Bắc Kinh đã không chia sẻ "quỹ đạo cụ thể" của vụ rơi tên lửa Long March 5B, Giám đốc Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) Bill Nelson cho biết trên Twitter.
“Tất cả các quốc gia thực hiện du hành vũ trụ nên tuân theo các phương pháp tốt nhất đã được thiết lập. Đồng thời, họ nên thực hiện nhiệm vụ chia sẻ trước thông tin để cho phép dự đoán về nguy cơ tác động của mảnh vỡ, đặc biệt là đối với các phương tiện vận tải hạng nặng như Long March 5B”, ông Nelson viết.
Ông cho rằng: “Làm như vậy là rất quan trọng trong việc sử dụng không gian có trách nhiệm và đảm bảo sự an toàn của những con người trên Trái Đất”.
Tên lửa Long March 5B được phóng từ Trung tâm Phóng vũ trụ Wenchang ở tỉnh Hải Nam, miền Nam Trung Quốc vào ngày 24/7. Ảnh: Tân Hoa xã/ AP. |
Long March 5B, tên lửa mạnh nhất của Trung Quốc, được phóng vào ngày 24/7. Tên lửa này đến trạm vũ trụ Thiên Hà của Trung Quốc vào ngày 25/7 và mang theo một module phòng thí nghiệm mới cho các thí nghiệm khoa học trên trạm vũ trụ này, theo NBC News.
Các mảnh vỡ từ tên lửa nặng gần 23 tấn đã di chuyển với tốc độ hơn 27.000 km/h trước khi lao xuống biển Philippines lúc 12h55 theo giờ địa phương.
Cơ quan Vũ trụ có người lái Trung Quốc báo cáo rằng phần lớn tên lửa đã bốc cháy sau khi đi vào bầu khí quyển.
Thông báo từ cơ quan này không đưa ra chi tiết về việc các mảnh vỡ còn lại rơi trên đất liền hay trên biển nhưng cho biết "khu vực hạ cánh" có tạo độ gần thành phố Puerto Princesa của Philippines.
Phía Philippines chưa có phản hồi về việc liệu sự việc có gây ảnh hưởng đến người dân hay không.
Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc để tên lửa rơi lại về phía Trái Đất. Tháng 5/2021, một tên lửa đẩy khác của Trung Quốc đã rơi và hạ cánh xuống Ấn Độ Dương.
Trung Quốc cũng có kế hoạch gửi một phòng thí nghiệm khác lên trạm vũ trụ của họ vào tháng 10 tới.