Phát biểu ngày 27/3, tướng Min Aung Hlaing nói quân đội đã "hợp tác với chính phủ và nhân dân" để tổ chức cuộc tổng tuyển cử tự do vào tháng 11/2015. Tuy nhiên, ông khẳng định thời điểm này chưa phải lúc thích hợp để hoàn toàn rút khỏi chính trường, theo Reuters.
Tổng tư lệnh quân đội Myanmar nhấn mạnh quan điểm, quân đội là lực lượng thống nhất duy nhất ở Myanmar và là "người bảo vệ" hiến pháp.
"Quân đội phải đóng vai trò dẫn đầu trong chính trị quốc gia, giống như cách chúng ta đứng dậy trong suốt quá trình lịch sử và những thời điểm khó khăn của đất nước", tướng Min Aung Hlaing nói.
Tướng Min Aung Hlaing cũng cam kết hợp tác với chính phủ mới nhằm bảo đảm quá trình chuyển giao quyền lực diễn ra suôn sẻ, quân đội sẽ bảo vệ an toàn cho quốc gia và nhân dân, giúp chính phủ phát triển đất nước vững mạnh.
Quân đội Myanmar vào năm 1962 đã thực hiện đảo chính để nắm quyền. Đến năm 2011, các tướng lĩnh đồng ý rút dần quyền lực, xây dựng một chính phủ bán quân sự, nhằm mở đường cho cuộc bầu cử lịch sử hồi năm ngoái. Tuy nhiên, quân đội vẫn nắm quyền lực đáng kể ở Myanmar, bao gồm quyền được có 25% đại biểu trong quốc hội, cũng như nắm giữ các bộ quan trọng thuộc chính phủ.
Ngày 27/3, hơn 10.000 quân nhân Myanmar đã dự lễ kỷ niệm Ngày Các lực lượng vũ trang diễn ra ở Naypyitaw. Sự kiện nhằm kỷ niệm ngày anh hùng dân tộc của Myanmar, tướng Aung San, cùng các đồng đội phát động chống lực lượng Nhật Bản xâm lược.
Hàng trăm cựu binh, các quan chức chính trị và đại diện sứ quán nước ngoài đã tham gia sự kiện. Tuy nhiên, bà Aung San Suu Kyi, con gái của tướng Aung San quá cố, đã không xuất hiện. Ông Htin Kyaw, người vừa được bầu làm tân tổng thống Myanmar cũng không đến dự.