"Thế giới ngày càng khó lường, và ngày càng khắc nghiệt bởi vì chúng ta có quá nhiều thách thức cùng một lúc", Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg nhận định trong chuyến thăm căn cứ quân sự của Estonia ở Tapa cách biên giới Nga khoảng 120 km.
"Chúng ta đang phải đương đầu với phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt ở Triều Tiên, chúng ta phải đối phó với những kẻ khủng bố, tình hình bất ổn, và chúng ta có một nước Nga ngày càng quyết đoán hơn", ông Stoltenberg nói. "Đó là một thế giới nguy hiểm hơn".
Guardian cho hay Tổng thư ký Stoltenberg vừa hoàn thành chuyến thăm 4 nhóm chiến đấu đóng tại Estonia, Latvia, Lithuania và Ba Lan, hình thành nên lực lượng tiên phong của NATO nhằm bảo vệ biên giới phía đông. Ông nói việc triển khai quân đội "phòng thủ" nhằm gửi thông điệp tới Nga rằng tấn công vào một đồng minh của NATO là tấn công toàn bộ liên minh quân sự này.
Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg thăm căn cứ quân sự của Estonia ở Tapa. Ảnh: Getty. |
Từ ngày 14-20/9, quân đội Nga và Belarus sẽ tham gia vào sự kiện nhiều khả năng là cuộc tập trận quân sự lớn nhất của Moscow kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Ước tính khoảng 100.000 binh lính, nhân viên an ninh và quan chức dân sự của Nga sẽ được huy động cho cuộc tập trận Zapad 2017 ở Biển Baltic, phía tây Nga, Belarus và Kaliningrad, vũng lãnh thổ hải ngoại của Nga nằm giữa Litva và Balan.
Tổng thư ký NATO bày tỏ quan ngại về việc Moscow không tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế khi không có sự giám sát của các quan sát viên quốc tế. Công pháp quốc tế quy định các cuộc tập trận với quân số lớn hơn 13.000 cần phải có các quan sát viên quốc tế được mời đến theo dõi.
"Nga nói rằng quân số của họ dưới 13.000 người", ông Stoltenberg cho biết. "Nhưng chúng ta hãy nhìn hai cuộc tập trận Zapad trước đó vào năm 2009 và 2013. Con số binh lính đã lớn hơn thế rất nhiều".
Xe tăng T-14 Armata sẽ tham gia cuộc tập trận Zapad 2017. Ảnh: Business Insider. |
Trong khi đó, ở bên kia của thế giới, chính phủ Hàn Quốc đang phải đối mặt với biểu tình ở địa phương khi triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD gây tranh cãi của Mỹ, nhằm đối phó với những cuộc tấn công tiềm tàng từ Triều Tiên trong tương lai.
Trong thời gian gần đây, Bình Nhưỡng vừa phóng tên lửa đạn đạo tầm trung qua lãnh thổ Nhật Bản, đe dọa Guam, lãnh thổ trên Thái Bình Dương của Mỹ, và thử bom hạt nhân mà Triều Tiên tuyên bố là vụ thử thành công bom nhiệt hạch có thể gắn lên tên lửa đạn đạo liên lục địa.