Sau trận sóng thần tàn khốc năm 2011, các nữ binh sĩ tại trung tâm sơ tán xách những xô nước nặng nề để Rina Gonoi và nhiều người khác có thể tắm rửa.
Gonoi, khi đó 11 tuổi, quyết định rằng cô cũng sẽ trở thành một quân nhân để giúp đỡ người khác.
Nhưng ngay sau khi gia nhập lực lượng quân đội ba năm trước, cô đã bị tấn công tình dục. Những cáo buộc của cô liên tục bị bác bỏ, khiến cô xuất ngũ chỉ sau hai năm, theo Washington Post.
Cô hiện 23 tuổi, công khai đối đầu với những kẻ tấn công mình. Quyết định bước ra ánh sáng của cô là rất hiếm hoi và khó khăn trong xã hội trọng nam của Nhật Bản. Các nạn nhân lạm dụng tình dục phải đối mặt với phản ứng dữ dội vì đã lên tiếng.
Cô Gonoi đang yêu cầu một cuộc điều tra kỹ lưỡng với hy vọng cải thiện điều kiện làm việc trong Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản cho các thế hệ quân nhân tương lai.
“Có rất nhiều người ngoài kia không thể cất tiếng nói đấu tranh. Ngay cả những người dám tố cáo cũng phải đối mặt với rất nhiều rủi ro”, cô Gonoi nói trong một cuộc phỏng vấn.
“Tôi thực sự muốn thay đổi điều đó”.
Rina Gonoi tại Tokyo vào ngày 22/1. Ảnh: Washington Post. |
Bước lùi của Nhật Bản
Phụ nữ Nhật Bản được tiếp cận giáo dục tiêu chuẩn cao và có nhiều tiếng nói trong lực lượng lao động, nhưng ít được đại diện trong các vị trí quyền lực.
Nhật Bản liên tục xếp thứ hạng thấp trong báo cáo về khoảng cách giới dù là quốc gia có nền kinh tế lớn thứ ba thế giới.
Phong trào #MeToo ở Nhật Bản trầm lắng hơn nhiều quốc gia phát triển khác.
Cô Gonoi đã đệ đơn kiện những kẻ tấn công và chính quyền vào tháng 1. Trước đó, cô đã nộp đơn kiến nghị lên Bộ Quốc phòng sau khi cơ quan công tố huỷ cuộc điều tra chính thức vì cho rằng thiếu bằng chứng.
Cô trở thành nạn nhân tấn công tình dục đầu tiên thu hút sự chú ý của công chúng kể từ năm 2017, khi cựu nhà báo Shiori Ito thắng kiện trước những kẻ hiếp dâm.
Vụ kiện của cô Gonoi diễn ra trong bối cảnh Nhật Bản bắt tay vào một đợt tăng cường quân sự lớn chưa từng có kể từ sau Thế chiến II. Quyết định của Tokyo được cho là nhằm đối phó với mối đe dọa quân sự từ Trung Quốc và tham vọng hạt nhân của Triều Tiên.
Tuy nhiên, già hóa dân số khiến Nhật Bản đối mặt với tình trạng thiếu nhân sự trầm trọng, có nguy cơ làm suy yếu chiến lược an ninh quốc gia mới của chính quyền Tokyo.
Một giải pháp là tuyển dụng nhiều phụ nữ hơn, vốn chiếm ít hơn 10% lực lượng. Dù vậy, trường hợp của cô Gonoi đã tiết lộ điều kiện làm việc tồi tệ bên trong, gây ra tâm lý e ngại cho các tân binh.
Sau kiến nghị của Gonoi, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã thực hiện một cuộc điều tra sơ bộ và phát hiện hơn 1.400 báo cáo khiếu nại về quấy rối chỉ trong 2 tháng.
Lo sợ khi bước ra ánh sáng
Những cáo buộc của Gonoi nhiều lần bị bác bỏ cho đến khi cô công khai vào năm ngoái. Quyết định bước ra ánh sáng khiến cô phải trả giá đắt về tinh thần và thể chất.
Cô Gonoi trở thành mục tiêu của một làn sóng bắt nạt trực tuyến, miệt thị ngoại hình. Nhiều người cho rằng cô nói dối và thậm chí chỉ trích cô vì đã mỉm cười trước công chúng, một hành vi bị cho là không phù hợp với nạn nhân.
Vì vậy, cô Gonoi trở nên lạnh lùng và vô cảm trong các cuộc họp báo. Cô biết công chúng đang theo dõi từng cử chỉ và lời nói của cô. Tuy nhiên, họ vẫn tiếp tục chỉ trích cô vì sự nghiêm túc.
Cô đã chuẩn bị sẵn tinh thần trước phản ứng dữ dội, nhưng vẫn không thể chịu đựng nổi những bình luận thù hận. Chúng khiến cô phải vật lộn với tâm lý lo lắng và tình trạng sụt cân.
“Ở Nhật Bản, có quan niệm rằng nạn nhân không nên mỉm cười, sống cởi mở và bình thường. Tôi thực sự ghét điều này và muốn thay đổi nó. Tôi muốn thế giới trở thành nơi tốt đẹp và thoải mái hơn với các nạn nhân”, cô nói.
