Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Myanmar muốn cải thiện quan hệ với Trung Quốc

Chuyến công du của bà Aung San Suu Kyi được đánh giá là "chuyến đi lịch sử định hình quan hệ Trung Quốc - Myanmar trong suốt nhiều năm về sau".

Tối 17/8 vừa qua, bà Aung San Suu Kyi đã đặt chân đến sân bay Bắc Kinh, khởi đầu cho lịch trình làm việc 4 ngày tại Trung Quốc. Đây là chuyến công du đầu tiên của bà đến một nước lớn trên cương vị cố vấn nhà nước Myanmar, một chức vụ được cho là "còn trên cả tổng thống".

Không phải Washington, nơi bà dự kiến gặp Tổng thống Barack Obama vào tháng tới, mà lại là Bắc Kinh, vốn đang nóng lòng tăng cường sự hiện diện tại quốc gia Đông Nam Á là điểm đến đầu tiên của bà Suu Kyi. Lựa chọn đã để ngỏ tín hiệu cho thấy Myanmar đang muốn "xích lại gần hơn" với "người hàng xóm" khổng lồ ở phương Bắc.

Động thái này làm dấy lên mối lo ngại tại Washington. Chính quyền Tổng thống Obama vốn coi những tiến bộ về dân chủ ở Myanmar, cũng là lý do đưa bà Suu Kyi lên nắm quyền, là một trong những thắng lợi quan trọng trong chính sách châu Á của Mỹ.

Myanmar han gan quan he voi Trung Quoc anh 1
Cố vấn nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trong lễ tiếp đón tại Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh ngày 18/8. Ảnh: Reuters.

Người cũ vẫn đây nhưng chuyện xưa đã khác...

"Bà Aung San Suu Kyi từ lâu đã thể hiện mong muốn thiết lập mối quan hệ hữu hảo với Trung Quốc. Do đó, chẳng có gì đáng nói khi bà quyết định chọn Bắc Kinh để viếng thăm trước bất kỳ thủ đô quan trọng nào khác", nhà sử học nổi tiếng nổi tiếng Thant Myint-U, cố vấn tổng thống, chia sẻ trên New York Times.

"Trung Quốc cũng chắc chắn nhận ra được khả năng cải thiện mối quan hệ và sẽ làm mọi cách để chuyến thăm kết thúc tốt đẹp. Đây sẽ là chuyến đi lịch sử định hình quan hệ Trung Quốc - Myanmar trong suốt nhiều năm về sau", ông bổ sung.

Sự chào đón lần này của Trung Quốc trái ngược với những gì đã diễn ra vào năm ngoái khi bà Suu Kyi đến Trung Quốc trong vai trò nhà lãnh đạo của phe đối lập tại Myanmar. Phía Trung Quốc được cho là đã có lời "khiển trách" vì bà đến trễ 20 phút.

Giờ đây Bắc Kinh đang có kế hoạch "đền bù" cho việc đó để có thể trở thành "người chơi" có sức ảnh hưởng nhất tại Myanmar. Kế hoạch này thể hiện qua các dự án đầu tư vào ngành dệt may cũng như việc trở thành người điều đình trong các cuộc đối thoại hòa bình giữa chính quyền của bà Suu Kyi và các nhóm sắc dân nổi dậy tại miền bắc Myanmar.

Hỗ trợ ổn định tình hình trong nước

Việc thuyết phục Trung Quốc trở thành người điều đình giải quyết tranh chấp cục bộ tại Myanmar là mục tiêu hàng đầu trong chuyến thăm của bà Suu Kyi.

Nhiều năm qua, những cuộc nổi dậy lẻ tẻ của hai nhóm sắc dân - người Kachin và người Wa - đã trở thành rào cản cho sự phát triển kinh tế địa phương. Để chấm dứt tình trạng này, bà Suu Kyi đã lên kế hoạch tổ chức một cuộc thương lượng hòa bình vào ngày 31/8 tới đây.

Hai nhóm sắc dân nói trên đều có gốc gác từ Trung Quốc và thường xuyên được tài trợ vũ khí từ bên ngoài biên giới. Bằng việc đề nghị Trung Quốc giữ vai trò trung gian, bà Suu Kyi đã khéo léo nhắn gửi thông điệp rằng Trung Quốc phải chấm dứt việc cung cấp vũ khí nếu có.

Một thỏa thuận đình chiến đã được đưa ra vào năm ngoái nhưng không đi đến kết thúc. Vào thời điểm ấy, một chuyên gia đàm phán của chính phủ Myanmar cho rằng Trung Quốc đã gây sức ép khiến lực lượng nổi dậy không ký vào thỏa thuận để Trung Quốc có thể dễ dàng kiểm soát họ hơn.

"Trung Quốc giữ vai trò quan trọng trong việc giúp Myanmar chấm dứt xung đột đã kéo dài hàng thập kỷ", ông Thant Myint-U nhận định. "Vấn đề đặt ra là: 'sự phụ thuộc' ấy sẽ khiến Myanmar phải trả giá như thế nào".

Myanmar sẽ nhượng bộ trong dự án thủy điện tai tiếng?

