"Nắng nóng quá độ đang ngày càng trở thành vấn đề thách thức trong tương lai", giáo sư Blair Felmate, lãnh đạo Trung tâm Thích ứng khí hậu tại ĐH Waterloo, Canada nói trên CBC ngày 28/5. Ông cho rằng các nước cần phải ban hành những kế hoạch hành động khẩn cấp nhằm giúp nhân loại thích ứng với nhiệt độ ngày càng khắc nghiệt.
Ví dụ điển hình cho những cảnh báo trên đang xảy ra tại khu vực Nam Á. Những ngày qua, nhiệt độ chạm mốc kỷ lục khiến cư dân Jacobabad, Pakistan, “không thể chịu đựng được”, theo CNN.
Muhammad Akbar, 40 tuổi, là người bán đậu gà khô trên một chiếc xe cút kít ở Jacobabad. “Hồi trước, toàn thành phố có nhiều cây xanh và không thiếu nước uống. Chúng tôi có thể vượt qua cái nóng”, ông kể.
“Tuy nhiên, giờ đây không có cây hay thậm chí cả nước, do đó tôi không thể chịu nổi cái nóng được nữa. Tôi sợ nhiệt độ như vậy khiến nhiều người thiệt mạng trong những năm tới”, ông chia sẻ.
Khi Pakistan và Ấn Độ chìm trong không gian ngột ngạt vì đợt nắng nóng gần đây, thành phố Jacobabad nơi Akbar sinh sống đạt mức kỷ lục 51 độ C.
Thông thường nắng nóng mùa hè ở Pakistan bắt đầu từ cuối tháng 5. Nhưng năm nay, lần đầu tiên người dân nơi đây hứng chịu nắng nóng từ tháng 3. Đợt nóng khủng khiếp này dự kiến kéo dài tới tháng 8, theo Guardian.
Một trong những nơi nóng nhất thế giới
Theo nhà sinh thái học Nasir Ali Panhwar, thành phố này đặc biệt bị ảnh hưởng nặng nề bởi hiện tượng nóng lên toàn cầu. Một phần nguyên nhân nằm ở vị trí địa lý của Jacobabad. Những cư dân khác chỉ ra rằng hầu hết cây từng che bóng mát cho thành phố và các cánh đồng xung quanh đã bị chặt để bán hoặc đốt nhằm dùng cho nấu nướng.
Người mẹ dùng giấy quạt cho con giữa lúc Jacobabad bị cắt điện hôm 11/5. Ảnh: AFP. |
Sardar Sarfaraz, nhà khí tượng tại Cục Khí tượng Pakistan, nói rằng nhiệt độ đã đạt mức kỷ lục 49 độ C vào tháng 4. Ông chỉ ra Jacobabad "là một trong những nơi nóng nhất trên thế giới" và cảnh báo nếu nắng nóng tiếp tục đến sớm như vậy, đây là vấn đề cần quan tâm nghiêm túc.
Akbar nói rằng ông lo lắng về mức nhiệt năm nay. “Cái nóng đang tăng lên hàng năm nhưng chính quyền, bao gồm cả chính quyền cấp huyện, không hề quan tâm đến vấn đề nghiêm trọng này”, ông nói.
Giống như hầu hết cư dân khác, ông Akbar đi làm vào buổi sáng sớm và làm việc khoảng 12-14 tiếng, kiếm được gần 6,5 USD mỗi ngày. Ông không còn lựa chọn nào khác ngoài đối mặt với bầu không khí nóng bức.
Mashooq Ali - Chủ tịch Hiệp hội Công nhân nhà máy gạo - nói rằng bất chấp nhiệt độ tăng cao, “chúng tôi vẫn phải đi làm vì nếu chúng tôi không làm việc”, sẽ không có gì để ăn cả.
Lo sợ con người và động vật sẽ không thể cư trú nữa
Theo Ali, hầu hết công nhân được nghỉ hai giờ vào buổi chiều.
“Khi trời quá nóng, chúng tôi thường ngồi dưới bồn nước và dùng nước đá. Vào buổi tối khi trở về nhà, chúng ta cực kỳ mệt mỏi và muốn nghỉ ngơi nhưng vì nắng nóng nên chúng tôi ngủ không đủ giấc”, ông kể. “Sau đó, chúng tôi ra ngoài và ngồi ở nơi nào thoáng đãng để cảm nhận không khí. Nhưng nếu không có không khí (vì nóng tới ngột ngạt), cái nóng này có thể cướp sinh mạng của chúng tôi”.
Cư dân Jacobabad sử dụng quạt tay và thường xuyên tắm bằng nước lạnh từ máy bơm tay. Các trại nước lạnh miễn phí đã được thiết lập tại bốn điểm trong thành phố, và thu hút rất nhiều người.
Một số cư dân có đủ nguồn lực di chuyển đến các vùng khác của đất nước trong những tháng này để “trốn nóng”. Theo nhà báo Huzoor Bakhsh, nhiều người thuộc tầng lớp lao động chuyển đến làm thuê ở Quetta, Balochistan.
Người dân Pakistan uống nước do tình nguyện viên phát dọc phố trong đợt nắng nóng ở Jacobabad hôm 12/5. Ảnh: AFP. |
Ông cho biết do rừng bị phá nên cường độ nắng nóng cũng tăng lên. “Bây giờ người dân không có cách nào để thoát khỏi đợt nắng nóng này, trong khi chính quyền cũng không hành động”, ông nói.
Tiến sĩ Irshad Ali Sarki tại bệnh viện dân sự Jacobabad MS cho hay khoảng 4-5 bệnh nhân nhập viện và điều trị mỗi ngày vì say nắng. Một bác sĩ khác tên Ammad Ullah ước tính 50-60 người bị say nắng mỗi ngày trong mùa nóng này, và bệnh viện không đủ nguồn lực để tiếp nhận toàn bộ.
“Một số người tìm đến các phòng khám tư nhân để điều trị nhưng tầng lớp lao động không có tiền”, ông cho hay.
Người dân phàn nàn rằng bất chấp đợt nắng nóng, chính quyền không cung cấp nước uống. Có những chiếc xe bán số lượng lớn can nhựa màu xanh, nhưng chất lượng của loại nước này vẫn còn là dấu hỏi lớn.
Theo chính quyền huyện, hệ thống này đã hoàn chỉnh và họ đang cung cấp nước qua đó. Tuy nhiên, người dân phàn nàn nước bị ô nhiễm và không an toàn nếu uống.
Nhà hoạt động xã hội Mohammad Shaaban quan ngại sâu sắc về tình trạng nắng nóng ngày càng tăng. “Chúng tôi đã nhiều lần phản đối và yêu cầu chính quyền huyện vào cuộc nhưng họ vẫn chưa có động thái nào”, ông nói. “Chúng tôi lo sợ rằng trong vài năm tới, Jacobabad sẽ không còn là nơi để ở được nữa".