Thụy Điển và Phần Lan đệ đơn xin gia nhập NATO cùng ngày, nhưng giờ đây mới chỉ Phần Lan đạt được nguyện vọng. Ảnh: NATO. |
Vào ngày 4/4, Phần Lan trở thành thành viên thứ 31 của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) - khối liên minh quân sự lớn nhất thế giới, vài ngày sau khi lá đơn xin gia nhập của quốc gia này được Thổ Nhĩ Kỳ phê chuẩn.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm 3/4 không quên bày tỏ hy vọng Thụy Điển sẽ sớm theo bước Phần Lan trong những tháng tới, theo Hill. Tuy nhiên, triển vọng này vẫn tương đối mù mờ.
Để có thể trở thành một phần của NATO, một quốc gia cần được toàn bộ nước thành viên cũ chấp thuận. Đa số quốc gia NATO ủng hộ Thụy Điển gia nhập, nhưng Stockholm phải đối mặt với rào cản không dễ vượt qua: Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.
Bà Elisabeth Braw, chuyên gia về quốc phòng châu Âu tại Viện AEI (Mỹ), chỉ ra các bên đều chưa rõ Thổ Nhĩ Kỳ dự định sẽ phê duyệt lá đơn của Thụy Điển vào lúc nào.
“Phần lớn nguyên nhân đến từ vấn đề chính trị, khiến tình hình càng thêm khó đoán”, bà Braw nói.
Triển vọng của Thụy Điển
Các quan chức phương Tây đã bày tỏ lạc quan rằng Thụy Điển sẽ sớm nối gót nước láng giềng Phần Lan và gia nhập khối, có thể trước hội nghị thượng đỉnh tại Vilnius, Lithuania vào tháng 7 tới.
Tuy nhiên, chưa có dấu hiệu cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ sẽ sớm phê duyệt lá đơn của Stockholm. Quá trình này đã bị đình trệ từ tháng 1. Hồi giữa tháng 3, ông Erdogan đã đề nghị Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ chấp nhận Phần Lan vào NATO, nhưng “ngó lơ” Thụy Điển.
Hungary cũng tuyên bố “có nhiều lời phàn nàn cần được giải quyết” trước khi chấp nhận cho Thụy Điển vào NATO, người phát ngôn chính phủ Zoltán Kovács nói hồi tuần trước.
Về phần mình, Mỹ - quốc gia “đầu tàu” tại NATO - khẳng định ủng hộ Stockholm trong quá trình gia nhập. Phát biểu với báo giới, Phó trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách châu Âu Dereck Hogan tuyên bố Mỹ “muốn cả Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ thúc đẩy quá trình gia nhập của Thụy Điển sớm nhất có thể”.
Ông Hogan cũng cho biết Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sẽ trao đổi với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ về vấn đề mở rộng NATO.
Một số chuyên gia nhận định Tổng thống Erdogan đang cố tình trì hoãn quá trình gia nhập NATO của Thụy Điển vì các mục tiêu chính trị nội bộ trước thềm cuộc tổng tuyển cử tháng 5 tới.
Hồi tháng 1, một số cuộc biểu tình đã nổ ra tại Thổ Nhĩ Kỳ sau vụ việc cuốn thánh kinh Quran của người Hồi giáo bị một số nhân vật cực đoan tại Thụy Điển đốt công khai, theo AP.
Trong khi đó, Hungary chưa bao giờ nói rõ đòi hỏi của mình với Thụy Điển, dù Thủ tướng Viktor Orban từng tuyên bố hai nước Bắc Âu lan truyền “những lời nói dối trắng trợn” về Hungary.
Tuy nhiên, theo các nhà ngoại giao trong khối, Thổ Nhĩ Kỳ nhiều khả năng sẽ chính thức chấp thuận Thụy Điển vào NATO sau cuộc bầu cử vào tháng 5 tới, Politico cho biết. Hungary nhiều khả năng sẽ tiếp bước Thổ Nhĩ Kỳ sau đó.
Con đường đã qua
Trong nhiều thập kỷ, Phần Lan và Thụy Điển cùng theo đuổi chính sách trung lập, không tham gia NATO nhằm tránh gây căng thẳng với Nga - quốc gia coi sự mở rộng NATO là thách thức về an ninh, nhất là khi Phần Lan có biên giới dài hơn 1.300 km với nước láng giềng phía Đông.
Tuy nhiên, sau khi Moscow phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine, hai nước Bắc Âu dường như đã suy nghĩ lại. Với tỷ lệ ủng hộ cao ở cả trong giới chính trị lẫn dân chúng, tới tháng 5/2022, cả Helsinki và Stockholm cùng nộp đơn gia nhập NATO.
Lá đơn của họ được hầu hết quốc gia trong khối phê duyệt chỉ trong vòng vài tuần. Tuy nhiên, hai cái tên khiến quá trình nghẽn lại: Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary. Trong đó, Thổ Nhĩ Kỳ được coi là rào cản khó khăn nhất.
Ankara đòi hỏi Phần Lan và Thụy Điển có chính sách cứng rắn hơn với đảng Công nhân người Kurd (PKK) - tổ chức bị Thổ Nhĩ Kỳ coi là khủng bố.
Ba quốc gia sau đó đã đàm phán để đạt được một bản ghi nhớ vào tháng 6/2022. Tới tuần trước, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ chính thức phê duyệt lá đơn xin vào NATO của Phần Lan, mở đường giúp Helsinki chính thức gia nhập khối.
Giới chuyên gia nhận định bất chấp đã có thể gia nhập NATO hay chưa, an ninh của Thụy Điển không chịu nhiều ảnh hưởng.
“Tôi nghĩ vấn đề này không thay đổi quá lớn tới môi trường an ninh”, ông Mathieu Droin, chuyên gia về NATO tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nói với Hill.
“Thụy Điển vốn đã rất gần gũi với NATO. Trong những năm qua, hai bên còn liên kết chặt chẽ hơn. Cũng cần nhớ rằng một số nước thành viên NATO khác có đảm bảo an ninh cho cả Thụy Điển lẫn Liên minh châu Âu”, ông Droin chỉ ra.
Những cuốn sách hay về châu Âu
Zing giới thiệu tới độc giả các cuốn sách hay nên đọc để hiểu thêm về châu Âu, khu vực có bề dày lịch sử được mệnh danh là "lục địa già".
Độc giả có thể xem thêm tại đây.