Một trong những mối bận tâm hàng đầu của Trung Quốc là việc tái khởi động dự án thủy điện Myitsone trị giá 3,6 tỷ USD mà họ đầu tư tại Myanmar vốn bị đình chỉ từ năm 2011. Sự việc đã khiến mối quan hệ song phương trở nên căng thẳng đến nay.

Myanmar han gan quan he voi Trung Quoc anh 2
Một góc công trình thủy điện Myitsone tại bang Kachin, miền bắc Myanmar, bị đình chỉ từ năm 2011. Ảnh: AFP.

Trong những ngày trước cuộc viếng thăm, bà Suu Kyi đã chỉ định một ủy ban gồm 20 người tiến hành xem xét lại quyết định tạm dừng dự án Myitsone cũng như đánh giá các dự án thủy điện khác. Theo các nhà phân tích, có khả năng bà Suu Kyi thỏa hiệp với Trung Quốc vì rằng "Myanmar đã không còn 'nghĩ như xưa' nữa".

Dù thế nào, cách xử sự của bà Suu Kyi trong việc này vẫn có thể xem là khôn khéo. "Bà ấy cần sự giao hảo với Trung Quốc nhưng nếu bà đồng ý tiếp tục dự án, bà sẽ mất đi một lượng lớn người ủng hộ trong nước", David I. Steinberg, giáo sư tại Đại học Georgetown (Mỹ) chia sẻ. Việc lập ra một ủy ban hoàn toàn mới giúp bà tránh được sức ép không chỉ từ phía Trung Quốc mà còn từ dư luận Myanmar.

Ủy ban đó có thể quyết định tiếp tục "treo" dự án vốn gây tranh cãi vì những tác động môi trường, đến dòng sông Irrawaddy huyết mạch của Myanmar cững như vì lý do 90% lượng điện sẽ được đưa về Trung Quốc. Tuy nhiên, nhiều khả năng họ sẽ "bật đèn xanh" cho những dự án khác mà Trung Quốc cũng quan tâm, Steinberg phân tích.

Về phần mình, Bắc Kinh cũng tỏ ra linh động hơn trong cách tiếp cận dự án, mở đường cho việc xoa dịu căng thẳng giữa hai bên, theo các chuyên gia.

Myanmar sẽ mang đến 'bờ biển phía tây' cho Trung Quốc?

Trung Quốc xem Myanmar là một lá bài chiến lược quan trọng đến nỗi nhiều nhà hoạch định chính sách đã ví đường bờ biển dài của Myanmar là "bờ biển phía tây" của Trung Quốc. Nằm ở vị trí cửa ngõ thông ra Ấn Độ Dương, Myanmar giúp Trung Quốc rút ngắn quãng đường vận chuyển dầu khí từ Trung Đông.

Myanmar han gan quan he voi Trung Quoc anh 3
Myanmar là cửa ngõ để Trung Quốc tìm ra Ấn Độ Dương, hiện thực hóa các dự án năng lượng quan trọng. Đồ họa: G. Chandradas.

Với tham vọng mở ra nhiều con đường để đi đến Ấn Độ Dương hơn, Trung Quốc đã lên kế hoạch thiết lập một tuyến giao thương mới: tuyến đường thủy từ Bhamo ở miền bắc Myanmar đến vùng đồng bằng Irrawaddy. Vấn đề này có thể sẽ được đem ra bàn thảo trong các cuộc tiếp xúc tại Bắc Kinh.

Ngoài ra, nguồn tài nguyên khoáng sản giàu có của Myanmar cũng như sự gần gũi về không gian giữa hai nước cũng khiến cho việc Trung Quốc muốn gia tăng phạm ảnh hưởng của mình ở lục địa Đông Nam Á trở thành một điều hiển nhiên.

Giờ đây, giới quan sát đang dồn sự chú ý vào kết quả của chuyến viếng thăm này, vốn được coi là một "bài kiểm tra" khả năng ngoại giao của Daw Suu, cách gọi tôn trọng mà người dân Myanmar dành cho nhà nữ lãnh đạo.

Cũng cần phải nói thêm rằng, bà Suu Kyi vốn theo đuổi đường lối chính sách trung lập. Chuyến thăm chính thức đầu tiên của bà trên cương vị cố vấn nhà nước Myanmar là dành cho Lào, chủ tịch ASEAN năm nay. Tuy nhiên lựa chọn Trung Quốc thay vì một nước phương Tây của Daw Suu không khỏi khiến nhiều người "lo lắng".

Aung San Suu Kyi chính thức làm cố vấn quốc gia Myanmar

Tổng thống Myanmar ngày 6/4 ký dự luật trao vị trí cố vấn quốc gia cho bà Suu Kyi, giúp nâng tầm ảnh hưởng của bà trong chính phủ Myanmar, bất chấp sự phản đối từ phía quân đội.

Myanmar biểu tình phản đối công ty mỏ do TQ hậu thuẫn

Hàng trăm thường dân Myanmar tham gia cuộc biểu tình nhằm chống lại các hoạt động của công ty khai thác khoáng sản do Trung Quốc hậu thuẫn.


Đông Phong (theo New York Times)

Bạn có thể quan tâm