Hiện chưa rõ các mảnh vỡ của quả tên lửa đẩy nói trên đi theo quỹ đạo nào, Bộ Chỉ huy Không gian Mỹ thông báo ngày 30/7 trên Twitter, theo Bloomberg.
Trong khi đó, cơ quan hàng không vũ trụ Trung Quốc ngày 31/7 thông báo các mảnh vỡ tên lửa rơi xuống vùng biển tại Tây Nam Philippines và “đại đa số” mảnh vụn đã cháy hết trong quá trình trở lại Trái Đất.
Tên lửa Trường Chinh 5B đưa phòng thí nghiệm Vấn Thiên lên vũ trụ. Ảnh: CGTN. |
Thông báo từ phía Trung Quốc bị một quan chức Mỹ chỉ trích. “Trung Quốc đã không chia sẻ thông tin quỹ đạo chi tiết trong lúc tên lửa Trường Chinh 5B rơi trở lại Trái Đất”, Tổng giám đốc NASA Bill Nelson nói trong một tuyên bố.
“Mọi quốc gia du hành vũ trụ cần tuân thủ cách thực hành tốt nhất và làm tròn bổn phận chia sẻ loại thông tin này từ sớm để tạo điều kiện cho việc dự đoán rủi ro va chạm có thể xảy ra, đặc biệt là đối với thiết bị đẩy có trọng tải nặng như Trường Chinh 5B”, ông Nelson nói.
Trước đó, các nhà phân tích cho biết phần thân tên lửa sẽ cháy hết khi xuyên qua không khí rơi trở lại mặt đất. Nhưng vì kích cỡ lớn, phần thân này vẫn sẽ để lại nhiều mảnh nhỏ với diện tích rơi bao phủ một vùng dài khoảng 2.000 km, rộng 70 km, theo Reuters.
Tên lửa Trường Chinh 5B được phóng đi hôm 24/7 để đưa module phòng thí nghiệm Vấn Thiên lên trạm vũ trụ mới mà Trung Quốc đang xây dựng trên quỹ đạo. Đây là lần thứ 3 loại tên lửa mạnh nhất của Trung Quốc được sử dụng từ sau lần phóng đầu tiên vào năm 2020.
Các mảnh vụn của một tên lửa Trường Chinh 5B từng rơi xuống Bờ Biển Ngà vào năm 2020, gây thiệt hại cho một số tòa nhà ở nước này nhưng không gây ra thương tích.