Theo Guardian, Đức đã gần như tiêu diệt hoàn toàn tộc người Herero và Nama trong thời gian cai trị Nambia đầu thế kỷ 20. Một số nhà sử học gọi các vụ thảm sát của Đức tại Namibia, với hàng chục nghìn nạn nhân, là cuộc diệt chủng đầu tiên của thế kỷ.
Thời gian qua, chính phủ hai nước đang thảo luận về một thỏa thuận, theo đó Đức sẽ chính thức xin lỗi và gia tăng hỗ trợ nhân đạo cho Namibia. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán dường như đang đi vào ngõ cụt.
Tổng thống Namibia Hage Geingob hôm 11/8 tuyên bố đề nghị mới nhất "về các khoản bồi thường do chính phủ Đức đưa ra là không thể chấp nhận được" và cần được "xem xét lại". Chi tiết về đề nghị của Berlin không được công bố. Một số nguồn tin chưa được xác nhận cho rằng khoản tiền bồi thường Đức đề nghị là 12 triệu USD.
Một binh sĩ Đức giám sát tù binh Namibia trong cuộc chiến 1904-1908. Ảnh: AFP. |
Ruprecht Polenz, phái viên đặc biệt của chính phủ Đức tham gia đàm phán, không phủ nhận đề nghị của Berlin đã bị từ chối.
"Đối với chúng tôi, đây không phải là câu hỏi pháp lý, mà là vấn đề đạo đức và chính trị. Nước Đức muốn thực hiện trách nhiệm chính trị và đạo đức của mình. Điều quan trọng là các cuộc đàm phán đang diễn ra, tôi vẫn lạc quan về một giải pháp có thể đạt được", ông Polenz nói.
Chính phủ Đức tới nay vẫn tỏ ra ngần ngại sử dụng từ "bồi thường" trong các tuyên bố chính thức liên quan tới đàm phán với Namibia. Berlin lo ngại thỏa thuận với Namibia có thể tạo cơ sở để Ba Lan, Hy Lạp, hay Italy yêu cầu cầu bồi thường cho các tội ác của chế độ Quốc xã trong Chiến tranh thế giới 2.
Trong quá khứ, các quan chức Đức nhiều lần từ chối sử dụng từ "diệt chủng" để mô tả các vụ thảm sát người Herero và Nama. Tới tháng 7/2015, Ngoại trưởng Đức khi đó là Frank Walter Steinmeier đã ban hành "hướng dẫn chính trị" cho biết các vụ thảm sát tại Namibia nên được coi là "tội ác chiến tranh và diệt chủng".