Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bí mật dưới khoang tàu ngầm do thám chiến lược của Nga

Tàu ngầm Nga gặp nạn có thể là phương tiện nghiên cứu biển sâu Losharik, chủ đề cho rất nhiều đồn đoán. Nó được cho là tàu ngầm do thám tối mật mà Nga luôn tìm cách che giấu.

Hôm 1/7, Bộ Quốc phòng Nga cho biết một phương tiện nghiên cứu biển sâu của họ đã gặp nạn khiến 14 thủy thủ thiệt mạng. Vụ việc nhanh chóng thu hút sự chú ý của truyền thông khi trong số 14 người thiệt mạng có 2 sĩ quan được trao tặng danh hiệu Anh hùng Nga, 7 người mang quân hàm đại tá.

Tổng thống Nga Vladimir Putin gọi sự việc “là mất mát khủng khiếp” và ra lệnh cho Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu điều tra cặn kẽ sự việc. Bộ Quốc phòng Nga cho biết tàu gặp nạn là phương tiện nghiên cứu biển sâu do Hải quân Nga quản lý và không tiết lộ định danh.

"Thông tin về vụ việc không thể được công khai hoàn toàn. Vấn đề này nằm trong diện bí mật quốc gia", người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 3/7 cho biết.

Tuy nhiên, việc trên tàu có rất nhiều nhân vật quan trọng dẫn đến đồn đoán phương tiện gặp nạn có thể là tàu ngầm do thám tối mật Losharik.

Nhiệm vụ thực sự

Có thể nói rằng Losharik là chủ đề cho rất nhiều đồn đoán. Theo Military Russian, Losharik thuộc Đề án 210, hoặc AS-12. Nó được chế tạo cho nhiệm vụ nghiên cứu biển sâu phục vụ mục đích khoa học.

Tuy nhiên, giới tình báo cho rằng mục đích thực sự của nó là do thám, thu thập thông tin tình báo, triển khai các cảm biến dưới nước, thậm chí cắt cáp ngầm. Tàu được điều hành bởi Cục Nghiên cứu biển sâu, Hải quân Nga và báo cáo cho Tổng cục Tình báo Trung ương. Điều đó phần nào hé lộ nhiệm vụ thực sự của nó.

Tau ngam toi mat cua Nga anh 1
Hình ảnh được cho là của tàu ngầm do thám tối mật Losharik neo tại căn cứ của Hạm đội Phương Bắc. Ảnh: Ejercitos.

Tàu ngầm Losharik được đóng mới từ năm 1988, nhưng mãi đến năm 2003 mới được hạ thủy. Sự chậm trễ này được cho là do những khó khăn tài chính thời hậu Xô Viết. Tàu có chiều dài khoảng 60-70 m, rộng 7 m, lượng choán nước khi lặn khoảng 2.000 tấn, được trang bị lò phản ứng hạt nhân E-17, cho phép hoạt động trong thời gian dài dưới đáy đại dương.

Tàu được cho là có thể lặn sâu từ 2.000-2.500 m, Military Russian nói rằng tàu có thể lặn tới 6.000 m. Tốc độ tối đa khi lặn khoảng 30 hải lý/giờ, phạm vi hoạt động chỉ giới hạn bởi thực phẩm và oxy trên tàu. Tàu được vận hành bởi thủy thủ đoàn 25 người, có thể chứa 35 người trong nhiệm vụ cứu hộ.

Losharik được cho là phiên bản mở rộng từ tàu ngầm nghiên cứu biển sâu Đề án 1851, NATO định danh là X-Ray được chế tạo vào những năm 1970. Nga bảo mật thông tin rất chặt chẽ về quá trình phát triển cũng như mục đích của nó.

Losharik bắt đầu được tình báo phương Tây chú ý khi một tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Delta-III được sửa đổi với phần bụng khoét sâu để tạo khoang chứa cho Losharik. Với khoang chứa dưới bụng tàu ngầm hạt nhân chiến lược, việc theo dõi hoạt động của Losharik là rất khó khăn.

Thiết kế đặc biệt

Theo Hisutton, tàu ngầm Losharik được thiết kế thân tàu đôi với 7 khoang hình cầu, thiết kế này cho phép tàu chịu được áp lực nước ở độ sâu lớn hơn với thiết kế hình trụ. Các khoang được chế tạo từ hợp kim titan. Thân tàu bên ngoài hình trụ như tàu ngầm thông thường.

Tau ngam toi mat cua Nga anh 2
Tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Delta III với phần bụng sửa đổi để chứa tàu ngầm do thám Losharik. Ảnh: Military Russian.

Dù tàu có chiều dài khoảng 70 m, tương đương với tàu ngầm lớp Kilo, nhưng không gian bên trong rất chật hẹp. Mỗi quả cầu có đường kính khoảng 6 m. Khoang đầu tiên ở mũi tàu được cho là nơi lắp đặt các thiết bị cảm biến, đèn chiếu sáng để quan sát đáy đại dương.

Khoang thứ 2 là lối lên cánh buồm để quan sát mặt biển khi tàu nổi lên. Khoang thứ 3 là nơi lắp kính tiềm vọng và là nơi làm việc chính của thuyền trưởng và các sĩ quan. Khoang thứ 4 là nơi có nắp kết nối với tàu mẹ.

Tau ngam toi mat cua Nga anh 3
Sơ đồ bố trí các khoang trên tàu ngầm Losharik. Đồ họa: Hisutton.

Khoang thứ 5 có thể là nơi nghỉ ngơi của thủy thủ. Các khoang từ 1-5 được kết nối với nhau, mỗi khoang đều có cửa để đóng kín khi cần thiết. Khoang thứ 6 được cho là nơi đặt lò phản ứng hạt nhân. Khoang thứ 7 là nơi đặt động cơ, pin.

Các khoang 6 và 7 tách biệt với các khoang phía trước để ngăn các sự cố từ lò phản ứng lan sang các khoang khác. Thủy thủ làm việc ở khoang này sẽ ra vào tàu bằng cửa riêng phía sau. Bên dưới khoang số 1 và số 2 được cho là có cánh tay robot để triển khai cảm biến, hoặc cắt cáp ngầm nếu cần thiết.

Tàu ngầm Losharik đóng quân tại căn cứ Olenya Guba, một vùng hẻo lánh ở Murmansk Oblast, gần bán đảo Kola, cho phép che giấu hoạt động của tàu. Đây cũng là căn cứ của Hạm đội Phương Bắc.

Tàu ngầm Nga bốc cháy, 14 thủy thủ chết vì ngạt khói

Theo Bộ Quốc phòng Nga, một tàu ngầm thăm dò đáy đại dương của Nga đã bốc cháy hôm 1/7 khiến 14 thủy thủ thiệt mạng.

Nga không tiết lộ chi tiết vụ cháy tàu ngầm vì 'bí mật quốc gia'

Người phát ngôn điện Kremlin cho biết những thông tin chi tiết về vụ cháy tàu ngầm khiến 14 sĩ quan hải quân thiệt mạng trong diện thông tin tuyệt mật.


Trung Hiếu

Bạn có thể quan tâm