Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

NATO vô tình để lộ 6 địa điểm bí mật chứa vũ khí hạt nhân Mỹ ở châu Âu

Sáu căn cứ châu Âu cất giữ bom hạt nhân đã vô tình bị lộ trong báo cáo của NATO, xác nhận bí mật được biết từ lâu về kho vũ khí hạt nhân của Mỹ từ thời Chiến tranh Lạnh.

Một tài liệu được phát hành gần đây bởi một cơ quan có liên quan đến Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã xác nhận bí mật được biết đến từ lâu: vũ khí hạt nhân của Mỹ đang được lưu giữ ở Bỉ, Đức, Italy, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ.

Một phiên bản của tài liệu có tựa đề "Kỷ nguyên mới cho răn đe hạt nhân? Hiện đại hóa, kiểm soát vũ khí và lực lượng hạt nhân đồng minh" đã được xuất bản vào tháng 4.

Được viết bởi một thượng nghị sĩ Canada cho Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Hội đồng Nghị viện NATO, báo cáo đánh giá tương lai chính sách răn đe hạt nhân của tổ chức này.

Nhưng những gì gây chú ý nhiều tháng sau đó là tài liệu tiết lộ vị trí của khoảng 150 vũ khí hạt nhân của Mỹ đang được lưu trữ ở châu Âu.

Bí mật che giấu vụng về

Theo bản sao của tài liệu được tờ De Morgen của Bỉ xuất bản hôm 16/7, phần về kho vũ khí hạt nhân có ghi: Những quả bom này được cất giữ tại sáu căn cứ của Mỹ và châu Âu - Kleine Brogel ở Bỉ, Buchel ở Đức, Aviano và Ghedi-Torre ở Italy, Volkel ở Hà Lan và Incirlik ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Tài liệu không nêu bất kỳ nguồn nào cho những thông tin này. Tuần trước, phiên bản cuối cùng của báo cáo đã được xuất bản trực tuyến, bỏ phần tài liệu tham khảo cụ thể về nơi cất giữ bom. Thay vào đó, báo cáo đề cập mơ hồ đến máy bay có thể mang vũ khí hạt nhân.

dia diem giau vu khi hat nhan cua My anh 1
Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tại Phòng Bầu dục vào ngày 2/4. Ảnh: Reuters.

Thượng nghị sĩ Joseph Day, tác giả của báo cáo, viết trong một email rằng phiên bản đầu tiên của báo cáo chỉ là bản nháp và những thay đổi có thể được thực hiện cho đến khi báo cáo được Hội đồng Nghị viện NATO thông qua vào tháng 11.

"Tất cả thông tin được sử dụng trong báo cáo này là tài liệu nguồn mở", Washington Post dẫn lời ông Joseph Day.

Theo quy định, cả Mỹ và các đối tác châu Âu đều không thảo luận về vị trí của vũ khí hạt nhân của Washington trên cựu lục địa. "Chúng tôi không bình luận về các chi tiết của tình trạng hạt nhân của NATO", một quan chức NATO nói.

"Đây không phải là tài liệu chính thức của NATO", quan chức này nói thêm, lưu ý rằng nó được viết bởi các thành viên của Hội đồng Nghị viện NATO.

Tuy nhiên, một số hãng tin châu Âu đã xem báo cáo là xác nhận cho bí mật mở. "Cuối cùng đã rõ trắng đen: Có vũ khí hạt nhân của Mỹ ở Bỉ", De Morgen đưa tin.

"NATO tiết lộ bí mật được giấu kém nhất của Hà Lan", đài truyền hình RTL News của Hà Lan cho biết.

Lo ngại về kho vũ khí hạt nhân

"Sự hiện diện của vũ khí hạt nhân Mỹ ở châu Âu thực sự là không có gì bất ngờ", Kingston Reif, Giám đốc giải trừ vũ khí và chính sách giảm thiểu mối đe dọa tại Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí, cho biết.

"Đây là điều mọi người đã biết từ lâu", ông nói.

Trước đây đã có một số dấu hiệu rõ ràng về sự hiện diện của vũ khí hạt nhân Mỹ. Điện tín ngoại giao từ một đại sứ Mỹ tại Đức cho biết có những lo ngại về việc vũ khí có thể được giữ trong bao lâu ở các nước này.

"Việc rút vũ khí hạt nhân khỏi Đức và có lẽ từ Bỉ và Hà Lan có thể khiến Thổ Nhĩ Kỳ gặp khó khăn về mặt chính trị trong việc duy trì kho dự trữ của riêng mình", báo cáo do Đại sứ Mỹ lúc đó là Philip Murphy viết vào tháng 11/2009 nhận định.

dia diem giau vu khi hat nhan cua My anh 2
Căn cứ không quân Incirlik, miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ, nơi lưu trữ vũ khí hạt nhân của Mỹ. Ảnh: AFP.

Sự hiện diện của các vũ khí bắt nguồn từ một thỏa thuận đạt được vào những năm 1960 và theo nhiều cách là một di sản của thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Nó được thiết kế không chỉ để răn đe Liên Xô với kho vũ khí hạt nhân mà còn thuyết phục các nước rằng họ không cần chương trình vũ khí hạt nhân của riêng mình.

Nhưng thời thế đã thay đổi. Năm 2016, sau một nỗ lực đảo chính và sự lây lan nhanh chóng của nhóm cực đoan Nhà nước Hồi giáo ở ngay sát vách, các nhà phân tích nghi ngờ liệu Thổ Nhĩ Kỳ có thực sự là một nơi tốt để lưu trữ vũ khí hạt nhân hay không.

Trong khi đó, gần căn cứ không quân Buchel của Đức, thất bại của hiệp ước kiểm soát vũ khí với Nga khiến người ta lo ngại về một cuộc chạy đua vũ trang mới.

"Nhiệm vụ quân sự ban đầu được dự định cho các vũ khí này là ngăn chặn một cuộc tấn công của Liên Xô vào Tây Âu vì lực lượng chung theo thỏa thuận của Mỹ và NATO đã không còn tồn tại", ông Reif nói.

Nhận S-400 từ Nga, Thổ Nhĩ Kỳ có thể vụt mất F-35 của Mỹ

Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng không Nga, Mỹ đang tính các bước trả đũa như trừng phạt kinh tế và loại Ankara khỏi chương trình sản xuất máy bay F-35.

Thổ Nhĩ Kỳ nhận lô tên lửa S-400 đầu tiên từ Nga

Bất chấp áp lực từ Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu tiếp nhận các thành phần của hệ thống phòng không tối tân S-400 được chuyển đến từ Nga bằng đường hàng không.


Tuyết Mai

Theo Washington Post

Bạn có thể quan tâm