Giống như nhiều người ở Kavre, một huyện nhỏ nằm gần thủ đô Kathmandu, anh Nawaraj Pariyar sống nhờ việc bán sữa bò và làm công việc thời vụ ở một nông trang gần đó. Nghèo đói và thất học, tài sản Pariyan chỉ gồm hai con bò, một ngôi nhà và một mảnh ruộng nhỏ, CNN đưa tin.
Vết sẹo dài ở ngang hông của những người đàn ông Nepal mất thận. Ảnh: CNN |
Khi không thể kiếm tiền từ những công việc ở quê nhà, Pariyar lên thành phố để làm công nhân xây dựng. Trong năm 2000, một quản đốc công trình tiếp cận chàng thanh niên và đề nghị mua “miếng thịt thừa” trong cơ thể anh với mức giá hậu hĩnh là 30.000 USD. Sau khi đồng ý, Pariyar theo hắn ta tới gặp bác sĩ để cắt “miếng thịt thừa” đó.
Tuy nhiên, Pariyar hoàn toàn không biết người ta sẽ cắt một quả thận của anh. Thậm chí, anh ta còn tin lời tên quản đốc và nghĩ nó sẽ mọc lại.
“Nếu nó có thể mọc lại, tôi sẽ kiếm thêm được khoảng 30.000 USD. Tại sao tôi lại không làm”, Pariyar kể lại suy nghĩ của anh khi chấp nhận bán “miếng thịt thừa” trong cơ thể.
Những kẻ lấy thận đưa Pariyar tới một bệnh viện ở Chennai, bang miền nam Ấn Độ. Chúng làm giấy tờ giả để anh trở thành thân nhân của người nhận tạng.
“Những kẻ buôn thận có đầy đủ mọi loại giấy tờ giả. Khi tới bệnh viện, các bác sĩ hỏi tôi về quan hệ với bệnh nhân và tôi trả lời đúng theo những điều bọn chúng đã dặn”, Pariyar kể.
Sau khi hoàn tất quá trình hiến tạng, Pariyar trở về quê nhà ở Nepal. Những kẻ buôn người đưa cho chàng trai 20.000 rupee, tương đương 1% số tiền đã thỏa thuận.
“Chúng hứa sẽ trả tôi nốt số tiền còn lại nhưng tôi chưa bao giờ gặp lại chúng. Tôi cảm thấy nghi ngờ nên tới bệnh viện để khám. Bác sĩ cho biết tôi đã mất một quả thận”, Pariyar đau xót kể.
Những trường hợp như của Pariyar ở Nepal phổ biến tới mức người ta gọi quốc gia này là “ngân hàng thận”. Nghèo đói, thiếu học vấn và hạn chế về nhận thức là yếu tố khiến nhiều người dễ trở thành nạn nhân của bọn buôn nội tạng. Phần lớn nạn nhân là người nông thôn nhưng tìm việc ở thành phố. Tuy nhiên, bị kịch của họ không dừng lại ở việc bị lừa mất một quả thận mà nó còn khiến sức khỏe họ suy giảm nghiêm trọng.
Sức khỏe Pariyar giảm sút rõ rệt trong từng năm kể từ khi mất thận. Tuy nhiên, anh không đủ tiền để khám bệnh.
“Nếu tôi chết, tôi chỉ hy vọng chính phủ có thể chăm sóc hai con tôi. Tôi không biết tôi sẽ chết trong hôm nay hay ngày mai. Thời gian của tôi chỉ còn tính bằng ngày”, Pariyar nói.
Nhà chức trách Nepal cho biết, buôn bán tạng bất hợp pháp vận hành theo những đường dây xuyên quốc gia. Mỗi khâu của quá trình phục vụ một mục đích. Giới chức Nepal không thể kiểm soát nạn buôn thận bởi phần lớn các bệnh nhân có nhu cầu ghép tạng đều phẫu thuật ở Ấn Độ dù vài bệnh viện ở Nepal có thể ghép tạng.
Ngoài ra, các bệnh viện Ấn Độ không thực hiện nghiêm ngặt khâu kiểm tra giấy tờ của những bệnh nhân và người hiến tạng Nepal. Các nhà hoạt động chống buôn bán nội tạng gọi đây là kẽ hở để bọn buôn nội tạng lợi dụng. Trong khi đó, chính phủ Nepal không chống loại tội phạm này một cách quyết liệt nên số lượng kẻ bất lương phải đền tội không cao.