Cuộc khủng hoảng thiếu tiền mặt nổ ra ở Myanmar trong bối cảnh các ngân hàng siết chặt việc rút tiền kể từ sau cuộc binh biến hồi tháng 2, ảnh hưởng tới hoạt động của toàn bộ nền kinh tế, theo Nikkei Asia.
Tình trạng bế tắc hiện nay ít có khả năng sớm được giải quyết, bởi Ngân hàng Trung ương Myanmar không có ý định bơm tiền mặt ra thị trường, do lo ngại tình trạng lạm phát và người dân ồ ạt đổi sang USD.
Trong bối cảnh cả người lao động và các doanh nghiệp đều yêu cầu thanh toán bằng tiền mặt, hoạt động kinh doanh cũng như đời sống của người dân Myanmar đang rơi vào tình thế khó khăn.
Tiền mặt là vua
Kanbawza, ngân hàng tư nhân lớn nhất ở Myanmar, là tổ chức tài chính hiếm hoi còn cho phép người gửi rút ra tiền mặt tại các máy ATM vào lúc này, hạn mức tối đa tương đương 121 USD (khoảng 200.000 kyat).
Nhưng bởi việc rút tiền chỉ có thể được thực hiện ở một số máy ATM giới hạn, một hàng dài người có nhu cầu rút tiền đã xếp hàng từ sáng sớm tại các cây ATM ở Yangon, mỗi hàng có đến hơn 100 người.
Tại trụ sở ngân hàng Kanbawza ở Yangon, người gửi tiền có thể rút tiền với hạn mức tương đương 30.000 USD. Nhưng phí rút tiền đến 6,5%.
Dịch vụ ngân hàng tại Myanmar đình trệ xuất phát từ việc các đơn vị này tham gia phong trào phản đối cuộc binh biến hồi tháng 2.
Tình hình vẫn chưa có nhiều có dấu hiệu khả quan, dù các nhân viên ngân hàng đã trở lại làm việc từ giữa tháng 4.
Người dân ở Yangon vạ vật xếp hàng chờ được rút tiền. Ảnh: AFP. |
Người dân cũng như giới doanh nghiệp lúc này vẫn lo ngại rằng một khi đã gửi tiền mặt vào ngân hàng, họ sẽ không thể rút ra. Lo ngại này càng thúc đẩy người dân liên tục tìm cách rút tiền.
Các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động ở Myanmar cho biết họ không thể đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của người lao động đòi hỏi trả lương bằng tiền mặt thay vì chuyển khoản.
Nhiều nhà phân phối hàng hóa cũng đang yêu cầu thanh toán tiền mặt.
Makro Myanmar, một công ty bán buôn lớn có trụ sở tại Thái Lan, đã ngừng các giao dịch bằng thẻ tín dụng và hiện chỉ chấp nhận thanh toán tiền mặt.
Trên lý thuyết, vấn đề có thể được giải quyết nếu Ngân hàng trung ương Myanmar in thêm tiền mặt và bơm vào các ngân hàng.
Nhưng giới chuyên gia tài chính tin rằng Ngân hàng Trung ương Myanmar không lựa chọn giải pháp này bởi lo ngại tăng lượng tiền mặt lưu thông sẽ làm giảm giá trị đồng nội tệ Kyat, dẫn đến lạm phát.
Việc người dân chỉ rút tiền mà từ chối gửi tiền khiến các ngân hàng thương mại rơi vào thế bấp bênh, bởi gần cạn kiệt nguồn tiền mặt.
"Càng nhiều tiền mặt được bơm ra, người dân sẽ càng rút tiền nhiều hơn và chuyển hết sang USD để bảo đảm an toàn. Ngân hàng trung ương sợ điều kiện kinh doanh của các ngân hàng xấu đi, cũng như tiền kyat mất giá", một chuyên gia ngân hàng nước ngoài nhận xét.
Hôm 18/6, kyat nội tệ có giá trị từ 1.595-1.605 đổi 1 USD tại các ngân hàng thương mại. Giá trị kyat đã giảm 17% so với thời kỳ trước đảo chính.
Tỷ giá từng giảm xuống mức 1.700 kyat đổi 1 USD vào tháng 5, buộc Ngân hàng Trung ương Myanmar can thiệp vào thị trường mua bán USD.
Giá cả leo thang
Một báo cáo của Google mới đây cho thấy mức độ đi lại của người dân Myanmar đã trở về gần với mức trước binh biến.
Tại các siêu thị bán lẻ và cơ sở giải trí tại Yangon, số khách hàng có lúc đã giảm 90%. Nhưng gần đây, tỷ lệ khách hàng đã hồi phục lại mức 50% so với trước dịch bệnh.
Tuy nhiên, giá trị tiêu dùng vẫn ở mức thấp, bởi thiếu tiền mặt và giá cả hàng hóa tăng vọt. Bên cạnh đó, tỷ lệ thất nghiệp cũng gia tăng do các hoạt động kinh tế đình trệ bởi Covid-19 và binh biến.
"Người dân ra ngoài làm việc nhiều nhất có thể. Nhưng họ hoàn toàn không mua rau bởi muốn cắt giảm tối thiểu chi phí", một người bán rau trên phố cho biết.
"Tôi thường thanh toán qua chuyển khoản ngân hàng, nhưng giờ môi giới từ chối bán nếu tôi không thanh toán bằng tiền mặt", một thương nhân bán buôn gạo cho biết.
Dân Myanmar đang siết chặt chi tiêu vì thiếu tiền mặt và giá cả leo thang. Ảnh: Nikkei Asia. |
Từ đầu tháng 5, giá các mặt hàng lương thực chính đã tăng từ 10-15%. Giá xăng dầu gia tăng cũng làm tăng chi phí phân phối hàng hóa, kéo theo đó là thịt lợn và gia cầm cũng tăng giá.
Chỉ số Quản trị Mua sắm (PMI) trong lĩnh vực sản xuất đã tăng từ 33,0 vào tháng 4 lên 39,7 trong tháng 5. Tuy nhiên, PMI vẫn còn cách xa mức 50 điểm - mức tối thiểu cho thấy hoạt động sản xuất có sự tăng trưởng.
Dòng vốn bị đình trệ khiến việc mua sắm nguyên liệu thô và hàng hóa thiết yếu khác bế tắc.
Nhằm khuyến khích người dân tiếp tục gửi tiền tiết kiệm, Ngân hàng Trung ương Myanmar nhấn mạnh sự an toàn của các khoản tiền gửi ngân hàng.
Đầu tháng 5, Ngân hàng Trung ương Myanmar cho phép mở các "tài khoản đặc biệt", không giới hạn hạn mức rút tiền, với những điều kiện nhất định.
Nhưng nỗ lực này bị người dân coi là dấu hiệu cho thấy các ngân hàng thương mại đang thiếu tiền mặt, khiến chủ các tài khoản càng hoài nghi việc gửi tiền.
Trong bối cảnh lòng tin của người dân vào ngân hàng ít có khả năng sớm khôi phục, hỗn loạn trên thị trường tài chính cũng như đời sống của người dân Myanmar sẽ tiếp tục kéo dài trong thời gian tới, theo Nikkei Asia.