Mất tất cả một phút và chín giây để Tổng thống Trump bắt kịp người tiền nhiệm vào ngày 5/7 - chỉ một phút và chín giây để tham gia vào cuộc tranh luận đã tiêu tốn phần lớn thời gian của ông tại văn phòng về việc ai là tổng thống tốt hơn.
Ông Trump tuyên bố chính cựu Tổng thống Barack Obama đã bắt đầu chính sách tách trẻ em khỏi cha mẹ ở biên giới và chính ông Obama là người có mối quan hệ tồi tệ với Triều Tiên đến mức có thể gây chiến.
Ông Trump nói thêm rằng ông Obama đã gặp thuận lợi về kinh tế nhưng lại để các đồng minh của Mỹ qua mặt.
Theo New York Times, những lời chỉ trích, thường bị bóp méo, rất quen thuộc nhưng ông Trump ngày càng chuyển hướng sang ông Obama trong những ngày gần đây như đòn bẩy chính trị.
Nỗi ám ảnh về ông Obama
Điều đó phần nào phản ánh định kiến không thay đổi của ông Trump với cựu tổng thống Mỹ. Nhưng nó cũng có thể xuất phát từ thực tế là phó tổng thống của ông Obama, Joseph R. Biden Jr., vẫn là ứng viên hàng đầu của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử năm 2020.
"Nếu bạn nhìn vào những gì chúng tôi đã làm, và nếu bạn nhìn vào những gì chúng tôi đã sắp đặt lại, tôi gọi đó là "mớ lộn xộn Obama-Biden", ông nói với các phóng viên ở Vườn Nam của Nhà Trắng trước khi rời đi Washington cho cuối tuần tại câu lạc bộ golf của mình ở Bedminster, New Jersey.
Tổng thống Trump tại Nhà Trắng trước khi lên trực thăng Marine One vào ngày 5/7. Ảnh: New York Times. |
Sự tập trung của tổng thống vào ông Obama sau khoảng hai năm rưỡi tại vị thậm chí còn dữ dội hơn trong chuyến công du tới Nhật Bản và Hàn Quốc vào cuối tuần trước, khi ông Trump liên tục nêu vấn đề của người tiền nhiệm dù không ai hỏi, công kích ông trên nhiều mặt của chính sách đối nội và đối ngoại.
"Trong tình huống ngặt nghèo, ông Trump rơi vào nguyên tắc tổ chức duy nhất mà ông có, đó là tấn công ông Obama - và thường nói dối về điều đó", ông Keith J. Rhodes, cựu phó cố vấn an ninh quốc gia cho ông Obama, nói.
Kể từ năm 2011, khi ông thăm dò tranh cử tổng thống để đối đầu ông Obama, ông Trump đã có nỗi ám ảnh duy nhất với tổng thống thứ 44.
Ông liên tục đặt câu hỏi về quyền công dân của ông Obama, một phần của thuyết âm mưu "khai sinh" với niềm tin lệch lạc rằng tổng thống da màu sinh ra ngoài nước Mỹ.
Với tư cách tổng thống, ông Obama đã đáp trả trong bữa tối của Hiệp hội Phóng viên Nhà Trắng vào năm 2011, khi ông tỏ ý coi thường ngôi sao truyền hình thực tế còn ông Trump ngồi nhăn mặt.
Kể từ đó, ông Trump đã quyết tâm giảm thiểu hoặc xóa bỏ những thành tựu của ông Obama. Gần đây, ông thậm chí còn cho rằng người tiền nhiệm của mình đứng sau âm mưu thành lập nhà nước ngầm cùng các cơ quan hành pháp và tình báo để ngăn chặn việc ứng cử năm 2016 của ông.
Trong khi các tổng thống khác cũng đổ lỗi cho những người tiền nhiệm của họ về các căn bệnh quốc gia khác nhau - bao gồm cả ông Obama, người trong nhiệm kỳ đầu tiên thường xuyên chỉ trích cựu Tổng thống George W. Bush - ông Trump đưa nó đi xa hơn hầu hết.
Tổng thống Barack Obama cười với Phó tổng thống Joe Biden trong một buổi lễ tại Phòng Yến tiệc của Nhà Trắng ở Washington, ngày 12/1/2017. Ông Obama đã trao tặng ông Biden Huân chương Tự do của Tổng thống. Ảnh: Getty. |
Ông Trump nhận ra rằng những người ủng hộ chính trị của mình muốn và vẫn muốn một người được coi là đang chiến đấu chống lại ông Obama.
