Tại buổi đối thoại “Nâng cao vai trò của phụ nữ trong chính sách đối ngoại” tổ chức tại Học viện Ngoại giao tổ chức ngày 7/10, quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao Phạm Lan Dung cho biết việc công nhận tầm quan trọng của bình đẳng giới ngày càng phổ biến trong hoạt động của các tổ chức trong nước, quốc tế.
Trong thập kỷ qua, nhiều quốc gia đã thu hút phụ nữ hơn vào quá trình hoạch định chính sách đối ngoại, chú trọng bình đẳng giới và vai trò lãnh đạo của phụ nữ trong hoạt động đối ngoại.
Việt Nam cũng đã đạt được những tiến bộ đáng kể về bình đẳng giới, nâng cao vị thế cho phụ nữ và thể hiện cam kết mạnh mẽ nhằm nâng cao vai trò của phụ nữ trong mọi lĩnh vực, bao gồm chính trị.
Minh chứng rõ nhất là việc thông qua Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 và thành tích bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, khi mà tỷ lệ đại biểu nữ đạt trên 30% (một trong những mức cao nhất trong lịch sử).
Tuy nhiên, theo bà Dung, nhiều người cho rằng sự nghiệp của phụ nữ sẽ không được ghi nhận nếu họ không làm tròn thiên chức của một người vợ, một người mẹ. Vì vậy, việc nâng cao quyền năng cho phụ nữ sẽ giúp họ có điều kiện tiếp cận việc làm, giáo dục, y tế, văn hoá, thể thao… bình đẳng như nam giới.
Bà Phạm Lan Dung, quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao, phát biểu tại buổi đối thoại. Ảnh: Báo Thế giới và Việt Nam. |
Phát biểu tại buổi đối thoại, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu cho biết với tư cách là Trưởng ban vì sự tiến bộ của Phụ nữ Bộ Ngoại giao, ông kêu gọi mọi người cùng nỗ lực, chung tay để trao thêm quyền năng, nâng cao vai trò của phụ nữ trong lĩnh vực đối ngoại.
Theo ông Hiệu, Việt Nam đã và đang đóng vai trò tích cực trong việc thực hiện các cam kết quốc tế về bình đẳng giới như Công ước xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ.
Minh chứng là thời gian quan, Việt Nam đã tham gia chủ động và tích cực vào các hoạt động hợp tác quốc tế về bình đẳng giới và trao quyền năng cho phụ nữ.
Lãnh đạo Bộ Ngoại giao nhấn mạnh trong bối cảnh bình đẳng giới và vai trò của phụ nữ trở thành mối quan tâm ngày càng lớn của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, buổi đối thoại với chủ đề “Nâng cao vai trò của phụ nữ trong chính sách đối ngoại” là cơ hội để trao đổi, truyền cảm hứng cho phụ nữ và những người ủng hộ nữ quyền.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu kêu gọi sự nỗ lực, chung tay để trao thêm quyền năng, nâng cao vai trò của phụ nữ trong lĩnh vực đối ngoại. Ảnh: Báo Thế giới và Việt Nam. |
Tại buổi đối thoại, nhiều đại biểu bày tỏ quan điểm và phản ánh việc thực thi chính sách đối ngoại nữ quyền trong khả năng và vùng lãnh thổ của mỗi nước, từ đó mang đến cơ hội học tập có ý nghĩa cho các nhà ngoại giao tương lai của Việt Nam.
Theo đại diện UN Women, chính sách đối ngoại nữ quyền làm cho bình đẳng giới trở thành yếu tố xuyên suốt của bất kỳ phân tích và hành động nào liên quan đến chính sách đối ngoại của một quốc gia.
Ngoài ra, chính sách này còn tập trung vào các vấn đề cụ thể được nhấn mạnh như thúc đẩy quyền của phụ nữ, thường xuyên xem xét cách thức lựa chọn địa chính trị của mỗi quốc gia tác động lên phụ nữ và trẻ em gái như thế nào, tạo điều kiện cho phụ nữ tiếp cận các vị trí có trách nhiệm và nếu có thể là vị trí đưa ra quyết định.