Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhận S-400 từ Nga, Thổ Nhĩ Kỳ có thể vụt mất F-35 của Mỹ

Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng không Nga, Mỹ đang tính các bước trả đũa như trừng phạt kinh tế và loại Ankara khỏi chương trình sản xuất máy bay F-35.

Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố ngày 12/7 rằng nước này đã nhận được hệ thống phòng không S-400 đầu tiên từ Nga. Dù luôn đe dọa sẽ trả đũa, chính quyền Mỹ không lên tiếng sau đó, và một buổi họp báo dự kiến bình luận về thương vụ đã bị hoãn “vô thời hạn”. Lầu Năm Góc từ chối bình luận thêm về cuộc điện đàm giữa bộ trưởng quốc phòng hai nước, theo AP.

Nhưng các nghị sĩ Mỹ không giấu giếm sự phẫn nộ.

“Một đồng minh NATO (Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương) lại ngả về phía Nga và Vladimir Putin, hơn là hợp tác với Mỹ và liên minh, là điều khó tưởng tượng”, thông cáo chung của một nghị sĩ Dân chủ và một nghị sĩ Cộng hòa trong Ủy ban Đối ngoại Hạ viện viết.

Tho Nhi Ky mua vu khi Nga anh 1
Hệ thống S-400 được trưng bày trong một diễn đàn về kỹ thuật quân sự ở Moscow hồi tháng 6. Ảnh: Getty Images.

Từ nhiều tháng nay, Washington đã hối thúc Ankara mua hệ thống phòng không Patriot của Mỹ. Nếu không, Mỹ đe dọa sẽ loại bỏ Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình chế tạo F-35, chiến đấu cơ hiện đại nhất thế giới, tước đi những lợi ích kinh tế của việc tham gia sản xuất. Thiệt hại với Thổ Nhĩ Kỳ có thể lên tới 12 tỷ USD, theo trang tin chuyên phân tích về hải quân Mỹ USNI.

Mỹ lo ngại hệ thống S-400 của Nga có thể được dùng để thu thập dữ liệu về F-35 cho Moscow. Ngoài vấn đề công nghệ, việc Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng mua hệ thống vũ khí then chốt như vậy từ Nga còn cho thấy vị thế của NATO đang lung lay. Nga từ lâu đã bị coi như đối thủ số 1 của NATO, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia vốn có vị trí chiến lược quan trọng ở rìa đông nam của NATO.

“Nhận hệ thống S-400 của Nga, Tổng thống Erdogan đã chọn quan hệ đối tác đầy rủi ro với Putin, đánh đổi an ninh, thịnh vượng của Thổ Nhĩ Kỳ và sự vững chắc của NATO”, các nghị sĩ trong các ủy ban Đối ngoại và Quân vụ của Thượng viện nói trong thông cáo chung.

Năm ngoái, Mỹ cũng từng trừng phạt kinh tế lên Thổ Nhĩ Kỳ vì vụ bắt giữ một linh mục người Mỹ, góp phần gây ra cuộc khủng hoảng tiền tệ ở nước này.

Viễn cảnh quan hệ nguội lạnh giữa hai đồng minh cũng lật lại một vấn đề nhạy cảm hiếm khi được nhắc đến: điều gì sẽ xảy ra với vũ khí hạt nhân Mỹ đặt ở căn cứ không quân Incirlik của Thổ Nhĩ Kỳ?

Thổ Nhĩ Kỳ luôn là một phần trong mạng lưới vũ khí hạt nhân của NATO, dù Mỹ có chính sách không công khai thừa nhận các vị trí đặt vũ khí hạt nhân ở nước ngoài, theo AP.

Ankara chưa có dấu hiệu nhượng bộ trước sức ép của Mỹ, nhất quyết cho rằng quyết định mua vũ khí ở đâu là chủ quyền của một quốc gia. Nhưng nước này cũng tuyên bố ngày 12/7 sẽ tiếp tục “đánh giá việc mua hệ thống phòng thủ Patriot của Mỹ”, theo hãng thông tấn nhà nước Anadolu.

Thổ Nhĩ Kỳ nhận lô tên lửa S-400 đầu tiên từ Nga

Bất chấp áp lực từ Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu tiếp nhận các thành phần của hệ thống phòng không tối tân S-400 được chuyển đến từ Nga bằng đường hàng không.

Thổ Nhĩ Kỳ bắt thêm 249 nhân viên ngoại giao vì đảo chính 2016

Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ ra lệnh bắt 249 nhân viên ngoại giao vì nghi liên hệ với mạng lưới của giáo sĩ ở Mỹ bị cáo buộc thực hiện đảo chính bất thành năm 2016.


Trọng Thuấn

Bạn có thể quan tâm