế Nam Phi trong năm 1994 là thành tựu lớn mà Mandela đã đạt được. Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc (Apartheid) biến Nam Phi thành một “đất nước bị xã hội bỏ rơi”, chịu trừng phạt và tẩy chay của cộng đồng quốc tế. Dòng vốn ngoại bị “chảy máu”, lượng dự trữ ngoại hối chỉ bằng 10 ngày nhập khẩu. Thâm hụt ngân sách lên tới 9,1% GDP.
Mandela mời Chris Liebenberg - người lúc đó vừa nghỉ hưu ở vị trí CEO của Nedbank Group Ltd. (ngân hàng lớn thứ 4 Nam Phi) - về làm Bộ trưởng Tài chính. Chris Liebenberg chấp nhận lời mời với điều kiện Nam Phi phải có một nền kinh tế thị trường và thực hiện nghiêm túc kỷ luật ngân sách.
“Đó là những thời khắc rất khó khăn”, Liebenberg nhớ lại. “Chúng tôi đang đứng bên bờ phá sản. Mandela rất lưu tâm rằng ANC chưa từng lãnh đạo chính phủ và đó là một điểm yếu khi quản lý nền kinh tế. Ông tìm đến tôi bởi tôi là một giám đốc ngân hàng với nhiều kinh nghiệm với quốc tế”.
Cựu Tổng thống Mandela phát biểu trên sàn chứng khoán Johannesburg năm 1994. |
Liebenberg đã tăng thuế, cân bằng lại hệ thống thuế để đảm bảo bình đẳng chủng tộc và cắt giảm ngân sách cho quốc phòng. Năm 1994, các biện pháp này giúp chính phủ huy động được 750 triệu USD trong đợt bán trái phiếu trên thị trường quốc tế lần đầu tiên kể từ sau chế độ Apartheid. Đến năm 1999, thâm hụt ngân sách chỉ còn 2,3% GDP.
Mandela cũng thuyết phục Chris Stals, Thống đốc NHTW, hoãn nghỉ hưu thêm 5 năm nữa để giúp điều hành công cuộc chuyển giao của nền kinh tế.
Mandela thuyết phục các công ty nước ngoài rằng khoản đầu tư của họ là an toàn. Ông cũng nói chuyện với cựu Thủ tướng Trung Quốc Lý Bằng - người đã nói với ông rằng quốc hữu hóa khó có thể đứng vững và Trung Quốc đang xem xét bán các công ty nhà nước.
Mandela đã giúp thành lập những tham biến chủ chốt của chính sách kinh tế. Abedian -hiện là CEO của công ty tư vấn Pan-African Capital Holdings - đã bị ấn tượng mạnh bởi sự sát sao của “luật sư” Mandela đối với quá trình hoạch định chính sách kinh tế.
“Ông ấy xem xét kỹ lưỡng từng chữ trong mọi tài liệu. Mandela hiểu sâu sắc từng bước đi”, Abedian nói.
Năm 1996, Trevor Manuel được bổ nhiệm vào vị trí Bộ trưởng Tài chính và đồng rand giảm 8,8% trong 1 tháng. Mandela gọi điện cho ông 2-3 lần/ngày để cập nhật thông tin thị trường. Ông thích thảo luận về các vấn đề thuộc chính sách tiền tệ.
Vẫn còn những bất ổn
Dẫu vậy, sự ổn định của nền kinh tế Nam Phi đã bắt đầu lung lay khi không thể giải quyết nạn thất nghiệp và tình trạng chênh lệch giàu nghèo. Tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức 24,7%, trong khi thu nhập trung bình của người da đen chỉ bằng 1/6 so với người da trắng.
Năm ngoái, đoàn thanh niên của ANC đã tổ chức chiến dịch yêu cầu quốc hữu hóa các ngân hàng và hầm mỏ. Các cộng đồng người nghèo cũng thực hiện nhiều cuộc biểu tình phản đối tình trạng thiếu nhà ở và các dịch vụ cơ bản.
Kể từ đầu năm đến nay, đồng rand đã giảm 19% so với USD - trở thành đồng tiền có diễn biến tệ nhất trong 16 đồng tiền chủ chốt được Bloomberg theo dõi.
Sự ổn định mà Mandela mang lại cũng không thể khiến Nam Phi trở thành nền kinh tế bùng nổ so với Trung Quốc và Ấn Độ. Tốc độ tăng trưởng trung bình kể từ năm 2004 đến nay là 3,5%, thấp hơn nhiều so với con số 10,5% và 7,7% của Trung Quốc và Ấn Độ.
Hệ số Gini đo chênh lệch giàu nghèo cũng tăng từ 0,59 trong năm 1993 lên 0,63 điểm trong năm 2009. Nam Phi là một trong những nước có bất bình đẳng thu nhập lớn nhất thế giới. Nghèo đói vẫn bao trùm người da đen - bộ phận chiếm 79% dân số.