Mánh khoé tinh vi của những kẻ buôn nội tạng Trung Quốc
Ở tuổi đang căng tràn sức sống nhưng thiếu tiền, Dương Niên, 19 tuổi đã bán gần 2/3 lá gan của mình cho một bệnh nhân người Bắc Kinh đang cần ghép gan với giá 150.000 nhân dân tệ (21.900 USD).
>>Tin đồn bắt cóc trẻ em lấy nội tạng ở Nghệ An
>>Nghi ngờ một phụ nữ bắt cóc trẻ em, mổ bụng
Ảnh minh họa. |
Tuy nhiên, phần lớn số tiền này lại nằm trong tay một người trung gian buôn bán nội tạng người tên là Lưu Cương Thành. Dương chỉ được cầm số tiền nhỏ giọt là 25.000 nhân dân tệ (3.600 USD) thay vì lời hứa là 35.000 nhân dân tệ (5.130 USD), tờ Bưu điện buổi sáng Bắc Kinh đưa tin.
Thông tin sức khoẻ của Dương cũng như việc nhận dạng, chữ ký đều được giả mạo để tránh bàn tay luật pháp, rồi được chuyển tới một nhà cung cấp nội tạng hợp pháp và cuối cùng là bệnh nhân người Bắc Kinh.
Bệnh nhân ban đầu không sẵn sàng trả chi phí cao xứng đáng cho Dương, nhưng cũng bị kẻ trung gian đe doạ nếu người này có đủ can đảm từ chối chi trả như mặc cả ban đầu.
"Sau này, chúng tôi mới biết trung gian họ Lưu chỉ đưa cho Dương rất ít, chúng tôi rất bực mình, nhưng chúng tôi cũng sợ hãi và không thể làm gì cả”, vợ của bệnh nhân được ghép gan của Dương nói. Hai vợ chồng này đã phải trả một số tiền lớn cho người trung gian, bằng cách đi vay mượn khắp nơi.
Trường hợp này đang được điều tra, nhưng dù sao nó cũng cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của tầng lớp trung gian trong thị trường mua bán nội tạng. Những người này đã tận dụng tình trạng khan hiếm trong việc hiến nội tạng tại Trung Quốc.
Chợ đen nội tạng được hình thành và tổ chức theo mô hình dây chuyền khá chặt chẽ. Người trung gian thu hút, tìm kiếm và tổ chức một nhóm người bán nội tạng, hầu hết là nam giới, phân phát cho họ thức ăn và một số tiền hàng tháng sau đó, đưa họ đi kiểm tra sức khoẻ, để “thải loại” những người không đủ sức khoẻ, không đủ khả năng hiến tạng, đúng hơn là “không sinh lời’.
Những kẻ trung gian thậm chí còn hối lộ bác sĩ để được đảm bảo có đầu mối tại một bệnh viện tốt.
Phần lớn thời gian của người bán nội tạng là chờ đợi (đôi khi bất tận) để tìm kiếm người mua thích hợp. Đó là lý do vì sao, kẻ trung gian hay chọn lựa tổ chức một nhóm bán tạng lớn, nhằm tăng cơ hội thích ứng y học, và thu lợi nhuận lớn hơn.
Trong bài báo của tờ Bưu điện buổi sáng Bắc Kinh có đề cập tới một kẻ trung gian ở Giang Tô, họ Vương, người đã tổ chức được 190 người bán tạng trong hai năm qua, và thành công trong khoảng 30 thương vụ cấy ghép. Một người khác ở Thẩm Dương thậm chí còn khẳng định, anh ta có thể đảm bảo có người thích hợp cho nội tạng chỉ trong ba ngày, đồng thời còn “khuyến mại” thêm một người khác như trường hợp phòng bị.
Cho tới nay, việc buôn bán nội tạng người ở Trung Quốc bị coi là hoạt động kinh doanh trái phép.
Theo Vietnamnet