Cũng như trên cả nước, Tết Nguyên đán là một lễ lớn và quan trọng bậc nhất trong năm của người Nam Bộ. Tết là dịp để tỏ lòng tri ân đối với đất nước, tổ tiên, kể cả các đấng thánh thần linh thiêng đã phù hộ độ trì họ trong cuộc sống. Từ xa xưa, người Nam Bộ không gọi tổ chức Tết, lễ hội Tết, lễ hội mừng năm mới... mà gọi là “ăn Tết”. Trải qua mấy trăm năm, tục “ăn Tết” ở Nam Bộ cũng khác dần theo thời gian.
Dựng nêu, đốt pháo ngày Tết, tranh kí họa đầu thế kỷ 20 của Oger |
Sách Gia Định Thành thông chí của sử gia Trịnh Hoài Đức có dành một mục nói về lễ Tết cuối năm ở xứ Gia Định (tức Nam Bộ ngày nay), trong đó có mô tả các phong tục trong ba ngày Tết cách nay trên dưới 2 thế kỷ như sau:
“… Tục ở đây thường đến cuối năm thì lo may sắm áo quần mới, quét dọn nhà cửa, dán treo câu liễn năm mới, đặt bàn ghế, trang trí bàn thờ tổ tiên, trên đó trưng bày các vật gì tốt đẹp để khoe diện, dặn con cháu phải cẩn thận trong mọi việc để bói điềm lành trọn năm. Bắt đầu giờ Dần ngày đầu năm phải dậy thắp hương đèn và dâng trà lễ bái tiên tổ, sau đó lạy mừng tuổi người trưởng thượng, chúc tụng phước thọ, đầu xuân mới được giàu sang, khỏe mạnh [tùy theo phong cách mỗi nhà mà lời chúc tụng ông bà có khác nhau đôi chút nhưng tựu trung không thể thiếu câu này: “Năm mới năm mủn. chúc (Ông nội, bà nội, ba, má vv…) sống lâu muôn tuổi, may mắn, mạnh khỏe từ đầu năm đến cuối năm”.], và đặt cỗ bàn dâng lên tiên tổ, mỗi ngày hai lần sớm và chiều , phụng sự như khi còn sống vậy, lễ vật gồm quả phẩm, bánh mứt, tất cả vật thực đều đem trưng bày, đến ngày mùng 3 đưa thần gọi là đệ tiễn, lễ này dùng đồ dán giấy như đồ hàng mã đem đốt và đốt cả pháo, có thứ pháo đồng, pháo thiếc, tiếng nổ chấn động cả rừng núi rền vang không dứt. Ngày Tết họ còn uống rượu nếp than và ăn bánh tét…
Ở Gia Định, vào tháng cuối năm thường lo chạp phần mộ tổ tiên, việc ấy là vâng theo quốc điển, vì cho rằng gần tiết Nguyên đán, nhà cửa mọi người còn trang hoàng cho khang trang, huống chi cái lễ con cháu thờ người chết cũng như khi còn sống, chẳng lẽ ngồi xem cây cỏ rậm rạp, dơ dáy, mồ mả sụt lở mà không đắp sửa”.
Còn học giả Vương Hồng Sển là một nhà văn hóa, nhà sưu tập đồ cổ nổi tiếng, có hiểu biết sâu rộng về miền Nam. Với cái nhìn hoài niệm về Tết khoảng thập niên 30 - 40 của thế kỷ trước, kèm theo đó là những chi tiết rất cụ thể về những cổ tục mà một số bây giờ đã biến đổi hoặc không còn nữa trong bài viết “Cảm tưởng về Tết trong Nam” viết ngày 13 tháng 12 năm 1966.
Nói về Tết cùng cái giàu có của Nam kỳ trước 1945, cụ Vương viết: “… Trước năm đảo-chánh 1945, miền Nam dật lạc thái bình, tiền rừng bạc biển, ngày Xuân đối với con dân làm ruộng, quả là những ngày xả hơi và phải thừa dịp ấy, ăn chơi cho thỏa chí. Thời tiết trong Nam luôn luôn có tiếng là khoan-hậu: nóng đều đều, tuy không cho phép nhà giàu mượn dịp tra mãi bộ đồ dạ ấm đắt tiền, nhưng sức nóng mặt trời trong Nam không bao giờ đến cháy da phỏng trán, và ấm áp dễ chịu quanh năm.
