Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Nắng nóng kéo tụt thành tích Olympic

Nắng nóng tăng cao cũng là lúc tốc độ của các vận động viên chậm lại, bởi cơ thể con người không thích ứng kịp với biến đổi khí hậu.

Tại Thế vận hội Tokyo năm 2021, các vận động viên đã phải chịu đựng mức nhiệt cao chưa từng có trong lịch sử Olympic. Khi đó, một cung thủ bị ngất xỉu, trong khi một vận động viên bóng bàn nói mình bị “say nắng nhẹ”. Do đó, ban tổ chức đã quyết định dời cuộc đua marathon đến Sapporo, trên hòn đảo cực bắc của Nhật Bản.

Nhưng gần đến ngày tổ chức, một đợt nắng nóng tràn đến, thổi bay toàn bộ khí mát nơi đây. Ban tổ chức đành đẩy thời gian bắt đầu cuộc đua sớm hơn một giờ để tránh thời điểm nóng nhất trong ngày.

Tuy nhiên, các vận động viên vẫn phải về đích trong cái nóng gần 30 độ C. 15 người rút lui giữa cuộc đua. Đồng thời, tổng thời gian của quán quân nội dung marathon cho nữ chậm hơn 10 phút so với thành tích cá nhân tốt nhất cô từng lập tại Valencia năm trước đó.

Lý do Olympic ngày càng ít kỷ lục mới

Rất có thể trong nội dung thi marathon nam và nữ vào 2 ngày cuối tuần này ở Paris, các vận động viên Olympic sẽ lại gặp tình trạng tương tự. Nhiệt độ mát mẻ hơn vào đầu ngày có thể giúp ích, nhưng họ vẫn phải chạy giữa mùa nắng nóng nước Pháp.

Thế vận hội Mùa hè 2028 ở Los Angeles có thể còn nóng hơn nữa bởi Trái Đất đang ấm hơn bao giờ hết. Vào năm 2021, nhiệt độ trung bình của Tokyo đã tăng 2,86 độ C so với năm 1900, nhanh hơn gấp 3 lần so với mức trung bình của thế giới.

Nang keo lui Olympic anh 1

Jessica Judd (phía trước) và Lucia Rodriguez nằm trên đường đua sau vòng sơ loại 5.000 m dành cho nữ tại Sân vận động Olympic ở Tokyo. Ảnh: Andrew Nelles/USA Today Sports.

So với lần cuối Paris đăng cai Thế vận hội vào năm 1924, nhiệt độ hàng năm của thành phố này đã tăng 3,2 độ C. Ngay cả đối với cơ thể được rèn luyện tốt nhất, nhiệt độ cũng giống như một gánh nặng, kéo trì thành tích của con người. Vì vậy, Atlantic cho rằng nếu Thế vận hội Mùa hè vẫn diễn ra vào mùa hè, thời gian chạy marathon nhanh nhất có thể sẽ còn thụt lùi đáng kể.

Theo khoa học, cơ bắp tạo ra nhiệt khi ta tập luyện. Nhưng nếu nhiệt độ và độ ẩm ngoài trời quá cao, ngăn lượng nhiệt đó tản đi, cơ thể phải hoạt động chậm lại. Hệ thống tim mạch sẽ phải làm việc cật lực để cố gắng bơm máu lên da, giúp làm mát cơ thể, tiêu hao năng lượng từ các bộ phận khác. Tuy nhiên, với các môn thể thao tốc độ đỉnh cao, từng chút năng lượng đều đáng giá.

Nhiệt độ ảnh hưởng nhiều nhất đến hiệu suất các cuộc đua cự ly như đạp xe và chạy. Brad Wilkins, giáo sư sinh lý học tại Đại học Oregon, cho hay: “Với các môn thể thao mất nhiều hơn 1,5-2 phút để hoàn thành, nhiệt độ cao kìm thành tích tổng thể”. Trong điền kinh, 2 phút tương đương với đường đua 800 m.

Một người phải chạy càng lâu thì tổn thất về nhiệt càng lớn. Vì vậy, thời gian chạy marathon là số liệu dễ nhìn thấy sự thay đổi nhất. Ở Thế vận hội Mùa hè, tốc độ chạy marathon chậm là điều bình thường, bởi sự kiện này thường được tổ chức vào thời điểm nóng nhất trong năm.

Đây cũng là lý do hiếm có kỷ lục nào bị phá vỡ trong các nội dung sức bền ở Olympic Mùa hè, ngoại trừ môn bơi lội do có nhiệt độ hồ bơi được điều chỉnh. “Một trong những nguyên nhân đến từ trời quá nóng”, Wilkins nói với Atlantic.

Hiện, Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) đã trì hoãn công bố địa điểm tổ chức Thế vận hội mùa đông 2030, đồng thời họp bàn để tìm cách giải quyết tác động của biến đổi khí hậu đối với các thành phố đăng cai trong tương lai. Nhiệt độ mùa đông ngày càng cao đang thu hẹp danh sách các địa điểm đủ điều kiện tổ chức.

Tháng trước, IOC thông báo Pháp sẽ đăng cai Olympic Mùa đông 2030 trên dãy Alps thuộc Pháp và Utah sẽ đăng cai vào năm 2034. Nhưng Chủ tịch IOC cho biết do biến đổi khí hậu, đến năm 2040, chỉ có 10 quốc gia có đủ điều kiện thích hợp cho Thế vận hội Mùa đông.

