Dự luật đề ra chức "cố vấn nhà nước". Vị trí này cho phép bà Suu Kyi điều phối các bộ và can thiệp vào công việc của tổng thống. Như vậy, bà Suu Kyi có thể "đi vòng" qua Hiến pháp do quân đội lập ra nhằm ngăn chặn bà trở thành tổng thống.
Hiến pháp cấm bà Suu Kyi lãnh đạo đất nước vì hai con trai của bà không mang quốc tịch Myanmar. Sau khi đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) thắng cử hồi tháng 11/2015, bà Suu Kyi thẳng thừng chỉ trích điều khoản này là “ngớ ngẩn” và tuyên bố bà sẽ vẫn lãnh đạo đất nước.
Tổng thống Myanmar Htin Kyaw và bà Aung San Suu Kyi chuẩn bị tham gia phiên họp quốc hội hôm 30/3. Ảnh: Reuters |
Các nghị sĩ xuất thân từ quân đội phản đối dữ dội dự luật do NLD đưa ra vì cho rằng nó vi hiến. Họ cảnh báo chức cố vấn nhà nước đặt quá nhiều quyền lực vào tay một cá nhân, thiếu cơ chế kiểm soát và cân bằng quyền lực.
“Điều khoản trong luật đồng nghĩa với việc cố vấn nhà nước có quyền lực ngang với tổng thống. Nó trái với Hiến pháp”, đại tá Myint Swe, một thượng nghị sĩ đại diện cho quân đội, nhấn mạnh.
Một số nghị sĩ đề nghị Tòa án Hiến pháp ra quyết định về dự luật gây tranh cãi. Hạ viện Myanmar sẽ tranh luận về dự luật vào ngày 4/4. NLD nắm đa số ghế trong cả hai viện nên không cần sự đồng thuận của quân đội để thông qua các dự luật.
Một số nghị sĩ NLD nhận định bất đồng về vị trí cố vấn nhà nước sẽ chỉ là mâu thuẫn đầu tiên giữa quân đội và chính phủ.
Cố vấn nhà nước chỉ là một trong số nhiều chức vụ của bà Suu Kyi trong chính phủ. Bà đã được bổ nhiệm chức ngoại trưởng, bộ trưởng giáo dục, bộ trưởng năng lượng và chánh văn phòng tổng thống.
“Đảm nhiệm những vị trí đó sẽ là việc cực khó. Số lượng người muốn gặp Suu Kyi sẽ lớn đến nỗi bà khó có thể bố trí thời gian để làm việc”, Reuters dẫn lời nhà phân tích chính trị Richard Horsey ở Yangon bình luận.