Tự cổ chí kim, chưa nghe có nạn chết rét vì thiếu y phục, hoặc chết đói vì thiếu cơm. Bẻ cây cần trúc tạm, ra ruộng đứng nhắp chơi cũng có cá tươi kho đầy mẻ, đến ăn không hết. Còn nói chi làm siêng ra đồng quơ bậy bạ cũng đủ nấu nồi canh rau nhẹ lòng…”.
Múa lân chợ Tết ở Cao Lãnh, Đồng Tháp xưa. Ảnh Lê Hương |
Không khí chộn rộn đón Tết của đồng bào miền Nam thời trước cũng được cụ nhắc lại một cách hoài niệm: “…Mấy chục năm về trước, miền Nam gồm toàn người củi lụt làm ăn, đầu tắt mặt tối, quanh năm chơn lắm tay bùn, lặn lội eo sèo trong sình lầy nước thúi, chỉ có mỗi lần Tết đến mới có dịp nhớ đến ngôi nhà đang ở và ra công quyết tước dọn dẹp từ trên trang thờ đến bếp núc ông Táo ông Vôi, một năm chỉ có một lần ấy mà thôi.
Nhà nào có vườn có sân thì đốn tre trồng nêu để nhắc lại cổ tục chầu xưa, nhà nào ở chợ búa phố xá hẹp hòi thì cũng treo cờ trước cửa cho gió bay mấp máy thấy đủ vui mắt, nhưng nhà nhà bất luận sang hèn, dẫu ọp ẹp bằng tre lợp lá chằm lá khíu, cũng có đôi liễn mới dán đỏ cột và trên bàn thờ tổ tiên sao sao cũng có lộc-bình, quả-tử, nhứt là phải có bộ lư đồng và cặp chưn đèn thau o-bế chùi bóng nhoáng rất nên thơ…”.
Ông Đồ viết câu đối Tết |
So sánh giữa Tết xưa và Tết tân thời, cụ Vương thấy cái được và cái mất: “…nhà cửa lớp xưa, mỗi năm chỉ đổi bộ mặt mới có một lần và phải đợi năm sau mới có dịp quét dọn lau mò hóng, quơ váng nhện lại lần nữa. Nay “May sắm hà-rầm” và muốn có áo mới; mặc tình đến tiệm, lựa hàng đặt may.
Xưa muốn cắt áo phải tra lịch lựa ngày, và trẻ nít phải đợi đến Tết mới có dịp cha mẹ may cho cái quần lành Bắc-Thảo hay cái áo lá liễu bằng củng-xá hay hàng lụa Tứ-Xuyên bền chắc. Ngày nay đâu còn hạnh phúc mừng xuân đến “không nhắm mắt được” và tục chờ mau đến Tết để được bận đồ mới!...
… xưa kia ngày Tết là ngày tưởng niệm vong linh ông bà, con cháu thừa dịp ấy qui tụ về nhà chung để giáp một năm thấy mặt mừng nhau khỏe mạnh, nay đà đổi khác thừa dịp Tết người lớn tha hồ đi nghỉ mát, cặp tay nhơn tình đưa nhau ra bãi biển giỡn sóng hay lên non hứng gió, ông bà tổ tiên phú mặc cho vợ con hiu quạnh cúng quảy lấy lề…
Có năm 1931-35 kinh tế khẩn bách đến vùng Mỹ-Thuận và Sa-Đéc thắp đến dầu mỡ chuột tanh rì, nhưng vậy mà dẫu sao cũng lúa gạo chứa đầy mái đầy thùng, cá mắm cả lu, và Tết đến lại có dịp vặn máy hát thức xem đèn dầu, tim bằng cỏ bấc trổ bông báo điềm lành và nhờ đêm thanh tịnh không tiếng súng nổ mà cũng không tiếng máy bay rầm rầm, nên cổ-nhân canh chừng mới biết được “con thú gì ra đời”: gà gáy đem lại thăng bình hay chuột túc con bày điềm sang năm sung túc…”.