Bức tượng 107 năm tuổi thường bị phá hoại bởi những người biểu tình, từ những nhà hoạt động dân chủ đến vận động chống đánh bắt cá voi.
Người biểu tình đã có những lần làm đổ nàng tiên cá, chặt đầu nàng tiên cá, bẻ tay nàng, hoặc đổ sơn lên nàng. Gần đây, vào tháng 1, dòng chữ “tự do cho Hong Kong” được vẽ lên phiến đá ở dưới bức tượng đồng cao 1,65 m.
Tượng nàng tiên cá bị vẽ bậy chữ “racist fish” (cá phân biệt chủng tộc). Ảnh: AFP. |
Đối với vụ vẽ bậy mới nhất, cảnh sát Copenhagen cho biết chưa ai nhận trách nhiệm. “Chúng tôi coi đó là hành vi phá hoại và đã bắt đầu điều tra”, một người phát ngôn cảnh sát cho biết.
Bức tượng tiên cá, được một triệu du khách tới thăm mỗi năm, do nghệ nhân điêu khắc Edvard Eriksen thiết kế và mô phỏng người vợ của ông, Eline. Bức tường nhằm nhớ đến câu chuyện cổ tích của Hans Christian Andersen. Câu chuyện nói về nàng tiên cá, là con gái một vị vua thần thoại của biển, đem lòng yêu một hoàng tử và khao khát trở thành con người.
Người biểu tình phong trào Black Lives Matter (tạm dịch: người da đen đáng được sống) đã kéo đổ tượng các nhân vật lịch sử trên thế giới có liên quan đến nô lệ và phân biệt chủng tộc. Tháng trước, tượng của một nhà truyền giáo Đan Mạch có vai trò lớn trong việc đô hộ Greenland bị đổ sơn màu đỏ.
Ngày 2/7, các nhà hoạt động cáo buộc giới chức Đan Mạch không thừa nhận nạn phân biệt chủng tộc, sau khi chính quyền cho biết một vụ hai người da trắng giết hại người đàn ông lai hai chủng tộc không có động cơ kỳ thị.
Tác giả Andersen thường không được nhìn nhận dưới góc độ phân biệt chủng tộc. Ông có nhắc đến vấn đề thực dân hóa và vấn đề chủng tộc trong vở kịch Mulatto năm 1840. Một số học giả từng nhận định rằng có hàm ý kỳ thị trong một số truyện của ông.
Nhưng Ane Grum-Schwensen, nhà nghiên cứu tại Trung tâm HC Andersen tại Đại học Nam Đan Mạch, nói với hãng tin Ritzau của nước này: “Tôi khó thấy được điều gì đặc biệt có tính phân biệt chủng tộc trong truyện cổ tích nàng tiên cá”.
Năm ngoái, một phim do Disney làm lại về nàng tiên cá vướng tranh cãi sau khi diễn viên người Mỹ gốc Phi Halle Bailey được chọn đóng vai chính.