Cô Rina Gonoi muốn thay đổi hệ thống văn hóa quân đội Nhật Bản. Ảnh: Washington Post. |
Điều khiến Gonoi cảm thấy có động lực là khi nhiều phụ nữ và đàn ông chia sẻ với cô về những vụ quấy rối bên trong Lực lượng Phòng vệ và các lĩnh vực khác ở Nhật Bản. Những nỗ lực khiếu nại của họ với cấp trên hoặc thông qua đường dây trợ giúp đều bị bỏ qua, giống như cô.
Gonoi tham gia Lực lượng Phòng vệ trên bộ từ năm 2020. Cô nhanh chóng nhận ra rằng đụng chạm cơ thể không mong muốn và quấy rối tình dục bằng lời nói là một phần trong cuộc sống hàng ngày.
Cô liên tục gặp những hành vi như vậy khi trải qua các khóa đào tạo tại trại Koriyama ở đông bắc Nhật Bản.
Tháng 8/2021, trong quá trình đào tạo với hơn một chục đồng nghiệp nam, một số người đã đè cô xuống đất và mô phỏng những hành vi tình dục. Những người khác đứng xem và cười.
Vụ việc khiến cô không thể chịu đựng thêm. Cô đã báo cáo cho một nữ cấp trên về hành vi quấy rối. Hai người tiếp tục đi nói chuyện với một lãnh đạo nam, nhưng cáo buộc bị bác bỏ.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản thừa nhận rằng một chỉ huy trong đơn vị của cô Gonoi đã nhận được khiếu nại nhưng không báo cáo với cấp trên.
Cô đã đệ đơn khiếu nại chính thức lên bộ phận nhân sự của Lực lượng Phòng vệ và được chuyển đến văn phòng công tố địa phương. Các công tố viên không thể tìm thấy nhân chứng cho cáo buộc của cô, do đó hủy bỏ khiếu nại.
Nỗ lực thay đổi hệ thống
Cô giải ngũ với mức lương bèo bọt và đối mặt với chấn thương tâm lý, nhưng không thể giải thích cho cha mẹ lý do. Gonoi cho biết khi đó cô cảm thấy cô đơn, chán nản và muốn tự tử.
Một ngày nọ, cô đã lên kế hoạch tước đi mạng sống bản thân, nhưng rồi một trận động đất khác ập đến. Nó nhắc nhở cô về trận động đất và sóng thần năm 2011.
“Tôi nghĩ đến những người bạn học thiệt mạng trong thảm họa ấy. Tôi cảm thấy tồi tệ khi nghĩ đến việc tự kết liễu đời mình và quyết định phải mạnh mẽ chiến đấu tiếp”, cô nói.
Vì vậy, cô quyết định công khai câu chuyện của mình. Khi các đài truyền hình phớt lờ yêu cầu, cô tham gia một chương trình trên YouTube. Gonoi cũng khởi động một bản kiến nghị và thu được hơn 130.000 chữ ký yêu cầu Bộ Quốc phòng Nhật Bản điều tra.
Bộ đã sắp xếp một cuộc gặp riêng giữa cô Gonoi và thủ phạm. Họ khóc, quỳ xuống và xin cô tha thứ sau 16 tháng xảy ra vụ việc.
Các quan chức Bộ Quốc phòng Nhật Bản cúi đầu xin lỗi cựu binh sĩ Rina Gonoi. Ảnh: Kyodo. |
Tháng 12/2022, Bộ Quốc phòng Nhật Bản bắt buộc 5 quân nhân giải ngũ và kỷ luật 4 người khác vì đã không giải quyết vấn đề.
“Chúng tôi rất coi trọng vấn đề này và sẽ thiết lập một văn hóa quân đội có tổ chức, không dung thứ cho hành vi quấy rối”, Yoshihide Yoshida, tham mưu trưởng quân đội Nhật Bản, cho biết tại một cuộc họp báo. Ông cũng xin lỗi cô Gonoi.
Gonoi cho biết cô cảm thấy lời xin lỗi của họ đã quá trễ.
“Tôi đã nghĩ về tình hình sẽ thế nào nếu họ điều tra đúng cách ngay từ đầu. Tôi sẽ không phải công khai danh tính và không bị tấn công trên mạng xã hội”, cô nói.
“Cuộc điều tra và lời xin lỗi chỉ diễn ra khi tôi ra mặt và dư luận đứng về phía tôi. Thật đáng buồn, đó là cách câu chuyện này luôn luôn xảy ra ở Nhật Bản”.
Gonoi muốn có trách nhiệm giải trình công khai và thay đổi hệ thống trong quân đội. Vào tháng 1, cô đã đệ trình đơn kiện chống lại 5 thủ phạm, đề nghị mức bồi thường 42.400 USD. Cô yêu cầu những người đàn ông đưa ra lời xin lỗi công khai và chân thành.
Cô Gonoi cũng kiện chính phủ Nhật Bản vì thất bại trong việc ngăn chặn lạm dụng và điều tra cáo buộc, yêu cầu 15.000 USD bồi thường thiệt hại.
“Tôi hy vọng tôi là người cuối cùng trải nghiệm điều này trong Lực lượng Phòng vệ. Nếu không, những gì tôi đã và đang làm sẽ trở nên vô nghĩa”, cô nói.
Cuốn sách thức tỉnh hàng triệu người dân Nhật
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách Khuyến học bàn về những yếu tố cơ bản khi xây dựng quốc gia hưng thịnh, về tinh thần học tập để quốc dân tự cường, dựa trên kinh nghiệm của người Nhật.
Độc giả có thể xem thêm tại đây.