Đặc biệt khi ông Biden vận động với thành tích của mình trong chính quyền Obama, ông Trump nhìn thấy lợi thế chính trị trong việc hạ bệ người tiền nhiệm và cố gắng nâng mình lên như một người ngoài cuộc đảm nhận một hệ thống mà ông đã lãnh đạo trong hơn hai năm.
"Nói với ông Biden rằng NATO đã tận dụng tối đa ông và Tổng thống Obama. Ông Biden không biết mình đang làm cái quái gì và Tổng thống Obama cũng vậy. NATO đã tận dụng chúng ta và giờ họ đang trả tiền", ông Trump nói hôm 5/7.
"Tổng thống Obama và Phó tổng thống Biden, họ chẳng biết gì. Họ đã bị lợi dụng bởi Trung Quốc, NATO và bởi mọi quốc gia mà họ hợp tác", ông nói thêm.
Bóp méo sự thật
Theo cáo buộc của ông Trump, ông Obama đã quá mềm mỏng trước các vụ lạm dụng thương mại của Trung Quốc và quá dễ dàng đối với các đồng minh NATO, những người không chi tiêu đủ cho quốc phòng của mình, hai vấn đề mà tổng thống hiện tại đã thúc ép mạnh mẽ hơn nhiều.
Trong những ngày gần đây, ông Trump cũng đổ lỗi cho ông Obama vì tranh chấp với Thổ Nhĩ Kỳ, một đồng minh của NATO, về việc mua hệ thống tên lửa S-400 từ Nga.
Một cựu trợ lý của ông Obama phủ nhận rằng ông từ chối bán hệ thống Patriot cho Thổ Nhĩ Kỳ nhưng đã phản đối việc chuyển giao công nghệ mà Ankara yêu cầu như một phần của thỏa thuận.
Để nâng cấp những lời chỉ trích của mình đối với ông Obama, ông Trump thường xuyên thổi phồng sự thật. Những ngày gần đây, ông tuyên bố rằng ông Obama đã cố gắng gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un nhưng bị từ chối, một khẳng định mà ông không đưa ra bằng chứng.
Sau khi ông Trump lan truyền thông tin này khi ở châu Á cuối tuần trước, cố vấn an ninh quốc gia cuối cùng của ông Obama, Susan E. Rice, đã tức giận phủ nhận rằng điều này thật vớ vẩn.
Ông Rhodes, cấp phó của bà Rice, lặp lại lời phủ nhận vào ngày 5/7. "Tuyên bố về ý muốn gặp ông Kim là hoàn toàn không đúng sự thật. Nó hoàn toàn bịa đặt và không phù hợp với tuyên bố trước đây của ông ấy rằng ông Obama muốn gây chiến với Triều Tiên", ông nói.
Ông Trump cũng đã tìm cách viết lại lịch sử của chính sách ly tán gia đình tại biên giới của ông, nói với công chúng rằng chính ông Obama là người bắt đầu và chính tổng thống hiện tại đã ngăn chặn nó.
"Tổng thống Obama đã xây dựng những phòng giam. Chúng tồn tại từ năm 2014. Tôi chỉ nói rằng: Họ từng có chính sách ly tán. Đúng không? Tôi đã chấm dứt nó", ông phát biểu cuối tuần trước trong cuộc họp báo ở Osaka, Nhật Bản.
Đúng là chính quyền Obama đã xây dựng một số cơ sở giam giữ là trung tâm của sự chỉ trích gần đây về cách đối xử với những người di cư bị giam giữ ở biên giới. Tuy nhiên, theo New York Times, những cơ sở không bao giờ nhằm mục đích giam giữ trẻ em lâu dài.
Hơn nữa, trong khi chính quyền Obama đã chia tách các gia đình, điều này tương đối hiếm và thường xảy ra trong các trường hợp nghi ngờ về mối quan hệ giữa đứa trẻ và người lớn đi kèm.
Chính quyền của ông Trump đã công bố "chính sách không khoan nhượng" vào tháng 4/2018, dẫn đến kết quả gần 3.000 trẻ em bị buộc phải tách khỏi cha mẹ. Sau sự phản đối kịch liệt, ông Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp hai tháng sau đó chỉ đạo các quan chức chấm dứt thực hành ly tán các gia đình.
Trong khi đó, đại sứ Anh tại Washington tin rằng Tổng thống Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran vì đây là di sản của người tiền nhiệm, theo thông tin từ một bức điện tín bị rò rỉ, được báo Mail on Sunday của Anh công bố hôm 13/7.
"Chính quyền Mỹ thực thi một hành động phá hoại ngoại giao, có vẻ như vì những lý do cá nhân và ý thức hệ", Đại sứ Kim Darroch viết trong một bức điện tín ngoại giao hồi tháng 5/2018.