Trong tài liệu chiến lược, NATO lần đầu xác định Trung Quốc là “thách thức mang tính hệ thống đối với an ninh khu vực châu Âu - Đại Tây Dương”. Do đó, NATO sẽ tăng cường đối thoại và hợp tác với các đối tác Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
NATO cáo buộc Bắc Kinh sử dụng "một loạt công cụ chính trị, kinh tế và quân sự để tăng cường hiện diện và sức mạnh trên toàn cầu, trong khi vẫn không rõ ràng về chiến lược, ý định và quá trình xây dựng quân đội", South China Morning Post đưa tin.
Không chỉ vậy, tài liệu nêu “các hoạt động trên không gian mạng và hỗn hợp độc hại của Trung Quốc, cũng như những luận điệu đối đầu và thông tin sai lệch nhằm vào các đồng minh, làm tổn hại đến an ninh của liên minh”.
Liên minh này cũng cho rằng Trung Quốc đang tìm cách “kiểm soát lĩnh vực công nghệ và công nghiệp, cơ sở hạ tầng quan trọng, nguyên liệu chiến lược và chuỗi cung ứng, đồng thời sử dụng đòn bẩy kinh tế để tạo ra sự phụ thuộc chiến lược”.
Tổng thư ký NATO gặp các nhà lãnh đạo châu Á - Thái Bình Dương ở Hội nghị thượng đỉnh tại Madrid. Ảnh: NATO. |
Bên cạnh đó, tài liệu cũng nhắm tới mối quan hệ của Bắc Kinh và Moscow.
“Quan hệ đối tác chiến lược ngày càng sâu sắc giữa Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Liên bang Nga, cùng những nỗ lực hỗ trợ lẫn nhau làm ảnh hưởng tới việc vận hành trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, đi ngược lại các giá trị và lợi ích của chúng tôi”, tài liệu này ghi.
Đây là tài liệu quan trọng đặt ra chiến lược an ninh và quân sự của NATO trong 10 năm tới. NATO chưa cập nhập tài liệu này kể từ năm 2010. Kể từ đó, Trung Quốc đã thu hẹp khoảng cách quân sự và kinh tế với Mỹ và các thành viên NATO.
Động thái này phản ánh sự nghi ngờ ngày càng tăng đối với Trung Quốc trong liên minh quân sự phương Tây, nhưng cũng như một lời công nhận về tầm ảnh hưởng quân sự ngày càng tăng của Bắc Kinh.
Các quan chức Trung Quốc ngay lập tức phản ứng và bác bỏ các cáo buộc.
“Tại sao một Trung Quốc ở châu Á - Thái Bình Dương lại gây ra thách thức an ninh với một liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương?”, ông Wang Lutong - quan chức Bộ Ngoại giao Trung Quốc về châu Âu - viết trên Twitter. “Chúng tôi không áp đặt ý tưởng của mình cho bất cứ ai. NATO không nên để một siêu cường nào đó lợi dụng nhằm duy trì quyền bá chủ và chèn ép các quốc gia khác”.