Công nghệ trở thành “cứu tinh” cho vận động viên

Theo chuyên gia về sinh lý học thể dục Michael Joyner tại Mayo Clinic, ngoài Thế vận hội, các kỷ lục vẫn có thể tiếp tục bị phá vỡ, cho đến khi tìm ra giới hạn thực sự của con người. Trả lời phỏng vấn với Atlantic, ông tỏ ra không lo lắng về tình trạng nhiệt độ tăng cao. “Mọi người sẽ tìm cách giải quyết vấn đề khí hậu nóng bức”, ông nói.

Các cuộc đua đường dài sẽ chuyển sang những tháng lạnh hơn và dời về các quốc gia nằm ở phía Bắc bán cầu. Nhiều sự kiện sẽ được tổ chức trong nhà. Đồng thời, việc luyện tập trong điều kiện nóng nực để nâng cao khả năng chịu đựng nhiệt độ sẽ trở thành một phần quan trọng của các vận động viên.

Nang keo lui Olympic anh 2

Các đối thủ phải vật lộn để giữ bình tĩnh trong nội dung marathon nam tại Giải vô địch điền kinh thế giới 2023 ở Budapest. Ảnh: Robert Hegedus/EPA.

“Huấn luyện trong điều kiện nắng nóng (heat training) là phương pháp tập luyện ngưỡng cao mới”, chuyên gia cho hay. Chris Minson, nhà sinh lý học tại Đại học Oregon, cũng phát hiện ra rằng việc rèn luyện khả năng chịu nhiệt mang lại nhiều lợi ích cho vận động viên, ngay cả trong các cuộc đua trong thời tiết mát mẻ.

Ông nhận thấy nếu những người đi xe đạp tập luyện ở nhiệt độ 40 độ C trong 10 ngày, VO2 tối đa của họ tăng 5%. VO2 là lượng oxy tối đa mà cơ thể một người có thể hấp thụ và sử dụng khi tập thể dục.

Do đó, các vận động viên Olympic ở Paris cho biết họ đã tập luyện trong phòng tắm hơi và mặc thêm nhiều lớp quần áo để chuẩn bị cho cuộc thi. “Tôi đảm bảo rằng tất cả vận động viên điền kinh cự ly trên 400 m đều đã phải trải qua những bài tập thích nghi với nhiệt độ”, Chris Minson khẳng định.

Giáo sư Brad Wilkins từng tham gia một nghiên cứu tạo ra những điều kiện hoàn hảo để con người đạt tốc độ chạy marathon nhanh nhất thế giới, do Nike tài trợ năm 2016. Trong đó, vận động viên marathon người Kenya Eliud Kipchoge đã chạy ở nhiệt độ lý tưởng trong trang phục cao cấp, còn những vận động viên khác sẽ chạy trước để giảm sức cản của gió cho anh.

Cuối cùng, nam vận động viên đã hoàn thành cuộc đua trong 2 giờ 25 giây. Theo nghiên cứu, loại giày công nghệ cao là yếu tố tạo ra sự khác biệt lớn nhất, giúp anh giảm 4% năng lượng hao tổn. Điều này cho thấy những tiến bộ trong công nghệ như thói quen tập luyện, dinh dưỡng, quần áo… sẽ là những yếu tố hỗ trợ vận động viên đạt đến tầm cao mới trong thành tích thể thao của con người.

Trên thực tế, những vận động viên chạy bộ và đua xe đạp hàng đầu ngày nay không khác gì những vận động viên thi đấu trong những năm 1950-1960. Nhưng những yếu tố khác xung quanh đã thay đổi. Xe đạp hiện nay cho phép người lái đi nhanh hơn và tốn ít năng lượng hơn. Đường chạy ngày nay cũng được cải tiến, giảm lãng phí năng lượng. Công nghệ giày đã tiến bộ vượt bậc.

“Tôi không nhận thấy các kỷ lục thế giới có dấu hiệu chậm lại. Miễn là công nghệ tiếp tục phát triển và miễn là mọi người vẫn tập trung thiết kế điều kiện thi đấu để đạt được thành tích tối ưu”, Giáo sư Wilkins nhận định.

Theo Wilkins, những giới hạn từng đặt ra cho con người trong thể thao chưa bao giờ là đúng. Những loại công nghệ mà chúng ta vốn không thể tưởng tượng được ngày nay lại xuất hiện để giúp nhân loại tránh các vấn đề về nhiệt độ.

“Chúng ta là loài sáng tạo. Cơ thể chúng ta có thể không thích ứng kịp với nhiệt độ, nhưng hành vi của chúng ta và cách chúng ta giải quyết vấn đề này hoàn toàn có thể”, ông kết luận.

Những nhà khoa học tiên phong

"Những nhà khoa học tiên phong" là một cuốn sách thú vị về lịch sử của những phát minh nổi tiếng. Để có được những đóng góp vĩ đại cho nhân loại, các nhà khoa học nổi tiếng đã làm việc với lòng say mê và tinh thần học hỏi không ngừng.

AI dang ‘suoi am’ be boi Olympic hinh anh

AI đang ‘sưởi ấm’ bể bơi Olympic

0

Thay vì thải ra môi trường, các trung tâm dữ liệu ở Paris được nối với hệ thống năng lượng làm nóng bể bơi Olympic. Song, chúng không giải quyết vấn đề quan trọng nhất: tác hại môi trường thực sự của AI.

Thúy Liên

Bạn có thể quan tâm